221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1166820
Dựng 100 kiệt tác sân khấu: Quy trình ngược, không khả thi!
1
Article
null
Dựng 100 kiệt tác sân khấu: Quy trình ngược, không khả thi!
,

 - Không hẹn mà gặp, nhận định chung trong ý kiến của đại diện các đơn vị nghệ thuật tại TP.HCM quanh đề án 100 kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, là không khả thi!

Đề án dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới do Cục Nghệ thuật Biểu diễn soạn thảo đang nhận nhiều phản hồi khác nhau trong giới làm nghề sân khấu ở các đơn vị nghệ thuật. Bản đề án này tuy đã được chỉnh sửa sau khi tiếp thu ý kiến từ các cục, vụ trực thuộc Bộ VH-TT-DL nhưng vẫn đang tiếp tục chờ đóng góp từ chính những người làm nghề, đặc biệt ở các đoàn nghệ thuật nhà nước và tư nhân tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

Đề án này đặt vấn đề: những kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới mới chỉ được dàn dựng, công diễn tự phát ở một số đơn vị nghệ thuật, chứ chưa có một kế hoạch dàn dựng, biểu diễn quy mô, đồng bộ, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi đưa ra những yêu cầu về lựa chọn kịch bản, đơn vị thực hiện, đặc biệt là kinh phí dàn dựng, biểu diễn chỉ ở mức 100-120 triệu đồng mỗi vở, trong khi phải bảo đảm phục vụ khán giả tối thiểu 50 - 80 suất, đề án đã vấp phải những phản ứng khá gay gắt từ một số đơn vị nghệ thuật ở TP.HCM.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, GĐ Công ty Sân khấu & Nghệ thuật Thái Dương (IDECAF): Giống như quy định cấm ngực lép chạy xe...

Chúng ta lại rơi vào hoàn cảnh giống như Bộ Y tế cấm người ngực lép chạy xe. Chúng ta có chủ trương rất tốt nhưng lại thiếu và yếu biện pháp thực hiện, yếu về tầm nhìn. Nếu không tìm hiểu cặn kẽ nhu cầu thực tế hiện nay như thế nào để tham mưu cho Bộ VH-TT-DL mà chỉ đưa ra để hoàn thành nhiệm vụ thì hơi... nguy hiểm.

Tôi băn khoăn là nghe nói lúc đầu đề án có 40 tỉ đồng mà sao nay chỉ còn 12 tỉ đồng? 400 triệu đồng/vở thì thực hiện được, thậm chí 200 triệu cũng còn cố gắng dựng được, nhưng 100 triệu thì làm sao dựng? Yêu cầu của đề án đối với kịch nói là phải diễn 80 suất, tức mỗi suất kinh phí chỉ chừng 1,2 triệu đồng, số tiền này không đủ trả cho hậu đài. Yêu cầu cao ngất ngưởng nhưng tiền thì ít, cho thấy đây là một đề án không khả thi, thiếu hợp lý.

Tôi đề nghị chỉ nên đưa ra 50 kịch bản, tăng tiền đầu tư lên ít nhất 200 triệu đồng/vở, 50 vở còn lại do các đơn vị đề xuất. Quy mô vở cũng phải được đánh giá rõ ràng về tiêu chí, 200 triệu đồng có thể dựng vở ở sân khấu nhỏ, nhưng nếu đưa ra Nhà hát thành phố thì lại khác. Ai đánh giá về chất lượng nghệ thuật lúc nghiệm thu khi hội đồng nghệ thuật và khán giả có những khoảng cách?

Theo tôi, chỉ nên diễn bắt buộc 20 suất, vì như ở sân khấu chúng tôi, vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt mới chỉ diễn được 33 suất nhưng đến suất thứ 20 thì lượng khán giả đã giảm. Lấy cơ sở nào để yên tâm mà dàn dựng các vở kinh điển nặng nề?

Nghệ sĩ Minh Hoàng, PGĐ Sân khấu kịch Phú Nhuận: Chỉ phù hợp với các đoàn nhà nước

Tôi thấy đề án này phù hợp hơn đối với các đơn vị nghệ thuật nhà nước, đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật ngoài TP.HCM. Nó là chất xúc tác cho công việc của những anh em lâu ngày không được làm nghề. Còn đối với các đơn vị làm nghề thường xuyên thì việc có 100 triệu đồng tài trợ của Nhà nước hay không, thì họ vẫn làm.

Nếu có tâm muốn làm điều gì đó cho công chúng, thì Nhà nước nên đầu tư cho đơn vị có khả năng duy trì được số suất diễn cũng như chất lượng nghệ thuật. Khi cần có thể chi đến 1 - 2 tỉ đồng nếu thấy hiệu quả. Các đơn vị như IDECAF, Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn... có khán giả riêng của mình, có thể thực hiện chung một vở để khán giả đến xem một nơi mà vẫn gặp được cùng lúc cả Thành Lộc lẫn Hồng Vân. Vở đó sẽ không có kinh phí 100 triệu đồng nữa, 100 triệu đồng nếu chỉ để chia đều thì không có tác dụng gì cả.

Ông Huỳnh Minh Nhị, GĐ Nhà hát sân khấu nhỏ: Có khi vẫn ăn khách thì sao?

Nhiều vở trong danh mục kịch bản của đề án, hiện nay không có đơn vị nào dàn dựng vì lo nó không ăn khách. Nhưng biết đâu các vở mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn đưa ra có khi lại ăn khách thì sao? Đã đến lúc chúng ta cần mạnh dạn đầu tư, thể hiện các vở diễn cổ điển. Sân khấu 5B dựng lại Trong hào quang bóng tối, khán giả xem vẫn thấy nhẹ nhàng, thú vị. Đó là hướng đi mà chúng ta cần quan tâm.

Tuy nhiên, tôi vẫn thấy đề án là một cách làm ngược. Nếu một đơn vị nào đó thích và dàn dựng một vở, bằng giá nào cũng phải thực hiện, thì sẽ thành công. Nên để các đơn vị chọn vở và đề xuất, tức là theo chiều thuận như vậy để triển khai thì hay hơn.

Điều kiện thực hiện cũng chưa hoàn chỉnh, nhất là kinh phí, 100 triệu đồng thì không đáng là bao. Nhưng bao nhiêu là đủ để vở ra với công chúng? Ở lĩnh vực điện ảnh, phim cổ trang mà không đủ tiền thì không thể làm hay được. 100 triệu đồng như muối bỏ biển. Mổ xẻ nhiều điều khoản thì thấy đề án không khả thi.

Nghệ sĩ Khánh Hoàng, GĐ Nhà hát kịch TP.HCM: Có vở đã lỗi thời, lạc hậu

Đề án này mang tính chủ quan cao độ. Nó chỉ cho thấy phần ngọn mà không thấy phần gốc, màu mè bên ngoài chứ không thấy bên trong. Trong đề án có những tác phẩm mang giá trị một thời, giờ đã lỗi thời. Vấn đề vở đặt ra đến nay cũng đã lạc hậu.

Trong khi đó, các kịch bản kinh điển của thế giới thì diễn viên của chúng ta lại không còn biết diễn kịch cổ điển nữa vì đã quen diễn kịch xã hội, thị trường. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng thiếu nên chỉ tả ý, tưởng tượng, cách điệu. Dựng vở cổ điển mà chỉ 100 triệu đồng thì riêng chi phí cho phục trang cũng đã tốn rất nhiều, còn các hạng mục khác nữa, nếu muốn đạt hiệu quả thì không thể ước lệ toàn bộ.

Ông Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam:

Muốn có vở hay thì không thể cào bằng!

Đề án dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới đã không tạo ra được sự hấp dẫn đối với các đơn vị nhà nước lẫn tư nhân tại TP.HCM vì nhiều lý do chưa phù hợp với điều kiện của sân khấu thành phố này.

Đề án nên có nghiên cứu khảo sát, tôn trọng đề xuất của các đơn vị là họ chọn 50 kịch bản đưa lên, tất nhiên Bộ VH-TT-DL nếu không đồng ý thì có quyền bác bỏ. Khi một đơn vị được chọn dàn dựng kịch bản thì căn cứ vào quá trình thực hiện để cung cấp kinh phí, nếu yêu cầu cao thì phải đáp ứng chứ không thể cào bằng 100 triệu đồng/vở. Muốn có tác phẩm hay thì không thể cào bằng. Các đơn vị có kế hoạch thực hiện, kinh phí, nên khi tác phẩm ra đời, có thể kiểm tra qua dư luận khán giả, báo chí, sẽ thấy việc đầu tư có đúng hay không.

  • Võ Tiến (ghi)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,