- Nếu làm được như thế, chắc cụ Lý Thái Tổ sẽ hài lòng và đánh giá cao Hà Nội hơn là Hà Nội cứ nhất quyết xây dựng một cái đền thờ vọng đã chẳng đâu vào đâu lại còn phá vỡ cảnh quan phố phường - GS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội.
Hà Nội dự tính sẽ xây đền thờ Lý Thái Tổ tại vườn hoa Chí Linh, theo GS, đây có phải vị trí phù hợp cho một đền thờ không? Vì sao?
Không gian đền Đô. Ảnh: Vương Anh.
- Nói dự tính có nghĩa là chưa quyết định chính thức phải không? Nếu đúng như vậy thì còn may. Trường hợp đã quyết định rồi thì cũng phải tìm cách mà dừng lại thôi. Theo tôi, hoàn toàn không nên xây đền thờ vọng Lý Thái Tổ ở ngay sau tượng đài của chính Cụ, trong vườn hoa Chí Linh, thuộc không gian văn hoá - tâm linh không phải Lý Thái Tổ mà là Lê Thái Tổ.
Dưới góc nhìn của một nhà kiến trúc, quy hoạch và văn hoá, KTS Nguyễn Trực Luyện đã có phân tích hết sức rõ ràng và sâu sắc về tính “nguy hiểm” và hết sức phi lý của một ngôi đền như thế này. Tôi tin rằng tất cả những người có hiểu biết, có trách nhiệm và lương tâm đều ủng hộ và chia sẻ những phân tích thấu tình đạt lý của KTS Nguyễn Trực Luyện. Chính vì thế mà tôi thực tin là sẽ không có một ngôi đền thờ vọng Lý Thái Tổ ở chỗ nhà Bát Giác (nhà Kèn) trong vườn hoa Chí Linh đâu.
GS bình luận gì về các địa điểm khác mà Hà Nội đưa ra để lựa chọn như trong khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trên núi Khán Sơn trong công viên Bách Thảo?...
- Tôi không bình luận được là vì tôi không biết người ta tuyển chọn địa điểm xây đền thờ vọng Lý Thái Tổ theo tiêu chí nào. Theo quan niệm của tôi thì những chỗ đã từng có đền thờ Lý Thái Tổ rồi, bây giờ xây dựng lại cũng cần nghiên cứu đầy đủ để tìm ra phương án tối ưu. Trái lại, mặc dù là những địa điểm có vị thế rất đẹp, nhưng không hề có liên quan gì đến đền thờ Lý Thái Tổ trước đây, thì cũng không nên chọn xây đền thờ hoàn toàn mới để làm gì. Bản thân tôi chưa từng nghe có đền thờ Lý Thái Tổ ở Trung tâm Hoàng thành Thăng Long hay ở khu vực núi Khán Sơn.... Thế thì có ai đó đề xuất chọn khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long hay núi Khán Sơn cũng chỉ là bày tỏ một ý muốn chủ quan của cá nhân chứ chẳng có cơ sở khoa học nào cả.
Nhiều ý kiến cho rằng, không cần thiết phải xây đền thờ Lý Thái Tổ ở Hà Nội nữa, bởi Hà Nội đã có tượng đài Lý Thái Tổ, còn Bắc Ninh - cách Hà Nội chưa đến 30 km đã có nhiều nơi thờ vua Lý Thái Tổ rồi. Ý kiến của GS về vấn đề này?
- Tôi cho rằng ý kiến này hoàn toàn hợp lý và chính xác. Phải chăng chúng ta xây dựng đền thờ Lý Thái Tổ vào dịp kỷ niệm 1000 năm định đô Thăng Long là để tưởng nhớ và tôn vinh nhà thiết kế, đồng thời cũng là nhà thi công vĩ đại nhất của kinh đô nghìn năm tuổi, là để nhắc nhở cháu con noi gương Lý Thái Tổ hết mực dấn thân vì sự phát triển và trường tồn của “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Nếu chỉ với mục đích tưởng nhớ và tôn vinh và không còn mục đích gì khác nữa thì tượng đài Lý Thái Tổ đã đáp ứng được đầy đủ tất cả những yêu cầu hết sức cơ bản này rồi. Điều cần phải suy nghĩ và bổ sung thêm, tôi cũng hoàn toàn nhất trí với KTS Nguyễn Trực Luyện là nên thể hiện Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ trong không gian này sao cho thật hợp lý và hài hòa.
Tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, tổ tiên ta thường chọn xây dựng đền thờ để tưởng nhớ và tôn vinh người có công. Tưởng nhớ và tôn vinh bằng hình thức tượng đài đúng là có nguồn gốc từ phương Tây, nhưng do tính hiệu quả của nó mà cũng từ lâu tượng đài đã trở thành phổ biến trên toàn thế giới. Tượng đài của ta tuy chưa có lịch sử lâu đời, nhưng cũng đã có vị trí và trở thành một nét đẹp của đời sống văn hoá Việt Nam.
Tượng đài Lý Thái Tổ đặt giữa vườn hoa Chí Linh, tuy vẫn còn có ý kiến không thật giống nhau, nhưng theo quan sát chung, cũng đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của đời sống văn hoá, tâm linh Thủ đô, kết hợp được cả truyền thống và hiện đại trong đó. Đã có tượng đài Lý Thái Tổ như vậy rồi, theo quan niệm của tôi, chúng ta cần gì phải xây thêm đền thờ Lý Thái Tổ chèn phá cái không gian cảnh quan đang dần dần trở nên hài hòa và linh thiêng này nữa.
Đó là chưa nói chỉ ở cách trung tâm Hà Nội chưa đầy hai chục cây số có cả một quần thể di tích về nguồn gốc dòng họ và quê hương nội ngoại của nhà Lý:
- Ngôi đền Đô (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) thờ 8 vị vua nhà Lý (trong đó có Lý Thái Tổ). Đền ít nhiều cũng đã được Nhà nước và nhân dân đầu tư xây dựng tương đối quy mô, thu hút sự quan tâm đông đảo các vị khách trong nước và quốc tế.
- Đình Dương Lôi (phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), một ngôi đình bề thế, xứng tầm là di tích chính thờ Tám vị vua nhà Lý (trong đó có Lý Thái Tổ). nay chỉ còn cổng đình và phần hậu cung dột nát.
- Làng Dương Lôi còn có đền thờ Lý Triều Thánh Mẫu do chính Lý Thái Tổ lập ra để thờ mẹ mình. Tháng 2 năm 1010, trước khi định đô Thăng Long, Lý Thái Tổ về quê bái yết lăng Thái Hậu và quyết định xây dựng Sơn Lăng (Thọ Lăng) ở đây. Lý Thái Tổ và các vị vua Lý khi qua đời đều táng ở Thọ Lăng. Đền thờ Thái Hậu đã bị phá từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp, mãi đến năm 1997, dân làng mới cố gắng dựng lại trên nền đền cũ. Khu Sơn Lăng cấm địa đã gần như mất hẳn các dấu tích trên mặt đất.
GS Nguyễn Quang Ngọc- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội. |
- Làng Dương Lôi còn lưu giữ được rất nhiều di tích, truyền thuyết về quá trình sinh trưởng, tuổi trẻ, tuổi trưởng thành và công cuộc vận động đưa ông lên ngôi vua lập ra vương triều Lý cách đây vừa tròn 1000 năm.
- Xã Hoa Lâm xưa (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội) qua các nguồn tư liệu cũng là quê ngoại của Lý Thái Tổ. Nhiều di tích hoặc bị lở xuống sông Đuống, hoặc bị lụi tàn giữa cánh đồng hoang Hoa Lâm Viên….
Tôi ao ước có phép mầu nhiệm nào để biến số tiền dự định xây dựng một ngôi đền không mấy ý nghĩa, lại không gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Lý Thái Tổ, thành khoản tiền đầu tư tu sửa và nâng cấp các đình Dương Lôi, đền Lý Triều Thánh Mẫu (ở Dương Lôi), đền Đô, chùa Dận (ở Đình Bảng), chùa Cổ Pháp (ở Đại Đình) và các di tích Hoa Lâm (ở Mai Lâm - Đông Anh)… thì chắc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ thật vui vẻ, trọn vẹn. Sẽ mất đi ý nghĩa tích cực và nhân bản, nếu trong dịp Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà chúng ta vẫn tiếp tục lãng quên những di tích là hiện thân của quê hương nhà Lý, trong đó quan trọng hơn cả là ngôi đền Lý Triều Thánh Mẫu ở khu Rừng Miễu (khu đất phát tích Vương triều Lý) thuộc làng Dương Lôi hiện nay.
Nếu Hà Nội nhất quyết muốn xây một đền thờ cho vị vua đã có công khai sáng Thăng Long, GS có thể đề xuất địa điểm nào không?
- Nếu Hà Nội thực sự trân trọng công lao khai sáng Thăng Long của Lý Thái Tổ, thì hãy về quê hương ông, đầu tư cho các di tích gắn với gia đình, dòng họ, quê hương và sự nghiệp của Lý Thái Tổ và vương triều Lý. Trong quần thể khu di tích ấy, di tích cần phải được xếp hạng cấp quốc gia và đầu tư nâng cấp ngay lập tức là đền Lý Triều Thánh Mẫu. Ở đấy không chỉ gần trung tâm Hà Nội mà lại rất tiện đường thăm viếng. Nếu làm được như thế, chắc cụ Lý Thái Tổ sẽ hài lòng và đánh giá cao Hà Nội hơn là Hà Nội cứ nhất quyết xây dựng một cái đền thờ vọng đã chẳng đâu vào đâu lại còn phá vỡ cảnh quan phố phường.
-
Khánh Linh (thực hiện)