221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1206348
"Ban soạn thảo cũng không muốn sửa nhiều?"
1
Article
null
'Ban soạn thảo cũng không muốn sửa nhiều?'
,

Tôi được biết trong quá trình chuẩn bị đề án sửa đổi Luật Di sản, để tham khảo vấn đề này những người có trách nhiệm chủ yếu sử dụng từ điển tiếng Việt và các giáo trình cũ về bảo tàng. Phần lớn chúng quá lạc hậu, không cập nhật được với những thay đổi mới nhất của ngành. - PSG Nguyễn Văn Huy.

PGS Nguyễn Văn Huy
Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam phải chú ý đến... nạn phá rừng

Định nghĩa “bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân” liệu có quá lạc hậu so với nhận thức về bảo tàng trên thế giới? Nếu chỉ thực hiện hai nhiệm vụ là "bảo quản, trưng bày", bảo tàng hình như quá "thụ động" và "lười nhác"?

PGS Nguyễn Văn Huy: - Nhận thức về bảo tàng trên thế giới đã có rất nhiều thay đổi trong 15- 20 năm qua. Phần lớn các bảo tàng của chúng ta không theo kịp với sự thay đổi đó cho nên có quá nhiều hậu quả: không cập nhật được với cuộc sống, trưng bày bảo tàng buồn tẻ, khô cứng, thiếu sức sống, kỹ thuật lạc hậu, vắng khách tham quan. Dịp sửa đổi bổ sung Luật Di sản này là rất cần thiết, là cơ hội để tăng thêm sức sống mới cho bảo tàng. Sự điều chỉnh đúng đắn bằng luật sẽ làm cho bảo tàng nước ta phù hợp với xu thế chung của thế giới và giúp mở đường cho sự đổi mới của các bảo tàng ở nước ta.

Trong bản dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa đưa ra Quốc hội thảo luận lần này mà vẫn giữ nguyên cách hiểu về bảo tàng như điều 47 trong luật hiện hành (2001) là chưa bắt kịp được với sự thay đổi, tiến bộ rất nhanh của giới bảo tàng trên thế giới.

Chức năng của bảo tàng thay đổi dần theo thời gian, theo nhận thức của con người. Lúc đầu bảo tàng chỉ là nơi cất giữ và trưng bày, tiếp đến bảo tàng trở thành cơ quan nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực chuyên ngành (như lịch sử nói chung, lịch sử quân sự, mỹ thuật, dân tộc học, địa chất, tự nhiên...) và ở lĩnh vực bảo tàng học; những năm cuối thế kỷ 20 và hiện nay chức năng giáo dục được đề cao đối với các bảo tàng.

Đối tượng của bảo tàng lại chỉ là "lịch sử tự nhiên và xã hội" có đúng không, thưa PGS? PGS có thể đưa ra một định nghĩa bảo tàng ngắn gọn, phù hợp với nhận thức mới về bảo tàng hiện đại của thế giới?

Tham quan Bảo tàng Dân tộc học VN (Ảnh minh họa)

PGS Nguyễn Văn Huy: - Dự thảo vẫn giữ nguyên mệnh đề xác định đối tượng của bảo tàng là “các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội” như luật hiện hành. Tôi nghĩ đối tượng của bảo tàng rộng hơn những khái niệm này nhiều. Luật điều chỉnh như vậy sẽ hướng các bảo tàng thiên về lịch sử như tình trạng các bảo tàng ở giữa thế kỷ 20, kìm hãm sự tiếp cận mới của bảo tàng. Các bảo tàng ngày nay không phải chỉ thiên về lịch sử mà nó còn có những cái nhìn đương đại, qua đó có thể đưa ra những dự báo tương lai.

Chẳng hạn, trưng bày ở bảo tàng mỹ thuật không phải chỉ có trưng bày về lịch sử mỹ thuật mà còn cả trưng bày về mỹ thuật đương đại hay bảo tàng dân tộc học lại trưng bày về cuộc sống đương đại của các dân tộc và những vấn đề của nó ở cả nông thôn lẫn đô thị. Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đang xây dựng cũng vậy, vừa chú ý đến lịch sử tự nhiên vừa cần chú trọng đến những vấn đề môi trường và thiên nhiên hiện tại như  nạn phá rừng, các con sông bị ô nhiễm hay thảm trạng động đất, lở núi, sóng thần... và giải thích những hiện tượng đó. Có tiếp cận mới như vậy các bảo tàng mới có sức sống, mới lôi cuốn được công chúng đến xem vì nó thiết thực với họ.

Tôi được biết trong quá trình chuẩn bị đề án sửa đổi Luật Di sản, để tham khảo vấn đề này những người có trách nhiệm chủ yếu sử dụng từ điển tiếng Việt và các giáo trình cũ về bảo tàng. Trong giới bảo tàng nước ta ai cũng hiểu rằng không thể sử dụng các từ điển tiếng Việt và giáo trình bảo tàng ở trong nước làm tài liệu tham khảo được vì phần lớn chúng quá lạc hậu, không cập nhật được với những thay đổi mới nhất của ngành.

Định nghĩa mới nhất về bảo tàng trong Điều lệ sửa đổi được thông qua tại Đại hội ICOM lần thứ XX họp tại Seoul, tháng 10/2004 như sau: "Bảo tàng là một thiết chế phi lợi nhuận, hoạt động thường xuyên mở cửa cho công chúng đến xem, phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội. Bảo tàng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, thông tin và trưng bày các bằng chứng vật thể và phi vật thể về con người và môi trường sống của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức".

Từ sự phân tích trên, phần đầu của điều 47 xin được đề xuất chỉnh sửa là: “Bảo tàng là cơ sở nghiên cứu khoa học và giáo dục có nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu các di sản vật thể và phi vật thể cùng các bằng chứng thiên nhiên, môi trường của con người nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng”.

Càng cụ thể, chi tiết thì càng... thiếu

Trong quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của bảo tàng, chức năng tổ chức các hoạt động trình diễn hoàn toàn không được nhắc đến, còn chức năng nghiên cứu thì được thể hiện là "nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa". Liệu có phải chỉ nghiên cứu về các di sản văn hóa không?

PGS Nguyễn Văn Huy: - Tôi nghĩ Điều 48 quy định các nhiệm vụ của bảo tàng còn thiếu quá nhiều, không cập nhật với những thay đổi trong thực hành bảo tàng hiện nay. Nếu cứ theo nhiệm vụ quy định ở điều này thì nhiều hoạt động của bảo tàng hiện nay và tương lai sẽ là “bất hợp pháp”, không được cấp kinh phí cho hoạt động hay những người quản lý bảo tàng không cần quan tâm.

Điều luật này chỉ nói đến nhiệm vụ “sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày” mà không thấy đề cập đến hoạt động trình diễn và biểu diễn ở bảo tàng, những hoạt động như trình diễn các nghề thủ công như rèn, đúc, đan lát, nhuộm sáp ong…; biểu diễn múa rối nước, chèo tầu, quan họ, cồng chiêng… 10 năm trước chưa thấy xuất hiện, nhưng nay đã là hoạt động được coi là hấp dẫn, gây sức thu hút lớn với công chúng và có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Tôi đề nghị nên thêm một khoản mục trong điều 48 là “Tổ chức các hoạt động biểu diễn, trình diễn di sản văn hóa”.

Việc quy định nhiệm vụ của bảo tàng chỉ là “nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa” như ở điều 48 này cũng quá bất cập. Bảo tàng rất đa dạng đâu có phải chỉ nghiên cứu khoa học về “di sản văn hóa”. Các bảo tàng địa chất, bảo tàng hải dương học và nhất là bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đang được xây dựng có đối tượng nghiên cứu chủ yếu là thiên nhiên và môi trường, các mẫu vật của họ như động vật, thực vật, đất, đá, quặng… được lấy từ tự nhiên chứ đâu phải là di sản văn hóa.

Các bảo tàng chuyên ngành như lịch sử, lịch sử quân sự, mỹ thuật, dân tộc học, bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm… cùng với nghiên cứu di sản họ còn phải nghiên cứu những vấn đề của lịch sử, của cuộc sống, của tâm lý sáng tác/sáng tạo của họa sỹ, nhà điêu khắc nữa chứ. Thực tế trong một bảo tàng bao hàm rất nhiều hoạt động nghiên cứu khác nhau do bảo tàng là một tổ hợp đa ngành. Có lẽ Luật chỉ cần quy định nhiệm vụ của bảo tàng “nghiên cứu khoa học” là đủ; nếu càng cụ thể, chi tiết thì càng thiếu.

Nhiều người sẽ cho rằng, bảo tàng không cần thiết phải làm thay công việc của các trường học, nên trong Luật không quy định bảo tàng phải có các chương trình giáo dục. PGS bình luận gì về nhận xét này?

PGS Nguyễn Văn Huy: - Điều 48 cũng thiếu quy định nhiệm vụ cho các bảo tàng là xây dựng các chương trình giáo dục và chương trình công chúng mà đó là những công việc thường xuyên và bắt buộc đối với mỗi bảo tàng, đối với mỗi cuộc trưng bày. Hơn 10 năm trước các bảo tàng ở nước ta chưa biết đến nhiệm vụ này. Cho đến nay một trong những sự khiếm khuyết lớn nhất ở các bảo tàng nước ta vẫn là không tổ chức những chương trình/hoạt động này. Trong khi ở các nước tiên tiến đây lại là những hoạt động là bắt buộc, được đưa vào tiêu chuẩn để đánh giá bảo tàng, bởi người ta hiểu sâu sắc rằng bảo tàng là nơi tạo ra điều kiện để mọi người thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội có thể học suốt đời, học không chính thức.

Sự hiểu biết mở rộng, tri thức được nâng cao mà không cần thi cử. Đó là một chức năng đặc biệt và ưu việt của bảo tàng hiện đại. Học tại bảo tàng là học tự nguyện, học mà chơi, chơi mà học, học qua trải nghiệm bằng nhiều giác quan.

Hơn nữa các bảo tàng đương đại còn đang có xu hướng liên kết với các trường đại học, các viện nghiên cứu để tham gia đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành vì ở các bảo tàng có phòng thí nghiệm, có hàng vạn các tiêu bản, hiện vật, có tư liệu phi vật thể (băng ghi âm, ghi hình...) và nhất là có các chuyên gia về từng lĩnh vực chuyên ngành.

Nếu Dự thảo Luật lần này lại bỏ qua một lần nữa nhiệm vụ quan trọng này của bảo tàng là sẽ làm cho bảo tàng ở nước ta chậm hội nhập với giới bảo tàng quốc tế khoảng 15-20 năm. Đó là một điều nguy hiểm không thể chấp nhận được. Vì vậy tôi đề nghị thêm khoản mục về nhiệm vụ của bảo tàng là “Tổ chức các chương trình giáo dục và công chúng” ở điều 48.

Đừng nghĩ cứ bảo tàng là phải có tòa nhà to lớn, đồ sộ

Có mâu thuẫn không khi cho rằng ở ta vừa thừa, vừa thiếu bảo tàng? Để khắc phục tình trạng này, Luật nên thể hiện sự "điều chỉnh" nào để tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển đa dạng, không chỉ phụ thuộc vào nhà nước của hệ thống bảo tàng nước ta?

PGS Nguyễn Văn Huy: - Tôi cho rằng Luật cần làm sao khuyến khích sự phát triển đa dạng của hệ thống bảo tàng ở nước ta, mà không làm cho cơ chế quản lý bao cấp, hành chính thắt lại sự phát triển này. Để thúc đẩy du lịch là một ngành mũi nhọn thì không thể không phát triển bảo tàng, đa dạng hóa bảo tàng. Hiện nay gần một nửa số bảo tàng ở nước ta là bảo tàng tỉnh mà chủ yếu mang tính chất bảo tàng tổng hợp. Ở Trung ương và địa phương còn thiếu rất nhiều các bảo tàng theo lĩnh vực, bảo tàng danh nhân, bảo tàng các nghệ thuật trình diễn, bảo tàng về các nghề thủ công, bảo tàng về kỹ thuật, về công nghệ, bảo tàng của các công ty lớn có truyền thống lâu đời như Dệt Nam Định, Than Quảng Ninh... Không  nên nghĩ mỗi tỉnh chỉ một bảo tàng là đủ, nếu thêm nhiều bảo tàng là thêm gánh nặng cho nhà nước. Sẽ chỉ là gánh nặng nếu bảo tàng làm ăn kém, không có khách thăm.

Nhiều bảo tàng dưới cấp tỉnh vẫn có khả năng phát triển và hoạt động tốt đó là các bảo tàng cộng đồng, các bảo tàng là các căn nhà cổ như ở Hội An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, bảo tàng ở các làng nghề... Đừng nghĩ cứ bảo tàng là phải có tòa nhà to lớn, đồ sộ và một khối lượng hiện vật cả vài ngàn hay chục ngàn đơn vị. Những bảo tàng nhỏ nhưng nhiều khi lại rất hiệu quả. Cho nên nếu dự thảo chỉ quy định đến bảo tàng cấp tỉnh thì sẽ bỏ mất việc điều chỉnh các bảo tàng ở tầm cộng đồng, ở tầm dưới cấp tỉnh nhưng cần được sự tài trợ của ngân sách nhà nước để phát triển.

Phát triển bảo tàng chuyên ngành theo hướng các công ty, cộng đồng như nói trên chính là thúc đẩy xu hướng xã hội hóa bảo tàng hiện nay. Đang có tình trạng khách du lịch khi dừng lại ở các đô thị, ở tỉnh và thành phố, kể cả Hà Nội, trước khi đi thăm các di tích, di sản thiên nhiên, du lịch sinh thái, thường không biết đi đâu cho hết thời gian. Nếu tạo ra được nhiều bảo tàng hấp dẫn, sinh động thì đó vừa là cơ hội nâng cao dân trí, vừa thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian khách du lịch dừng lại thêm ở mỗi địa phương như ngành du lịch mong muốn.

Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội đã qua rất nhiều cửa (Ủy ban văn hóa - giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng có ý kiến, các nhà khoa học góp ý, Ủy ban thường vụ quốc hội thảo luận...), nhưng đến văn bản cuối cùng, những điều luật có liên quan đến bảo tàng lại không được điều chỉnh nhiều. PGS bình luận gì về điều này? 

PGS Nguyễn Văn Huy: - Việc chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa lần này quá gấp gáp nên không lấy được nhiều ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và quản lý. Hội đồng di sản quốc gia, cơ quan tư vấn của Thủ tướng, cũng không được thảo luận về dự thảo sửa đổi này. Có lẽ Ban soạn thảo cũng không muốn sửa nhiều nên chỉ tập trung vào một số vấn đề thật nóng bỏng như di tích. Điều đó làm hạn chế tác dụng của Luật khi được thông qua, đánh mất một cơ hội thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành bảo tồn, bảo tàng trong lĩnh vực di sản văn hóa.

  • Khánh Linh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;