Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long không chỉ làm ở thủ đô Hà Nội mà trên phạm vi cả nước... trong đó trọng tâm là tổ chức 10 ngày hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Ngày 27/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp bàn về công tác chuẩn bị kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, công tác chuẩn bị kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, trong đó trọng tâm là tổ chức 10 ngày hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (từ ngày 1-10/10/2010) đã và đang được UBND TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, từ việc xây dựng kịch bản đề cương kế hoạch tổ chức 10 ngày hoạt động đến việc lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà văn hóa, nghệ thuật, lịch sử…
Mô tả ảnh.
10 ngày hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long hướng đến những chủ đề chính như: Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình cùng với các hoạt động truyền thống, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao không chỉ diễn ra ở riêng thủ đô Hà Nội mà trên cả nước, nhất là những địa phương có các triều đại gắn với Thăng Long – Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị tổ chức 10 ngày hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là cao điểm, trên tinh thần chung là ấn tượng, sâu sắc, an toàn, tiết kiệm; đồng thời phải lựa chọn những gì tinh hoa nhất của Hà Nội vào trong kịch bản 10 ngày hoạt động này và phải có kịch bản cụ thể cho từng ngày cũng như cho buổi Đại lễ.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc, vừa để tưởng nhớ tri ân đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước, giữ nước vừa để tự hào về lịch sử của Hà Nội và của cả dân tộc.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, thời gian từ đây đến ngày Đại lễ không còn nhiều, vì vậy cần phải đánh giá xem tình hình Hà Nội cũng như cả nước đã chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm đến đâu để có kế hoạch đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát thực hiện công việc. Trong đó, Hà Nội phải làm tròn vai trò lịch sử là trái tim của cả nước, là đầu não chính trị, trung tâm văn hóa, phát triển khoa học và giao lưu quốc tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đánh giá cao việc xây dựng ý tưởng ban đầu về kịch bản cho 10 ngày hoạt động, đặc biệt là chương trình Đại lễ. Phó Thủ tướng lưu ý đến công tác tổ chức triển khai, chuẩn bị cơ sở vật chất, lựa chọn địa điểm buổi Đại lễ cũng như tiếp tục hoàn thiện kịch bản cho 10 ngày hoạt động; các phương án bảo đảm an ninh an toàn cho lực lượng diễn viên, khách mời và khán giả… phải được thực hiện thật tốt và khẩn trương hoàn thành.
(Theo TTXVN)