- Đỗ Duy Ngọc cười: "Không có mình, cuộc đời vẫn vui, chỉ thiếu mình thôi. Nhưng cuộc đời vui như thế sao lại bỏ đi được".
Trích ngang lý lịch Đỗ Duy Ngọc: sinh 1950, tuổi Dần, cung Nhân Mã. Thử tiếp cận với tay họa sĩ từ ký hiệu chiêm tinh hình đầu người mình ngựa đang giương cung mà anh ta đang mang này. Nói chuyện họa sĩ Đỗ Duy Ngọc chơi đồng hồ cổ với hàng trăm chiếc trong bộ sưu tập, thì chính anh cũng đã ngán.
Nhân Mã rong chơi
"Cuộc đời vui như thế, bỏ đi sao được" |
Đàn ông cung Nhân Mã như ngựa hoang, khó nắm bắt, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Đỗ Duy Ngọc nheo mắt: "Thật ra thì tôi thấy mình cũng là người... dễ hiểu. Chỉ có vẻ ngoài là tỉnh rụi, phớt đời, giấu được tình cảm một chút thôi".
Nhưng cá tính bộc trực thì anh thừa nhận mình hay nói, phê phán thẳng. "Tôi không nể người có lắm kiến thức, thời đại này thông tin có đầy trên mạng, quan trọng là sử dụng kiến thức như thế nào. Tôi nể người biết cư xử. Đi ngoài đường, chỉ một động tác vặn tay ga là xe vọt lên dốc nhưng nhiều người đi xe máy vẫn không nhường người đạp xích lô, người gánh nặng, những người mà để vượt dốc họ phải gắng hết sức. Tôi ghét cả những người không quen biết như thế".
Cá tính thẳng thắn khó chịu nhưng Đỗ Duy Ngọc không thiếu bạn, nếu không nói là rất nhiều, bạn đủ thành phần, nghề nghiệp. Ngồi quán cà phê, thấy anh nói chuyện tiếu lâm với một nhóm đủ cả già trẻ lẫn sồn sồn. Bữa khác, lại thấy anh rút chiếc USB chứa mấy món bửu bối ra cài chương trình máy tính cho những người trẻ hơn rất nhiều nhưng lại không sành kỹ thuật bằng anh. Đến nhà anh, ngoài la liệt đồng hồ cổ treo từ phòng khách đến phòng ngủ, đặt dưới sàn đến ngoài cầu thang, mà còn... la liệt bạn đến chơi.
Một người bạn trong nhóm sáng tác ảnh của anh đến chơi nhà, "phát hiện": "Bi kịch nhất là ngồi trong ngôi nhà có hàng trăm cái đồng hồ, nhưng không biết chính xác bây giờ là mấy giờ". Có hề chi, chủ nhân luôn chào đón chiến hữu đến để đàm đạo, tán phét, thì giờ giấc không còn quan trọng.
"Ngay từ thời đi học, tôi đã tỏ ra có năng lực tập hợp anh em, người ta hay nghe tôi, tôi thuyết phục được mọi người. Tôi nghĩ người lãnh đạo phải biết hy sinh, đi vào rừng phải đi trước, vượt thác phải vượt trước thì anh em mới tin, phục được".
Nhưng chính vì tính cực đoan nên dù học nhiều (Đại học Mỹ thuật Huế, Văn Khoa, Vạn Hạnh Sài Gòn, Đại học Sư phạm TP.HCM, tu nghiệp mỹ thuật tại Pháp), đọc nhiều, Đỗ Duy Ngọc thừa nhận mình là kẻ không bước được trên con đường thăng quan tiến chức.
Lại trở về với "con nhân mã" trong người Đỗ Duy Ngọc. "Nó" là một "con" đa tình. Anh đi nhiều, yêu nhiều. Sinh ra ở Quảng Bình, lần lượt lang bạt vào Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, làm nhiều nghề để tự nuôi mình, sau đó nuôi vợ con, nên dù thừa nhận đa tình, anh biết mình phải dừng ở lằn ranh "gia đình hạnh phúc".
"Thấy cái đẹp không thể không rung động, thấy nhan sắc không thể không muốn yêu. Nhưng vì thương vợ con, lại là thần tượng trong mắt con, lỡ mà sụp đổ thì hỏng, nên không thể đi quá giới hạn. Tôi là người có trách nhiệm, không muốn gắn mình với người đẹp để thêm... trách nhiệm, những mối tình ảo chỉ là chất xúc tác để làm thơ, vẽ tranh".
"Nhân Mã" Đỗ Duy Ngọc |
Từng giành một giải thưởng thơ năm 14 tuổi nên Đỗ Duy Ngọc khi ấy cứ ngông cuồng cho rằng mình là vĩ nhân. Dứt áo rời gia đình khá giả đi xa mà nghĩ rằng tài văn thơ của mình dư sức nuôi sống mình nơi đất lạ. Đói trắng mắt. "Tôi từng bị đói nhiều ngày ở Sài Gòn, đói đến mức nghĩ đến chuyện ăn cắp, thấy chiếc xe đạp muốn dắt trộm đi bán, nhưng kìm lại được".
Anh tỉnh cơn cuồng vĩ nhân nhờ hai mẹ con người qua đường. Đứa bé đòi ăn bánh, mẹ nó mua cho bánh chuối nhưng nó lại vùng vằng làm rớt, anh lượm bánh chui vào hốc tối ngồi ăn.
Chuyện xảy ra đã hàng chục năm nhưng kể lại, anh vẫn ứa nước mắt: "Miếng bánh như mảnh chai đâm vào cổ họng mình. Tôi nghĩ mình phải thay đổi". Anh làm đủ nghề để sống sót. Được nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu chỗ làm gia sư nhưng thầy giáo trẻ bỏ ngang vì người ta bắt làm cả việc nhà cho đứa học trò.
Sau giải phóng, anh đi dạy học (học trò của anh có nữ diễn viên Kim Khánh, tay guitar Nguyễn Đạt, ca sĩ Yu Sô...), nhà trường đề nghị đăng ký tiết học tốt, anh nói tiết nào của mình cũng tốt, nếu báo trước 5 phút; ban giám hiệu đề nghị cắt mái tóc dài, anh không cắt, thế rồi năm 1991 thầy giáo ngang tàng bỏ nghề...
Nhân Mã vội vã
Sau đận chạm bờ sinh tử, vào bệnh viện để bác sĩ cắt phăng một đoạn trực tràng vì có khối u chưa biết lành hay ác, Đỗ Duy Ngọc ngẫm ngợi nhiều điều. Buổi sáng lên bàn mổ, trời còn nhờ nhờ, tiếng lách cách mở cửa phòng, hành lang hun hút, nhìn vào mắt những người bệnh ung thư không có mấy sự lạc quan, anh nghĩ ánh mắt của con người có lẽ buồn nhất là lúc này, trước ranh giới sinh tử mỏng manh như sợi tóc.
"Cuộc sống cũng cần gia vị, chắc chỉ có thể giảm hút thuốc thôi" |
Cao to, khỏe, chưa từng "bắt" được con bệnh nào trong người ngoài chứng cao huyết áp, nhưng chẳng ngờ một ngày Đỗ Duy Ngọc lại vào bệnh viện Bình Dân nơi anh thường xuyên làm từ thiện, giờ với tư thế của một bệnh nhân.
Anh làm từ thiện một mình, lặng lẽ với suy nghĩ rằng mình còn có ích cho đời. "Người già, ít ra họ cũng đã được hưởng thụ cuộc sống dù vui hay buồn, vinh hay nhục, còn trẻ em, có em sinh ra còn chưa có tên, chưa hưởng được một ngày vui, không được đi học, đá bóng mà phải mang trong mình căn bệnh ung thư".
Đồng bệnh, anh càng thấm thía nỗi đau của những người mà anh từng giúp đỡ, cảm phục sự nhẫn nại của những y bác sĩ đang chăm sóc những bệnh nhân dễ cáu giận. Mười ngày ở đây, người quen mặt ở bệnh viện vẫn nghĩ anh vào... tặng quà cho trẻ em như mọi khi.
Lẽ thường tình sau cơn bạo bệnh, nhiều người bỗng thấy cuộc đời nhẹ tênh. Những tranh giành, bon chen, danh lợi, vinh hoa phú quý, áo mũ cân đai đều là những món trang điểm, phù du. Đỗ Duy Ngọc cười: "Không có mình, cuộc đời vẫn vui, chỉ thiếu mình thôi. Nhưng cuộc đời vui như thế sao lại bỏ đi được". Anh cũng không thể bỏ thuốc. Bỏ được một thời gian, hút lại, bệnh, dự định bỏ. "Nhưng chết vì hút thuốc thì còn lâu, trong khi cái u này mà ác thì có mấy tháng. Cuộc đời cũng cần gia vị, chắc chỉ có thể giảm hút thôi".
Đã có lần ném cọ ngưng vẽ tranh dù đây là nguồn thu nhập quan trọng của cả gia đình, thôi làm thơ, buông máy ảnh vì những cái gọi là "nhiễu nhương" trong nghề, nhưng rồi anh cũng không bỏ được cái nào. Lại đèo bòng thêm thú sưu tập đồng hồ. Còn chứng cao huyết áp thì ảnh hưởng từ công việc chính của anh hiện nay là làm quảng cáo, vẽ bìa sách, phải thường xuyên thức khuya để trao đổi với đối tác. Bấy lâu vẫn làm việc nhưng cứ tuần tự nhi tiến, còn giờ thì anh đã phải chọn lựa và tranh thủ làm được điều mong muốn vì cuộc đời bỗng thấy đã ngắn hẳn.
Từng bị móc túi mất toi một tháng lương thời khốn khó đến đờ người không nhớ đường về nhà, song có những mất mát khác còn đắt hơn ngay cả đối với một Đỗ Duy Ngọc khá giả hôm nay. Đó là tình bạn, cụ thể là vài người bạn. Một người sống nhiệt thành với bạn bè, vì hiểu lầm, vì quan điểm mà mất bạn thì đáng để buồn. Có người bạn từng chia nhau những ổ bánh mì từ thiện với anh, sau mấy mươi năm gặp lại, bạn đã có chức tước vai vế trong xã hội, vẫn tay bắt mặt mừng nhưng chối bỏ thời khốn khổ. Tình bạn có thể không mất nhưng làm anh buồn.
Ông bố Đỗ Duy Ngọc đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với những đứa con, trong đó có người con nổi tiếng là diễn viên Huy Khánh, nhưng với cha mình, Đỗ Duy Ngọc vẫn chưa làm được điều ông cụ muốn. Sau hàng chục năm dài dằng dặc xa quê kể từ ngày anh dứt áo ra đi từ thời trai trẻ, cha anh muốn anh một lần về quê trong tư thế áo gấm về làng, nhưng anh mới chỉ... đi ngang quê. Người cha mất khi đứa con chưa làm được điều mình mong muốn, anh nặng lòng thấy mình bất hiếu với cha, bất nghĩa với quê nhà. Anh rút ra "kết luận": muốn làm gì thì phải làm ngay, không nên chần chừ, kể cả chuyện... trả thù, nếu chưa kịp học cách tha thứ.
Đàn ông cung Nhân Mã là người thương con, đìều đó đã đúng với Đỗ Duy Ngọc. Nhưng có nhân mã nào biết học cách tha thứ cho người khác, mà không biết người khác có tha thứ cho mình không, như Nhân Mã Đỗ Duy Ngọc?
-
Võ Tiến