- Công nghệ âm nhạc là một khái niệm còn khá mới ở Việt Nam. Khi tiếp thu công nghệ âm nhạc của nước ngoài vào thực tế đời sống âm nhạc ở Việt Nam, đã có những băn khoăn rằng liệu bản sắc âm nhạc dân tộc có bị ảnh hưởng, rằng vị phở có bị lẫn với mỳ Ý?
Trò chuyện với những người mang dự án đào tạo công nghệ âm nhạc thế giới về Việt Nam - GĐ Nhạc viện TP.HCM Văn Thị Minh Hương, và nhạc trưởng Đỗ Kiên Cường, để làm sáng tỏ ít nhiều nghi ngại này.
Vị phở có bị lẫn với mỳ Ý?
Các nghệ sĩ Việt Nam như Trần Mạnh Tuấn, Đức Trí, Đoan Trang... đã từng sang Mỹ học các khóa về âm nhạc, nhưng Nhạc viện TP.HCM lại tiếp nhận công nghệ âm nhạc của Hà Lan. Người Hà Lan có kinh nghiệm về công nghệ âm nhạc hơn cả, thưa bà?
Bà Văn Thị Minh Hương: - Chúng tôi cũng đã có kế hoạch phối hợp với trường đại học âm nhạc Columbia và Berkeley của Mỹ hỗ trợ đào tạo nhưng không thành do phía bạn không tìm được nguồn kinh phí tài trợ cho các dự án liên kết. GS William Kimo, Đại học Columbia muốn giúp đỡ Nhạc viện trong dự án đào tạo và gây dựng khoa nhạc nhẹ và công nghệ âm nhạc nhưng không vận động được các quỹ hỗ trợ nên kế hoạch cũng dần chìm vào quên lãng.
Phương pháp làm việc, quan điểm đào tạo, định hướng và hiệu quả ứng dụng trong đời sống của chương trình đào tạo giữa Nhạc viện TP.HCM và Đại học Utrecht, Hà Lan có nhiều điểm tương đồng. Hà Lan đã đào tạo cho Nhạc viện TP.HCM đội ngũ giảng viên chuyên sâu về lĩnh vực này, cùng những khóa đào tạo cơ bản và nâng cao cho các kỹ thuật viên của Nhạc viện và một số phòng thu tại TP.HCM đạt hiệu quả.
Chuyên gia Hà Lan hướng dẫn kỹ thuật phòng thu tại Nhạc viện TP.HCM
Công nghệ âm nhạc chưa được coi là một lĩnh vực nghề nghiệp hay một lĩnh vực học tập tại Việt Nam. Đây là lý do việc các nghệ sĩ Việt Nam phải ra nước ngoài ghi âm hay xử lý hậu kỳ phim ảnh?
- Công nghệ âm nhạc ở Việt Nam vẫn đang được sử dụng thường xuyên nhưng chúng ta làm ra sản phẩm mà chưa nhìn ra được sự khác nhau giữa các sản phẩm. Những người học nghề được "sư phụ" truyền lại kinh nghiệm theo kiểu truyền nghề của các nghệ nhân. Phần lớn là do tự tìm tòi, học hỏi người này, người kia để thực hiện công việc theo yêu cầu. Do vậy, tính hệ thống, bài bản không có. Vì thế muốn có sản phẩm âm thanh, hình ảnh sắc nét, thậm chí cả khâu đầu tiên là tư vấn để cho ra sản phẩm tốt cũng phải chọn thực hiện ở nước ngoài.
Trong cuộc gặp gỡ gần đây giữa Nhạc viện TP.HCM và đại diện trường Utrecht, phía Nhạc viện có nêu ra vấn đề: Nếu làm nhạc Việt Nam mà sử dụng âm sắc phương Tây thì sản phẩm âm nhạc sẽ không có mối liên quan đến đúng với nguồn gốc của nó. Việc thu âm theo các tiêu chí của phương Tây là một bất lợi trong việc bảo tồn văn hóa và bản sắc âm nhạc dân tộc Việt Nam?
- Chúng ta hãy liên tưởng tới món ăn của Việt Nam và món ăn Tây khác nhau như thế nào. Liệu có được hương vị phở khi ta nấu theo kiểu mì Ý, liệu có giữ được hương vị giò lụa nếu làm theo kiểu hotdog? Vì thế, khi áp dụng công nghệ âm nhạc ở Việt Nam với tiêu chí bảo tồn văn hóa và bản sắc âm nhạc dân tộc, chúng ta sẽ áp dụng những phương cách riêng để đạt được tiêu chí đó. Chúng ta tiếp thu kỹ thuật của họ vào chính nền âm nhạc Việt Nam chứ không sử dụng âm sắc phương Tây.
Công nghệ âm nhạc là công cụ phát triển âm nhạc dân tộc
Khi khái niệm công nghệ âm nhạc dường như chưa có ở Việt Nam, thì cụ thể trong lĩnh vực phòng thu, nếu áp dụng công nghệ vào sản xuất âm nhạc, làm thế nào để đảm bảo bản sắc, thưa ông?
Nhạc trưởng Đỗ Kiên Cường: - Công nghệ hiện đại và việc ứng dụng công nghệ vào âm nhạc ở Việt Nam vẫn dựa trên kinh nghiệm sử dụng những công cụ liên quan lâu năm mà thành. Con số những người được đào tạo ngành công nghệ âm nhạc (ở nước ngoài về) không nhiều. Nhưng không có nghĩa ở Việt Nam không có những sản phẩm âm nhạc liên quan đến công nghệ chất lượng tốt.
Ứng dụng kỹ thuật phòng thu với nhạc cụ dân tộc
Việc gia tăng bản sắc không dựa trên sự tiếp nhận những kiến thức mới về công nghệ âm nhạc. Bên cạnh các ứng dụng khác nhau, công nghệ âm nhạc sẽ được dùng làm "công cụ" cho việc bảo tồn, quảng bá, và có thể phát triển mặt nào đó ở bản sắc âm nhạc Việt Nam. Nếu phần kỹ thuật được nắm vững thì việc thể hiện ý tưởng sẽ thuận lợi hơn.
Sản phẩm có chất lượng là sản phẩm đạt yêu cầu của người sử dụng. Trên lý thuyết, chúng ta cần có đủ chất lượng về dụng cụ sản xuất và người thực hiện sản xuất.
Theo ông, điều gì khiến việc sản xuất các chương trình âm nhạc Việt Nam vẫn còn thiếu chuyên nghiệp?
- Chúng ta cần những chuyên gia thực sự về lĩnh vực sản xuất âm nhạc, ví dụ: music producer, music designer...
Sự tiếp cận với công nghệ âm nhạc là hết sức cần thiết để phổ biến di sản âm nhạc Việt Nam cũng như sử dụng lại dưới hình thức "sản phẩm" âm nhạc mới. Liệu nó có chỉ là làm mới lại dưới một hình thức khác?
- Sản phẩm âm nhạc cũng như các sản phẩm khác trong cuộc sống, luôn cần đạt được yêu cầu của người sử dụng, nếu không sản phẩm đó sẽ bị loại bỏ. Dường như thế giới luôn thay đổi và phát triển theo hướng khó tính hơn, những sản phẩm âm nhạc trong băng từ đã được chuyển sang CD, rồi nay mai CD sẽ được chuyển sang định dạng khác. Thời kỳ đầu, trong ô tô không có máy phát CD/VCD/DVD..., dàn âm thanh ở gia đình không có hệ thống 7.1 hay cao hơn thế, công nghệ thu âm chưa phải là digital…
Chúng ta có thể dễ dàng thấy sự khác nhau về mặt chất lượng âm thanh của các sản phẩm thu âm từ những năm 1960 và từ năm 2000 trở lại đây. Công nghệ âm nhạc tốt có thể đem lại những sản phẩm âm nhạc phù hợp với sự phát triển của thời đại và yêu cầu của người sử dụng. Nếu ứng dụng tốt kỹ thuật, tôi tin các sản phẩm âm nhạc Việt Nam sẽ có chất lượng ngày càng tốt hơn.
-
Lê Tám thực hiện