221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1211562
Phụ nữ thị thành phù phiếm đáng yêu
1
Article
null
Phụ nữ thị thành phù phiếm đáng yêu
,

 - Cái cũ thì thấy không còn thoả mãn, cái mới thì chưa biết giá trị đến đâu nhưng xem triển lãm Lụa của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn (sinh 1971) đang trưng bày tại gallery Tự Do (TP.HCM,) chỉ vỏn vẹn 20 tác phẩm, chợt cảm thấy yên tâm.

Vì phụ nữ thị thành phù phiếm đáng yêu

Bùi Tiến Tuấn

Chọn tranh lụa với đề tài phụ nữ, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn (sinh 1971) khẳng định "tôi không hề bỏ qua bất cứ thao tác nào của tranh lụa truyền thống". Nếu không xem tranh, dễ nghĩ Bùi Tiến Tuấn không đi đâu xa những cái đã được khẳng định trong nghệ thuật tranh lụa Việt Nam.

Đến với Lụa, sẽ thấy tranh lụa của anh không đằm thắm mà rộn ràng phố thị. Những cô nàng e ấp trong nếp áo dài trong tranh lụa thường thấy được thay bằng hình ảnh những cô gái yêu kiều, đôi lúc hớ hênh, hơi thở đô thị hầm hập. Cái đa sắc của phụ nữ thị thành, nội tâm giấu đi, lẩn khuất đâu đó mà xác thân thì lồ lộ với vẻ đẹp nuột nà.

Trước một số lời bình Bùi Tiến Tuấn rời bỏ truyền thống trong cách thể hiện tranh lụa, anh nói: "Tôi có nghe, có thấy và cũng đã có lần lên tiếng bảo vệ mình trước những ý kiến này. Tôi nghĩ họ nhìn tôi không đúng".

Hai thiếu nữ dưới nước

Anh chia sẻ: "Sao lại chối bỏ những gì gần với cuộc sống hằng ngày của mình. Những người trẻ chúng tôi, trước những thay đổi của đời sống, cảm thấy đói khát với những gì đang diễn ra hằng ngày và cứ thế mải miết tìm để bù đắp lại. Tôi chọn đề tài phụ nữ thành thị, vì trong mắt tôi, họ vừa phù phiếm, đỏng đảnh, vừa đáng yêu lắm!".

Chất sex trong lụa

Tư duy tạo hình hiện đại, lạ, đậm chất đồ họa và xử lý mảng có thể thấy rất rõ trong "mẻ" tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn lần này.

Thiếu nữ trên nền hoa trắng

Thiếu nữ trên nền hoa trắng là một điển hình trong xử lý mảng và nét, mượn kiểu cắt bố cục của nhiếp ảnh, trục chính đổ hẳn về phía người xem, phô bày hết vẻ đẹp hiện đại của người thiếu nữ. Trên cánh tay cô gái có hình xăm, găng tay đen từng chi tiết, đầy dụng ý của tác giả. Phải chăng, trong cái đẹp trẻ trung ấy, có cái gì đó chớm thị thành, đầy nổi loạn?

Hay Nhảy với mặt nạ, những mặt nạ trên vạt áo đậm chất sân khấu và hình nhân dường như chẳng liên quan gì đến nhau, giữa cái thực và cái không thực, giữa cái phô bày ra và cái giấu đi, cái phô trương và cái không phô trương được thể hiện trên cùng một không gian. Bố cục bất thường, dồn hết về một phía, tạo ra khoảng trống lớn gần giống như một panô quảng cáo.

Người đàn bà ngủ lại mang cái đẹp của sự lười nhác, gợi nhớ đến hình ảnh thiếu nữ ngủ ngày trong thơ Hồ Xuân Hương. Người đàn bà nằm với một chiếc vớ đen, bàn chân lật, tay ôm gối hờ hững trên nền hoa tím... Cái đẹp được bày ra hồn nhiên, giữa cái động và tĩnh...


Nhảy với mặt nạ


Nàng xuân


Một mình

Những hình nhân phụ nữ phấn son lòe loẹt, diêm dúa, phô bày những nét đẹp của cơ thể trong tranh, ta vẫn thấy đâu đó hằng ngày trên đường, trong các spa, trên sân khấu... Cái hời hợt bên ngoài được trang điểm bởi đầy những màu sắc của thời trang và son phấn.

Tuy nhiên, trong 20 bức ấy, có vài tiếng nói khác, một góc khuất khác: Một mình 1, Một mình 2 và Một mình 3. Bùi Tiến Tuấn giải thích đó là những bức đầu tiên khi anh bắt đầu vẽ trên lụa. Trong loạt tranh này, bố cục hình nhân được đặt trong không gian lớn, bị một không gian ước lệ nào đó đè lên, ánh sáng rất mỏng tạo cảm giác tối mênh mông, đơn độc. Vệt sáng nhấn ngay trên mặt hình nhân, liệu có đủ sức cứu rỗi?

Tranh lụa Bùi Tiến Tuấn có những gam màu gần giống với tranh lụa Nhật Bản. Anh giải thích: "Tôi tinh giản bớt chi tiết nên người xem có liên tưởng đến tranh lụa Nhật Bản cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nếu nhìn kỹ, tranh lụa Nhật Bản có tính duy mỹ rất cao, cái đẹp thể hiện ở khía cạnh khác với tranh của tôi rất nhiều".

  • Lê Tám

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,