221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1203616
Luật Di sản có nên vẽ đường cho hươu chạy?
1
Article
null
Luật Di sản có nên vẽ đường cho hươu chạy?
,

- Theo tôi, không nên đặt ra trường hợp đặc biệt đối với khu vực bảo vệ I vì có thể dẫn đến việc lợi dụng, khai thác điều này để xây dựng các công trình làm hại di tích, nhất là trong thực trạng quản lý di tích hiện nay- GS Phan Huy Lê.

Tôi tán thành thay "yếu tố nguyên gốc" bằng "yếu tố gốc", nhưng...

GS sử học Phan Huy Lê
Xin lấy một thí dụ nhỏ: trong dự thảo Luật sửa đổi có định nghĩa "Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, được hình thành từ đầu hoặc được bổ sung trong quá trình tu bổ, phục hồi". Có mâu thuẫn không khi xem những yếu tố mới bổ sung khi tu bổ, phục hồi di tích là yếu tố gốc? Không lẽ một yếu tố giá trị vài trăm năm tuổi và một yếu tố "mới tinh" lại được đánh giá ngang nhau? Nhất là với thực tế trùng tu còn rất nhiều bất cập như hiện nay?

GS Phan Huy Lê: - Đây là điều 4, khoản bổ sung 15. Trong Luật hiện hành, dùng khái niệm yếu tố nguyên gốc, nay thay bằng khái niệm yếu tố gốc. Tôi tán thành việc thay thế này vì trên thực tế, các di tích lịch sử, văn hóa ở nước ta, đều trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu nên "yếu tố nguyên gốc" không còn mấy, mà phổ biến là "yếu tố gốc". Định nghĩa "yếu tố gốc" là "yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, "được hình thành từ đầu", là dĩ nhiên, nhưng đưa thêm cả những yếu tố "được bổ sung trong quá trình tu bổ, phục hồi" di tích mà không xác định giá trị và nhất là không giới hạn về thời gian thì thiếu chuẩn xác, dễ đưa đến những hiểu biết và giải thích khác nhau rất nguy hiểm.

Những yếu tố được bổ sung trong tu bổ, phục hồi, trung tu gần đây hay hiện nay thì không thể gọi là "yếu tố gốc" được, đó là chưa nói đến trùng tu không đúng yêu cầu bảo tồn còn tạo ra những yếu tố ngụy tạo làm suy giảm hay hư hỏng di tích như không ít hiện tượng đã xảy ra trong trùng tu mà báo chí đã báo động.

Theo tôi nhất thiết phải giới hạn thời gian, ít nhất là cho đến trước khi di tích được xếp hạng. Trong luật, những khái niệm quan trọng mà không xác định nội hàm thật rõ ràng, chặt chẽ sẽ dẫn đến những hệ quả là khi thực thi, ví như trong tu bổ hay trùng tu, người ta có thể hiểu hay cố tình giải thích tùy tiện làm hư hại, thậm chí phá hủy di tích.

Có nên vẽ đường cho hươu chạy?             

Cổng thành phía Tây của thành cổ Sơn Tây. (Ảnh minh hoạ)

Dự thảo luật sửa đổi quy định về việc phân chia vùng bảo vệ như sau: Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, và khu vực “tiếp giáp” di tích... Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình ở khu vực bảo vệ I phải được phép bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Việc xây dựng công trình không được làm ảnh hưởng tới yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích"

Theo GS, việc khoanh vùng bảo vệ như thế đã hợp lý chưa? Đã bảo vệ nguyên trạng khu vực bảo vệ I, nhưng lại vẫn được xây dựng công trình trong "trường hợp đặc biệt", liệu có mâu thuẫn theo kiểu "vẽ đường cho hươu chạy"?

"Di tích là một thực thể mang hình hài, đặc trưng của một loại hình di tích nhất định, mang trong mình nó những yếu tố nguyên gốc và những yếu tố gốc bổ sung về sau qua các lần tu bổ, trùng tu."
GS Phan Huy Lê: - Đây là nội dung điều 32 được sửa đổi và bổ sung, gồm 3 khoản, trong đó khoản 1 qui định các khu vực bảo vệ di tích. Nội dung của điều này, có một số vấn đề chưa chuẩn xác.

Xác định "Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích" là phạm một sai sót nghiêm trọng. "Khu vực bảo vệ I" thường gọi là "khu lõi" hay "khu di tích" trước hết phải gồm di tích rồi sau đó, mới là vùng có các yếu tố cấu thành di tích. Khu vực bảo vệ I mà bỏ mất di tích tức bỏ mất đối tượng chủ yếu cần bảo vệ, thì còn gì tác dụng và ý nghĩa của luật bảo vệ di sản. Cũng có người bào chữa rằng, vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích đã bao gồm di tích rồi.

Di tích là một thực thể mang hình hài, đặc trưng của một loại hình di tích nhất định, mang trong mình nó những yếu tố nguyên gốc và những yếu tố gốc bổ sung về sau qua các lần tu bổ, trùng tu. Còn vùng có yếu tố gốc là không gian quanh di tích có mối quan hệ mật thiết với di tích và còn bảo tồn một số yếu tố gốc của di tích.

Tôi lấy ví dụ như một ngôi chùa, bản thân ngôi chùa là di tích, còn vùng có yếu tố gốc là vùng xung quanh trên đó còn bảo tồn một số yếu tố gốc liên quan đến di tích như tháp cổ, bia trùng tu...Hay như thành Cổ Loa, bản thân ba tòa thành là di tích và vùng giữa ba vòng thành hay có thể cả ngoài thành, có những yếu tố cấu thành di tích như các đền miếu, nhà bia và tấm bia liên quan, những nơi phát hiện các di tích, di vật khảo cổ học về thời Âu Lạc...

Về mặt này, Luật Di sản văn hóa hiện hành, qui định "Khu vực I  gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích" xem ra còn chuẩn xác hơn điều sửa đổi này. Tôi đề nghị xác định "Khu vực I là vùng gồm di tích và có các yếu tố gốc cấu thành di tích".    

"Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian" là hoàn toàn đúng. Trước đây, Ban soạn thảo đề nghị sửa cụm từ "bảo vệ nguyên trạng" thành "bảo vệ nghiêm ngặt" và tôi cũng như nhiều nhà khoa học khác đã phê bình, cho là bước thụt lùi so với luật hiện hành trong trách nhiệm bảo vệ di tích. Về phương diện luật, không nên dùng khái niệm chung chung như "bảo vệ nghiêm ngặt" vì yêu cầu và mức độ "nghiêm ngặt" có thể hàm chứa nhiều cách hiểu khác nhau. Cũng không thể lấy lý do "bảo vệ nguyên trạng" có thể hiểu cứng nhắc theo nghĩa giữ nguyên, không được tu bổ, để cho di tích xuống cấp và hư hỏng. Luật gồm nhiều chương, mục, điều và khoản, tạo thành một hệ thống vừa nhất quán, vừa bổ sung cho nhau. Điều 34 đã qui định rõ ràng công việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Hơn nữa thực tế bảo tồn di tích trong thời gian qua đã có nhiều vi phạm gây tổn hại, thậm chí có không ít trường hợp hủy hoại cả di tích.

Tôi rất mừng khi thấy dự thảo chính thức trình lên Quốc hội đã chỉnh sửa thành "bảo vệ nguyên trạng".

"Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I" và trong trường hợp không xác định được, thì chỉ có khu vực I nhưng phải do cấp có thẩm quyền quyết định. Qui định như vậy là đúng và phù hợp với thực tế bảo tồn di tích. Yêu cầu bảo vệ giữa khu vực I và II phải phân biệt về nguyên tắc. Khu vực bảo vệ I "phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian" thì không nên đưa ra ngoại lệ "Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình ở khu vực bảo vệ I phải được phép bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó".

Trong phạm vi khu vực bảo vệ I, chỉ có thể xây dựng một số công trình nhẹ để trưng bày, giới thiệu di sản hoặc để phục vụ các hoạt động phát huy giá trị di sản nhưng không được xâm hại đến di tích cả trên mặt đất và trong lòng đất cũng như không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường-sinh thái và không gian lịch sử-văn hóa của di tích. Theo tôi, không nên đặt ra trường hợp đặc biệt đối với khu vực bảo vệ I vì có thể dẫn đến việc lợi dụng, khai thác điều này để xây dựng các công trình làm hại di tích, nhất là trong thực trạng quản lý di tích hiện nay.

Còn khu vực bảo vệ II (nếu có) thì vẫn có thể xây dựng các công trình mới, nhưng phải khống chế về chiều cao và kiếu dáng để không làm ảnh hưởng đến khu di tích và dĩ nhiên phải có sự đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền.

Ở đây có vấn đề là trong Luật Di sản văn hóa của ta nhập di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh vào một mục: mục I, chương IV. Nếu tách di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh làm 2 mục thì rõ ràng và các qui định cụ thể phù hợp với từng loại hình di sản hơn. Nếu chưa thể cấu trúc lại chương-mục thì điều 32 chỉ dành cho di tích và có thể bổ sung 1 điều cho danh lam thắng cảnh tức loại hình di sản thiên nhiên. Di sản thiên nhiên nằm trên một không gian rộng lớn nên về nguyên tắc vẫn phải bảo vệ nguyên trạng, nhưng trong trường hợp đặc biệt có thể xây dựng công trình với những khống chế và thủ tục như trong luật sửa đổi.

Trùng tu di tích khác với xây dựng chứ!

Điều 34 của dự thảo Luật sửa đổi quy định về hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, vốn là hoạt động rất "nhạy cảm" và gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Sửa đổi như điều 34 của dự thảo (đồng thời bãi bỏ điều 35) đã đủ cơ sở pháp lý để ngăn chặn những việc trùng tu, tôn tạo nhiều sai sót như thời gian qua chưa, thưa GS?

GS Phan Huy Lê: - Điều 35 luật hiện hành qui định về thẩm quyền phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích được thực hiện theo Luật Di sản văn hóa và "các qui định của pháp luật về  xây dựng". Đây là một qui định đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công việc tu bổ, trùng tu di tích và là một trong những nguyên nhân làm cho công việc trùng tu không đáp ứng được yêu cầu bảo tồn di sản văn hóa. Công việc tu bổ, trùng tu di tích mang tính đặc thù rất khác với xây dựng thông thường từ trong khảo sát, thiết kế đến thi công và đơn giá xây dựng... Vì vậy, tôi tán thành việc bỏ điều 35 và bổ sung thành khoản 3 của điều 34 "Chính phủ qui định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt qui hoạch và dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích theo qui định tại luật này vả các qui định pháp luật khác có liên quan".  

Trong luật hiện hành, điều 34 chỉ qui định về nguyên tắc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích và giao Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành qui chế. Nay luật sửa đổi nâng cấp,  giao cho Chính phủ xây dựng qui chế này. Nhưng điều quan trọng là qui chế do Chính phủ ban hành về tất cả các khâu từ thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập và phê duyệt qui họach và dự án  bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích làm sao tránh được những sơ suất, khiếm khuyết cũ để từ đó, pháp luật có đủ hiệu lực ngăn chặn các sai sót trong tu bổ, trùng tu di tích?

Tôi mong rằng, khi xây dựng qui chế này, Chính phủ  cần tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu tường tận thực tế bảo tồn di tích để rút kinh nghiệm và lấy ý kiến rộng rãi của giới bảo tồn cùng các ngành khoa học liên quan để xác lập cơ sở pháp lý chặt chẽ trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, một bộ phận tạo thành rất quan trọng của di sản văn hóa dân tộc.

Bài 3: Tôi xin kiến nghị thêm thời gian sửa Luật di sản

  • Khánh Linh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;