- Nhiều góp ý bằng văn bản của UBVHGDTTN&NĐ, cũng như những ý kiến thảo luận tại hội trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa nhưng với phần di sản phi vật thể thì vẫn chưa được làm rõ.
Di tích Hoàng Thành Thăng Long (Ảnh minh hoạ) |
Một nội dung điều chỉnh rất quan trọng liên quan đến chủ đề nóng của Luật Di sản là yêu cầu khoanh vùng bảo vệ và trùng tu các di tích lịch sử- văn hóa (điều 32, 34 của luật hiện hành), như việc giữ nguyên yêu cầu phải "bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian" đối với vùng bảo vệ I của di tích, hay việc Chính phủ sẽ có một quy chế riêng quy định trình tự, thủ tục lập, phê duyệt và triển khai dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích thay vì quy định cứng nhắc luôn trong Luật.
Đây là điểm quan trọng vì nhiều khi công việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích chỉ là những công việc nhỏ lẻ, việc lập dự án có thể dẫn đến tình trạng lãng phí thời gian và kinh phí, đồng thời khiến di tích không được trùng tu kịp thời.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung của dự thảo Luật sửa đổi không được sự đồng tình của UBVHGDTTN&NĐ. Chẳng hạn, định nghĩa yếu tố gốc cấu thành di tích bao gồm cả những yếu tố được bổ sung trong quá trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh bị cho là không chính xác, bởi do trình độ nhận thức còn hạn chế, không ít trường hợp tu bổ - phục hồi, người ta đã bổ sung vào di tích những yếu tố không đặc sắc, kém hài hòa.
Ủy ban tiếp tục đề nghị chỉ nên quy định "yếu tố gốc cấu thành di tích là những yếu tố đặc trưng làm nên giá trị tiêu biểu của di tích" để tạo thuận lợi cho việc đưa ra phương án bảo tồn phù hợp với giá trị cốt lõi của di tích.
Dự thảo sửa đổi trình QH hôm nay cũng đã tiếp thu ý kiến của Thường vụ QH về Việc phân loại bảo tàng theo chế độ sở hữu thành bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập thay vì phân loại thành bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh và bảo tàng tư nhân (vừa theo nội dung chuyên môn, vừa theo cấp quản lý hành chính, lại vừa theo chế độ sở hữu).
Việc thành lập bảo tàng công lập phải được sự thoả thuận bằng văn bản của Bộ VHTT&DL để hạn chế tình trạng thành lập bảo tàng mà không chú trọng hiệu quả hoạt động, tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước như ở một số ngành, địa phương hiện nay. Đối với bảo tàng ngoài công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có thẩm quyền thành lập mà chỉ có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập các bảo tàng này. Đề nghị này cũng đã được ban soạn thảo đưa vào dự thảo luật.
UBVHGDTTN&NĐ còn đưa ra nhiều nội dung cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, như việc dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể và có hiệu quả hơn về di sản văn hóa phi vật thể, việc DSVH phi vật thể cũng cần được Nhà nước có hình thức công nhận, làm cơ sở để lập kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị và làm căn cứ để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.
Có thể nói, với những điều chỉnh "ráo riết" sau thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 17/4, dự thảo Luật đã đến "gần" hơn với những ý kiến góp ý quyết liệt của các chuyên gia văn hóa.
-
Khánh Linh