- "Tóm lại, theo tôi không nên đặt vấn đề xây đền thờ Lý Công Uẩn tại khu vực trung tâm Hà Nội mà nên tìm giải pháp kết nối với đền thờ Ngài ở quê hương Kinh Bắc cho những ai muốn viếng đền thờ" - Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam.
> Không thể cố xây thêm đền ở sau tượng Lý Thái Tổ
Ông Dương Trung Quốc |
Ý tưởng xây đền thờ Lý Công Uẩn, người chọn mảnh đất ngày nay là Hà Nội làm kinh đô Thăng Long gắn với nền văn hiến Đại Việt vào thời điểm kỷ niệm ngàn năm là một thiện ý tốt đẹp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cần xem xét lại. Dường như theo tập quán truyền thống, đền thờ các vị vua không đặt tại kinh đô mà đặt ở quê. Ví như triều Lê thì ở Lam Kinh (Thanh Hóa), triều Trần thì ở Thiên Trường (Nam Định), triều Lý thì ở Kinh Bắc (Bắc Ninh). Trên mảnh đất Hà Nội, từng là Thăng Long dường như không thấy có đền thờ các vị tiên đế của các triều Lý, Trần, Lê...
Nếu đã thành tập quán thì theo tôi, ta không nên đặt vấn đề xây đền thờ Lý Thái Tổ tại Hà Nội. Gần đây khi trao đổi việc này với người dân Bắc Ninh, tôi cũng cảm nhận sự không đồng tình với chủ trương xây đền thờ Ngài ở Hà Nội. Hơn nữa từ Hà Nội về Bắc Ninh đường đất không bao xa.
Nay Hà Nội đã xây tượng Lý Thái Tổ tại trung tâm thành phố. Tượng đài là ngôn ngữ mới của mỹ thuật cảnh quan đô thị (xuất phát từ tập quán phương Tây). Còn phương Đông ta chỉ làm tượng thờ đặt nơi kín đáo... thường gắn với quê hương hay những vùng đất có liên quan....
Tượng đài Lý Thái Tổ trông ra Hồ Gươm. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: Cụ Lý Thái Tổ ngồi nhìn lưng cụ Lý Thái Tổ đứng? Người châu Á làm đền để thờ, còn người châu Âu dựng tượng để tôn vinh một nhân vật lịch sử có công lao. Đó là hai triết lý khác nhau. Khi quyết định dựng tượng Lý Thái Tổ, ta đã chọn hình thức tôn vinh rồi. Đã chấp nhận hình thức châu Âu, ngay cạnh đó lại có công trình thờ một vị thánh thì có hợp lý không? Đã là đền thờ thì phải có tượng thờ, ngồi trên ngai, người thờ phải là thánh, mắt phải quắc, hai tay phải để trên ngai. Nếu làm đền ở đó, sẽ phải có tượng cụ Lý Thái Tổ ngồi trong đền. Chả nhẽ ta lại có cụ Lý Thái Tổ ngồi nhìn lưng cụ Lý Thái Tổ đứng? Đừng để khi người dân thắp hương vái cụ ngôi trong đền thì phải chổng lưng vào cụ đứng. Nếu không có tượng cụ ngồi trong ngai thì không phải đền thờ. Chỉ có bài vị thì là đình, còn không nữa thì phải là miếu. Không thể làm đình, miếu thờ cụ Lý Thái Tổ được. Đã là đền thờ thì phải có sân thềm, có tứ trụ, có nhà bia, phải có khoảng lùi, trục kiến trúc phải được triển khai... mà không gian vườn hoa Chí Linh lại quá nhỏ. |
Nếu Thành phố Hà Nội đã có chủ trương xây đền thờ Lý Công Uẩn thì việc chọn địa điểm cũng rất khó. Trên núi Sưa ở trong khuôn viên Bách Thảo (như dự kiến của Sở VH-TT-DL Hà Nội) thì không ổn vì đó là nơi đã thờ thần linh khác rồi, không thể tạo ra “tranh chấp” tâm linh. Đưa xuống phía dưới bên cạnh hồ (cũng là phương án II của Sở) thì cũng khó, nhất là có ai đó bình luận rằng sao lại đưa Ngài vào vườn bách thảo, bách thú?
Cơ quan quản lý đô thị của Thành phố thì chọn địa điểm xây đền thờ Lý Công Uẩn phía sau tượng Ngài trong khuôn viên Vườn hoa Lý Thái Tổ chắc họ nghĩ rằng làm như thế sẽ tạo thành một quần thể gắn kết tượng với đền. Nhưng nhiều ý kiến, nhất là theo con mắt của kiến trúc-quy hoạch thì cũng không ổn vì ngôi đền thờ của người Việt không ăn nhịp với không gian đô thị chủ yếu rất “Tây” bao quanh.
Hơn thế, nếu xây đền thờ ở đây thì bắt buộc kiến trúc của ngôi đền phải đầy đủ những hạng mục tối thiểu như “tam quan”, tả vu, hữu vu, đại bái, hậu cung... nghĩa là cả một quần thể kiến trúc cổ chiếm không gian khá lớn chứ không phải chỉ tính đủ đất để xây một ngôi nhà thờ Ngài là xong.
Theo tôi, vì ta đã làm tượng Ngài rất hoành tráng tại đây rồi và đã thu hút mọi người đến chiêm ngưỡng rất đông. Đó là điều đáng mừng. Nhưng người mình vẫn giữ lệ cổ là đã đến chiêm ngưỡng thì phải có hương khói, lại thêm lễ vật... không chỉ đứng nghiêng mình tưởng niệm, đôi khi phải lễ, bái v.v.... Mà điều đó lại không phù hợp với loại hình tượng đài...
Do vậy, tôi đưa ra giải pháp tạm gọi là giải pháp “tình huống”: xây ở phía sau tượng một kiến trúc gì đó có quy mô thích hợp với không gian, tinh tế và trang trọng để người dân thoả mãn nhu cầu thắp hương, lễ bái. Công trình ấy như một sự bổ sung hợp lý cho tượng đài để đáp ứng một tập quán tâm linh.
Đây cũng là ý kiến của cá nhân tôi khi được mời tham dự trao đổi vấn đề này tại Sở VH-TT-DL Hà Nội. Tóm lại, theo tôi không nên đặt vấn đề xây đền thờ Lý Công Uẩn tại khu vực trung tâm Hà Nội mà nên tìm giải pháp kết nối với đền thờ Ngài ở quê hương Kinh Bắc cho những ai muốn viếng đền thờ. Còn với Hà Nội thì bức tượng Lý Công Uẩn đã khá hoành tráng bên Hồ Gươm rồi, có thể thêm một điểm để thắp hương ở phía sau là vẹn đủ đôi đường.
-
Dương Trung Quốc