221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1205022
Tôi xin kiến nghị thêm thời gian sửa Luật Di sản
1
Article
null
Tôi xin kiến nghị thêm thời gian sửa Luật Di sản
,

 - Tôi xin kiến nghị Quốc hội nên cho thêm thời gian để Ban soạn thảo phối hợp với các nhà quản lý và chuyên môn nghiên cứu, bổ sung một cách đầy đủ hơn, hợp lý hơn- PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam. 

PGS Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam

Thực tế thời gian qua, dư luận đã lên tiếng về việc nhiều di sản khảo cổ học rất giá trị của chúng ta đã suýt bị phá hủy do vô tình hoặc cố ý, trong quá trình xây dựng những công trình văn hóa - xã hội. Phải chăng đang tồn tại mâu thuẫn không thể giải quyết giữa việc bảo vệ, gìn giữ các di sản khảo cổ học dưới lòng đất và việc xây dựng những công trình mới? Theo GS, vấn đề này có nên thể hiện rõ trong Luật Di sản?

PGS Tống Trung Tín: - Về các di chỉ, di tích Khảo cổ học suýt bị phá hủy trong quá trình xây dựng những công trình văn hoá xã hội của đất nước thì có rất nhiều nguyên nhân:

Có trường hợp chủ đầu tư hoàn toàn không biết gì, có trường hợp chủ đầu tư biết nhưng cố ý không thực hiện một cách nghiêm chỉnh quy định của Luật Di sản văn hoá.

Thực tế trong thời gian vừa qua có một số địa điểm xây dựng khi phải làm khảo cổ đã dẫn đến tình trạng làm chậm tiến độ thi công bên xây dựng. Điều này tạo nên một suy nghĩ sai lạc: Công tác Khảo cổ học bảo tồn di chỉ Văn hóa dưới lòng đất “mâu thuẫn” và là “kỳ đà cản mũi” đối với công tác xây dựng, và “xung đột” đó về lâu dài là rất khó giải quyết.

Về hình thức thì đúng là như vậy. Nhưng theo tôi, nếu có các điều luật cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì sẽ dễ dàng giải quyết được “mâu thuẫn” này. Theo phản ánh của giới Khảo cổ học Trung Quốc và Nhật Bản thì họ cũng đã gặp những trường hợp đụng độ gay gắt như vậy: xây dựng đô thị trong khu quy hoạch kinh đô Trường An thời Đường ở Trung Quốc; kinh đô di sản thế giới Nara ở Nhật Bản v.v.. 

Sau một thời gian “đụng độ”, cuối cùng di sản cũng đã được bảo vệ và để giải quyết các “xung đột”, các nước này đã nghiên cứu đưa vào luật những quy định rất cụ thể. Từ đó trở đi công việc trở nên hài hòa tốt đẹp.

Ví dụ, Luật sẽ quy định trước khi xây dựng một khoảng thời gian nào đó, các công việc liên quan đến di tích ở địa điểm xây dựng đã giải quyết xong. Các cơ quan khảo cổ sẽ bàn giao mặt bằng “sạch” mà ở đó các di tích, di vật đã được di dời toàn bộ. Các cơ quan cứ thế thực hiện cho đúng Luật, không phải bàn thảo gì nhiều.

Trở lại với Việt Nam, tôi nghĩ là cũng sẽ giải quyết được mâu thuẫn trên nếu như có thêm các điều luật cụ thể hơn.

PGS có thể đưa ra những ví dụ cụ thể về những di tích khảo cổ học quý giá đã may mắn được giữ lại? Điểm chung của những trường hợp này là gì?

PGS Tống Trung Tín: - Nhờ nắm địa bàn rất tốt của Ban Quản lý di tích và Danh thắng Hà Nội, các cơ quan có thẩm quyền ở Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện tốt Luật Di sản văn hoá ở một số địa điểm khảo cổ như: đàn Xã Tắc (Thăng Long) đã được bảo tồn dưới lòng đất; dấu tích của một bộ phận thuộc đàn tế Nam Giao ở 114 Mai Hắc Đế đã được nghiên cứu và di dời về kho bảo quản để tiếp tục nghiên cứu v.v... Ở cấp độ lớn hơn là các công trình khảo cổ học ở Lung Leng, Plei Krông (Kon Tum), lòng hồ thuỷ điện Sơn La, khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (Hà Nội)... Các khu vực lớn này, luật Di sản văn hoá được thực hiện tốt là do có chủ trương chính thức và triệt để của Nhà nước.

Đàn Xã Tắc (Thăng Long) đã được bảo tồn dưới lòng đất

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (sẽ được trình Quốc hội để thông qua trong kỳ họp này) hầu như không đề cập đến những nội dung có liên quan đến công tác khảo cổ học, ngoại trừ bổ sung quy định "Trong trường hợp địa điểm khảo cổ đang bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại, Chủ tịch UBND cấp tỉnh cấp giấy phép khai quật khẩn cấp và báo cáo Bộ VH - TT - DL". Có thể suy luận rằng, Luật di sản hiện hành (có hiệu lực từ 1/1/2002) đã đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ những di sản khảo cổ học quý giá?

PGS Tống Trung Tín: - Luật Di sản năm 2001 đã phát huy giá trị tốt đến việc bảo vệ di sản khảo cổ học trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chúng tôi vẫn gặp các điều bất cập. Nhiều trường hợp các chủ đầu tư đem chính Luật ra “bắt lý” hoặc “phản biện” khiến cho chúng tôi làm các thủ tục thăm dò, khai quật nhiều khi vô cùng mệt mỏi.

Ví dụ có một khu đất khoảng 1000 mét vuông có di tích và di vật. Quy định thấy di tích, di vật và tầng văn hoá rồi thì phải xây dựng dự án để cứu vớt lấy toàn bộ di tích, di vật đó đi. Nhưng chủ đầu tư thường thắc mắc là tại sao đào nhiều thế, chỉ là mấy cái mảnh sành thì có giá trị gì, mảnh sành này ở đâu mà chẳng gặp? Và họ chỉ muốn đào ít thôi, 100 mét vuông hoặc cùng lắm là 200 mét vuông. Chỗ còn lại phải để chủ đầu tư đem máy đào ở phía trước, khảo cổ theo sau mà nhặt lấy mảnh đem về mà nghiên cứu. Thử hỏi nếu làm thế thì còn gì là khảo cổ học nữa? Và khi tranh luận, đưa Luật ra đối chiếu thì quả là không có quy định cụ thể nào cho việc khai quật tổng thể cả. Khi đó lại phải nhờ có sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền và công luận thì mới khai quật được. Địa điểm Tràng Tiền Plaza năm 2000 rộng nhiều nghìn mét và là một di tích quý để nghiên cứu khu vực Đông Nam Thăng Long. Nhưng chủ đầu tư chỉ cho khai quật 200 mét vuông, diện tích còn lại, họ đã đào xúc vứt đi vĩnh viễn toàn bộ di sản ở đây.

Tôi có thể thống kê hàng loạt trường hợp cho việc vận dụng điều 37 của khảo cổ vào thực tế vất vả như thế nào.

Tại khoản 1, điều 37, theo chỗ tôi nắm được thì trừ các dự án xây dựng của Nhà nước như tôi đã kể trên là thực hiện khá tốt còn thì chưa bao giờ có chủ đầu tư xây dựng nào tự giác tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý và chuyên môn tác nghiệp khảo cổ cả.

Còn ở khoản 2, điều 37, sau vụ Hoàng Thành Thăng Long tôi đã nghe nhiều nhà xây dựng nói bên ngoài nhưng rất thật rằng nếu đào thấy có di tích di vật thì mang máy xúc đổ khẩn trương (bất chấp đó là di sản của tổ tiên) thì mới xây dựng được. Nếu để mấy ông khảo cổ đụng vào thì rách việc lắm có khi không làm được đâu. Nếu chúng ta thử kiểm tra một chút các công trình xây dựng ở các khu vực dự báo có di tích hiện nay thì sẽ thấy ngay kết quả xem các nơi đó chấp hành luật như thế nào.

Rõ ràng chúng ta rất cần có điều khoản bổ sung đầy đủ và hợp lý thì mới giải quyết được “mâu thuẫn” này.

Hoặc ví dụ nữa, Luật đã quy định rõ kinh phí cho khai quật nhưng lại chưa quy định rõ kinh phí cho công tác chỉnh lý. Thành ra một số dự án kiểu này vừa qua phải tùy theo từng trường hợp cụ thể mà xin kinh phí. Có trường hợp như di tích Cồn Ràng ở Huế xin rất lâu và vất vả mới có được kinh phí và khi thời gian xin kinh phí chỉnh lý lâu như vậy sẽ ảnh hưởng nặng nề đến việc bảo quản di vật đã đưa lên khỏi lòng đất…

Câu hỏi cuối cùng, với dự thảo Luật sửa đổi như văn bản sẽ trình ra Quốc hội, theo PGS, Luật Di sản văn hóa mới có đáp ứng được yêu cầu bức thiết của việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc không? Nếu trả lời thẳng thắn, PGS nghĩ Quốc hội có nên thông qua dự thảo Luật sửa đổi này không?

PGS Tống Trung Tín: - Tôi chưa được biết văn bản Luật sửa đổi lần cuối cùng mà chỉ biết một văn bản do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng chuyển cho khi diễn ra cuộc họp lấy ý kiến các nhà quản lý và khoa học ở Hà Nội và một văn bản do GS. Phan Huy Lê chuyển cho. Khi đọc, tôi thấy điều 37 vẫn giữ nguyên như luật hiện hành. Nếu vậy thì cái gọi là “mâu thuẫn” giữa công tác khảo cổ học với công tác xây dựng như dư luận đề cập trong thời gian vừa qua sẽ vẫn còn nguyên vẹn.

Tôi nghĩ rằng Luật là vô cùng quan trọng và sẽ tác động trong một thời gian rất dài cho đến trước lần chỉnh sửa, bổ sung lần sau. Cho nên nhìn toàn diện, nếu được kiến nghị tôi xin kiến nghị Quốc hội nên cho thêm thời gian để Ban soạn thảo phối hợp với các nhà quản lý và chuyên môn nghiên cứu, bổ sung một cách đầy đủ hơn, hợp lý hơn để các cấp, các ngành thực hiện Luật một cách tốt nhất công tác bảo vệ di sản Văn hoá dân tộc.

Bài 4: Cơ hội "chót" cho văn hoá phi vật thể lên tiếng

  • Khánh Linh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;