221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1190038
Cần sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa, nhưng...
1
Article
null
Cần sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa, nhưng...
,

- Những phản biện mạnh mẽ và sôi nổi nhất vẫn xoay quanh việc ứng xử với các di tích lịch sử văn hóa trong việc bảo vệ, tôn tạo, tu bổ và phục hồi di tích.

Chiều 17/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

Thi công chùa Phật Tích.
Đồng tình về sự cần thiết sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa sau 7 năm thi hành (Luật được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2001, có hiệu lực từ 1/1/2002), do đã bộc lộ những hạn chế ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhưng trong tờ trình của Chính phủ đề xuất thay đổi 10 điều (ngoài việc bãi bỏ điều 74), thì có đến 7 điều đã "bị" Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng (Ủy ban VH - GD) không đồng tình trong báo cáo thẩm tra sơ bộ. Tại cuộc thảo luận, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội còn bổ sung thêm nhiều chất vấn với Bộ VH- TT- DL.

Kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể thay vì lập hồ sơ?

Đề xuất của Bộ VH - TT - DL về việc sẽ thay thế quá trình lập hồ sơ khoa học cho các di sản văn hóa phi vật thể bằng việc kiểm kê đã "vấp phải" nhiều ý kiến không đồng tình. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chất vấn: kiểm kê chỉ là bước đầu trong việc quản lý di sản, lập hồ sơ khoa học có đúng là không cần thiết như khẳng định của Bộ VH - TT - DL? Nếu nói UBND các tỉnh không đủ điều kiện để lập hồ sơ cho di sản trên địa bàn thì Bộ có đủ điều kiện không?

Đồng tình với quan điểm này, Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng bổ sung: "không lẽ vì trên thực tế không đủ cán bộ chuyên môn và kinh phí để lập hồ sơ di sản mà lại sửa luật?". Ông Vượng cho rằng thay vì sửa luật thì nên bàn cách khắc phục khó khăn của đội ngũ chuyên môn và kinh phí.

Đi xa hơn nữa, Ủy ban VH - GD còn đề xuất việc Nhà nước phải có hình thức công nhận, "xếp hạng" di sản văn hóa phi vật thể như với văn hóa vật thể.

Trước những chất vấn trực diện như vậy, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng vẫn "kiên định" với  lập luận đã đưa ra trong tờ trình: việc lập hồ sơ khoa học không khả thi khi phải vài năm mới làm xong một hồ sơ khoa học! Ông Thắng cũng giải thích thêm: kiểm kê không đơn thuần chỉ là đánh số mà sẽ kèm theo những ghi nhận về giá trị của di sản  theo đúng thông lệ mới của UNESCO.

Đã là di tích quý giá thì phải giữ nguyên gốc!

Những phản biện mạnh mẽ và sôi nổi nhất vẫn xoay quanh việc ứng xử với các di tích lịch sử văn hóa trong việc bảo vệ, tôn tạo, tu bổ và phục hồi di tích. Tờ trình của Chính phủ đề xuất sửa quy định "bảo vệ nguyên trạng" đối với khu vực bảo vệ I (vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích) thành "bảo vệ nghiêm ngặt". Sở dĩ có sự thay đổi khái niệm như vậy là do quy định "bảo vệ nguyên trạng" thường bị hiểu là không được làm gì, kể cả tu bổ di tích trong khi rất nhiều di tích đang tồn tại những hạng mục chắp vá gây biến dạng cần phải xử lý.

Đề xuất này không nhận được sự đồng tình của UBTVQH. Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn: nhiều nơi thay vì tôn tạo đã phá di sản như dỡ toàn bộ ngôi chùa cổ ra rồi làm mới lại hoàn toàn. Việc xây dựng Kỳ đài ở thành cổ Sơn Tây gây "tần ngần" vì tạo cảm giác ép duyên! Sự hủy hoại nhiều lúc do "lợi dụng" khái niệm nhưng nhiều khi chỉ do thiếu kiến thức cộng với sự nhiệt tình thái quá đã dẫn tới những sự méo mó, sai lệch.

Ông Phùng Quốc Hiển khuyến nghị luật cần quy định nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn việc tu bổ sửa chữa làm thay đổi yếu tố gốc của di sản. Ông Trần Thế Vượng cũng công nhận việc gìn giữ yếu tố nguyên gốc là khó, nhưng đã là di tích quý giá thì phải giữ, nên không cần sửa điều này trong luật hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng cần "bảo vệ nguyên trạng" di tích, nhưng nếu cần xây dựng công trình mới thì có thể chỉ "giữ nguyên trạng một phần của di tích"(?).

Chỉ riêng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền là ủng hộ ban soạn thảo, khi lập luận rằng trên thực tế di tích dù quý giá nhưng đều bị hủy hoại bởi thời gian, nên cần phải được tôn tạo, thậm chí xây dựng thêm khi cần thiết, tuy phải tuân thủ chế độ nghiêm ngặt...

Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng còn yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung chưa được đề cập trong dự thảo như: việc 11 điều quy định trong luật về văn hóa phi vật thể chưa cụ thể nên chưa phát huy tác dụng trong thực tiễn; việc thiếu tiêu chí xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt để Nhà nước có thể tập trung đầu tư kinh phí hợp lý cho những di tích thật sự quý giá, việc cần bổ sung quy định công nhận và xếp hạng những di tích có giá trị trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý di tích không chủ động đề nghị xếp hạng di tích, thậm chí muốn rút khỏi danh sách đã được xếp hạng (để không ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển kinh tế).

Tuy thảo luận đã dẫn đến khác biệt với nhiều điều của dự thảo, nhưng nhiều thành viên của UBTVQH lại tỏ ra rất "cảm thông" với ban soạn thảo về thời gian hoàn thành văn bản. Theo lịch trình, dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa sẽ thông qua ngay sau khi lấy ý kiến Quốc hội trong cùng kỳ họp tháng 5/2009. Riêng ông Hà Văn Hiền lại lo ngại việc dự án luật sửa đổi không đặt ra được hết vấn đề, dẫn đến tình trạng khi đưa vào thực thi lại thấy vướng, lại phải tiếp tục sửa đổi.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dù rất thẳng thắn tiếp thu những ý kiến góp ý của UBTVQH, nhưng cũng dựa vào "sức ép thời gian" để chỉ tập trung vào những vấn đề đã khung vào trong tờ trình, còn những điểm khó quá chưa làm kịp thì sẽ nghiên cứu để đưa vào... nghị định hướng dẫn thi hành.

  • Khánh Linh 

     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;