- Sáng 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Thông qua ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, nhiều kiến nghị của cử tri đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu, dẫn đến khá nhiều thay đổi tích cực so với dự thảo ban đầu trình ra Quốc hội.
Nghệ nhân xuất sắc sẽ được hỗ trợ kinh phí
Thi công chùa Phật Tích. |
Nhờ thế, nhiều "sai lầm" trong định nghĩa đã được chỉnh sửa kịp thời, như việc định nghĩa lại văn hóa phi vật thể để phù hợp với công ước của UNESCO (không còn các khái niệm chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học...) , việc "bỏ" những yếu tố được bổ sung trong quá trình trùng tu, tôn tạo ra khỏi yếu tố gốc cấu thành di tích.
Tin vui cho những người quan tâm là di sản văn hóa phi vật thể không còn bị "phớt lờ", khi những điều khoản cụ thể đã được bổ sung để quy định các biện pháp cần làm nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di sản này: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phân loại DSVHPVT; tổ chức truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn và phục dựng các loại hình DSVHPVT; đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT...
Các nghệ nhân có tài năng không chỉ được tặng thưởng danh hiệu mà còn được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sáng tạo, trình diễn, được trợ cấp sinh hoạt hằng tháng nếu có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn...
Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định sẽ không quy định các yếu tố gốc với di sản văn hóa phi vật thể do đặc tính không ngừng tái tạo và có nhiều dị bản. DSVHPVT cũng sẽ không được xếp hạng, bởi so sánh di sản của cộng đồng này với cộng đồng khác để xếp hạng chúng theo giá trị và tầm ảnh hưởng là "không phù hợp với nguyên tắc tôn trọng đa dạng văn hóa". Bởi thế, dự thảo Luật chỉ quy định DSVHPVT được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia và được cấp chứng nhận.
Không tách danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa
Điểm sáng của Luật lần này là việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được quy định rất chặt chẽ ngay từ Luật, với những yêu cầu cụ thể: giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, phải lập quy hoạch, dự án trình cơ quan có thẩm quyền, phải công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt tại địa phương nơi có di tích. Tổ chức, cá nhân chủ trì lập quy hoạch, dự án hoặc chủ trì tổ chức thi công, giám sát thi công phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề (đối với tổ chức), và chứng chỉ hành nghề (đối với cá nhân).
Để tránh những phức tạp nảy sinh với các di tích khảo cổ trong lòng đất trong quá trình triển khai xây dựng các công trình phát triển kinh tế - xã hội, Luật cũng đã bổ sung quy định "Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức việc lập quy hoạch khảo cổ ở địa phương; phê duyệt và công bố quy hoạch...". Với các dự án ở địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ, việc khai quật khảo cổ sẽ phải được tiến hành trước khi triển khai dự án. Kinh phí thăm dò, khai quật khảo cổ của các công trình không phải bằng vốn Nhà nước cũng sẽ do Nhà nước cấp.
Rất tiếc, đề xuất tách di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã không được Ủy ban thường vụ Quốc hội chấp thuận, nên trong luật mới, khái niệm di tích vẫn được "dùng chung" cho cả hai. Khu vực bảo vệ I, vì thế vẫn được định nghĩa là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, và trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích thì "phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó".
Luật Di sản mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010.
-
Khánh Linh