- Đêm nhạc "Có đâu bao giờ" của đôi song ca Hồng Nhung-Quang Dũng sẽ chỉ có tối đa 100 khán giả?
Hồng Nhung và Quang Dũng... |
Cũng là một đêm nhạc Trịnh Công Sơn nhưng có gì khác với những đêm Trịnh Công Sơn của Nhung trước đây?
Hồng Nhung: Nó có tinh thần hơi yoga một chút, gọi nôm na là vậy. Năm nay, cả Nhung và Dũng đều bước sang một ngưỡng nhận thức mới của cuộc sống. Dũng thì có gia đình còn Nhung cũng có những bước chuyển mới. Do đó, mình cũng thấy là mình nhìn cuộc đời này nhẹ nhàng hơn, có niềm vui thì mình đón nhận mà nỗi buồn thì cũng công nhận nó vì đời nó phải đầy đủ hết và mình đón nhận mọi thứ ý nhị hơn, tìm những niềm vui hơn là xoáy vào nỗi buồn để đời sống nhẹ nhàng hơn. Như bài Tự tình khúc anh Sơn viết: “Tôi vẫn cứ ngồi như đang chờ đợi ai nhưng thực ra thì tôi chỉ ngồi nhìn thôi…”.
Về âm nhạc thì anh Hoài Sa quyết định là lần này không làm kiểu semi clasic nữa. Trước đây Như cánh vạc bay hơi kịch tính, giờ mình tìm một loại nhẹ hơn là New Age lần đầu tiên sử dụng cho nhạc Trịnh Công Sơn. Bài Ngẫu nhiên trước đây mọi người hay hát nhanh, nhưng thực ra nó mang tính triết lý rất cao nên lần này Nhung và Dũng hát với tinh thần khác. Tên album và tên chương trình do Dũng nghĩ ra rất đúng với âm nhạc và nội dung: Có đâu bao giờ. Một cái gì đó nhẹ nhàng nhưng không quá hời hợt.
Qua mỗi năm hát nhạc Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung và Quang Dũng thấy có gì mới?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hồng Nhung:
Hát nhạc Trịnh cũng mười mấy năm rồi nhưng các bài hát Nhung thể hiện cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Album đầu tiên Bống bồng ơi của Nhung ra đã được 17 năm và đến bây giờ chỉ mới có 2 sản phẩm CD về nhạc Trịnh Công Sơn.
Quang Dũng: Nhung đã có tuổi nghề nhiều năm, Dũng cũng có những ngày tháng vào Sài Gòn chạy đua với cuộc sống, giờ mình ngồi nhìn lại thấy mọi thứ nhẹ nhàng và muốn mọi người nhìn vào đó cảm nhận như thế.
Hồng Nhung nói đêm nhạc lần này "có tinh thần hơi yoga một chút", cụ thể là gì?
Hồng Nhung: Cũng chưa hẳn. Nó có mang tinh thần nhạc Trịnh, thể hiện cách nhìn cuộc sống. Khi mình có thêm nhiều hiểu biết, kinh nghiệm thì mình càng đánh giá cao cuộc sống bằng một cách tinh tế hơn(!?)
Quang Dũng: Kinh nghiệm mỗi năm làm cho Dũng có cảm nhận khác. Trong đời sống quá nhiều thứ buồn vui được mất, cuốn theo cuộc sống. Giờ Dũng thấy không chạy đua nữa, mà nhìn cuộc sống đơn giản hơn nên cảm nhận âm nhạc khác hơn.
Những cặp song ca thường phải có một chút tình cảm gì đó mới có thể diễn xuất nhuyễn được, còn Nhung và Dũng là hai chị em trên sân khấu cũng như ngoài đời, song ca với nhau có "thăng hoa" được không?
Quang Dũng: Chúng tôi hát và sống như hai người bạn. Nhung và Dũng trong cuộc đời có hiểu biết và trân trọng nhau, có thể tâm sự nên không thể gọi là cứng đơ được. Đối với nhau ngoài đời thế nào thì trên sân khấu thế ấy thôi, đến với nhau bằng phần tâm hồn bình yên, trong sáng nhất. Thậm chí, chúng tôi còn nghĩ ra được... thơ cho hình ảnh của chính mình: "Chúng ta ngồi đây/ Chung quanh hoa nở…".
Có phải vì lường trước đêm nhạc lần này ít khán giả nên Hồng Nhung và Quang Dũng chọn điểm diễn quá nhỏ, sức chứa chỉ 100 người?
Hồng Nhung: Trước đây Nhung từng đi xem nhiều chương trình nhạc lớn ở nước ngoài với một trăm hay mấy chục khán giả. Hình thức kiểu như thế độ nghe rất tinh tế. Mỗi khán giả được phục vụ rất VIP. Sân khấu không chia khoảng cách giữa khán giả và ca sĩ. Ánh sáng không dành riêng cho sân khấu mà ca sĩ và khán giả đều nhận được hiệu ứng âm thanh, ánh sáng giống nhau, có một cái gì đó gợi cảm khác hơn so với nhà hát. Đây là hình thức còn mới ở VN.
Tình hình phòng trà gần đây rất vắng, có phải Quang Dũng và Hồng Nhung làm như vậy là muốn tìm một hướng đi riêng cho dòng nhạc của mình hay không?
Quang Dũng: Có thể coi như là một thử thách mới cho Nhung và Dũng. Còn cần rất nhiều thời gian để chờ xem phản ứng khán giả. Với Có đâu bao giờ Dũng và Nhung muốn tạo thêm một điều gì đó trong và sau chương trình.
Ca sĩ nào cũng thích hướng đến đại chúng. Bản thân Nhung có thích số đông hơn không?
Hồng Nhung: Bản thân nghệ sĩ luôn muốn đến được với nhiều khán giả bằng nhiều cách như lưu diễn nước ngoài, diễn truyền hình, CD-VCD… Nhưng với chương trình này, chỉ với 100 khán giả mới phục vụ được hiệu quả âm thanh, ánh sáng, không gian. Nhưng như thế không phải là đưa ra thông điệp: Tôi chỉ cần 100 khán giả. Mỗi chương trình có tính chất khác nhau và số lượng khán giả phụ thuộc vào tính chất chương trình. Như thế cũng không có nghĩa là nhạc Trịnh không đại chúng. Nếu mình tổ chức theo tính chất khác có thể là số lượng có thể nhiều hơn.
-
Thanh Chung