- Đến làng đá Bửu Long (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trước kia, người ta phải trầm trồ với những tượng Phật, lân sư nặng cả chục tấn, những tượng ông Thọ gánh tài lộc, Phật nghìn mắt nghìn tay... đầy tinh xảo. Có những pho tượng trị giá tiền tỉ.
Tiêu điều làng nghề 300 năm truyền thống
Nhưng làng đá giờ không còn những tác phẩm điêu khắc như thế nữa, chủ yếu chỉ đúc bia mộ, đèn đá và những bình hương "vặt vãnh" bởi người dân chỉ sản xuất cầm chừng.
Chỉ vài năm trước đây, làng đá Bửu Long từng rất sầm uất với hàng chục cơ sở đá nằm dọc hai bên tỉnh lộ 24 thì giờ đây chỉ còn lèo tèo 7-8 hộ. Những hộ này cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bỏ nghề bởi biết bao khó khăn từ khâu nguyên liệu đến sản xuất.
Trước kia, nghề làm đá được mệnh danh là nghề hái ra tiền ở Bửu Long nhờ mỏ đá xanh tại chỗ ở hồ Long Ẩn (thuộc Khu du lịch Bửu Long). Đá ở đây chất lượng tốt, lại đỡ tốn chi phí vận chuyển. Nhờ đó, những tượng của Bửu Long làm "ăn đứt" những nơi khác.
Làng nghề giờ đây chỉ chế tác những món đồ "vặt vãnh". |
Nhưng năm 1990 Khu du lịch Bửu Long được xếp hạng di tích quốc gia kèm theo đó là lệnh cấm khai thác đá ở hồ Long Ẩn năm 1996. Dân làng đá phải tìm đến những mỏ đá xa hơn ở tỉnh Bình Dương như Hóa An, Tân Uyên, Thường Tân để lấy nguồn đá thay thế. Thế nhưng đá ở đó chất lượng không bằng lại thêm vận chuyển tốn kém.
Đến thăm cơ sở điêu khắc đá của ông Huỳnh Văn Lương, người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề đá, ông từ chối tiếp chuyện và bảo: "Các anh chị đến chỗ khác mà hỏi. Tiệm nhà tôi sắp dẹp rồi". Ông chủ này đang lo lắng vì không tìm được đất để di dời địa điểm sản xuất theo chủ trương của thành phố.
Từ ngày dùng máy móc để gia công thay cho đục búa, nghệ nhân làm đá đỡ vất vả hơn, sản phẩm làm ra nhanh và tinh xảo hơn. Nhưng kèm theo đó, bụi đá và tiếng ồn cũng nhiều hơn làm ảnh hưởng đến dân sinh và môi trường khu vực. Do vậy thành phố Biên Hòa có chủ trương đến năm 2010 các xưởng sản xuất phải di dời ra khỏi khu dân cư.
Những xưởng nhỏ, việc kinh doanh vốn đã èo uột nay lại phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua đất dựng xưởng. Nhiều hộ ở đây đã bị thu hồi giấy phép sản xuất, chỉ còn vài hộ làm cầm chừng trong thấp thỏm, lo âu.
Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhất là khi nhận được thông tin, đến 2010 mỏ đá Hóa An sẽ bị cấm khai thác do ô nhiễm môi trường và việc nổ đá gây nguy hiểm cho dân cư, người dân lại càng lo lắng hơn.
Khách vẫn đến đặt hàng, không ít người từ tận Trung Quốc, Đài Loan, nhưng làng nghề không đủ sức vực dậy nữa. Chỉ có đôi tay không thôi thì chưa đủ. Họ cần có nguyên liệu, cần nơi sản xuất, những thứ trước đây họ chẳng phải lo lắng. Nhưng giờ chúng lại là mối đe dọa cho nghề làm đá.
"Cực chẳng đã mới làm nghề này"
Những nghệ nhân lâu năm đang lo không bám trụ được với nghề bởi nghề đá vất vả lại đang trên đà "mất giá". Họ bám trụ chỉ vì muốn tiếp cái nghiệp truyền thống cha ông. Còn với những người trẻ bây giờ chẳng có lý do gì để tha thiết.
Thợ trẻ không muốn nối cái nghề hít bụi này. |
Cụ Trương Ứng Tân, 85 tuổi, người có thâm niên làm đá lâu nhất trong làng và hiện gia đình cụ cũng đang sở hữu một xưởng đá nổi tiếng nhất Bửu Long cho biết, gia đình cụ có 8 người con nhưng chỉ còn người con cả theo nghề cha ông. "Cũng muốn truyền nghề cho con cái nhưng chẳng đứa nào muốn theo thì ép làm sao được", cụ nói. Giờ những người con của cụ, người thì làm thương nhân, người thì làm tài xế xe khách.
Mặc dù vẫn tiếc cái nghề đã từng giúp gia đình ông có của ăn của để, nhưng cụ Tân cũng không muốn các con theo nghề này: "Cái nghề đá vất vả lại thường mắc bệnh khi về già". Bản thân cụ cũng mang trong mình căn bệnh nám phổi gần 20 năm nay.
Tại xưởng đá Tân Phát Hưng của gia đình cụ Tân, chúng tôi gặp một người thợ trẻ hiếm hoi, anh Nguyễn Văn Thắng, 24 tuổi. Thắng bảo: "Các bạn tôi làm cho công ty này công ty nọ, còn tôi mới học hết lớp 7 nên chẳng công ty nào nhận. Cực chẳng đã mới làm cái nghề này". Anh cũng ý thức được sự gian truân của cái nghề bụi phủ trắng người và nghe tiếng máy cắt đá chói tai mỗi ngày nhưng vì miếng cơm manh áo mà phải theo.
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Bửu Long cho biết, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chính thức yêu cầu địa phương phải dời toàn bộ các cơ sở đá ra khỏi khu vực dân cư vào năm 2010. Trước khó khăn của các hộ dân trong việc tìm địa điểm di dời, phường cũng đã kiến nghị xin cấp đất để xây dựng làng nghề tập trung nhưng gần 4 năm vẫn chưa có phản hồi. Hiện đã gần hết hạn di dời nhưng phường vẫn chưa tìm ra giải pháp nào cho làng nghề.
-
Vũ Thủy - Trần Ngoan