- Ông Ngô Hoàng Quân – Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chia sẻ những trăn trở đối với sự phát triển âm nhạc kinh điển. Ông tin rằng, những chương trình như "VietNamNet - Điều còn mãi" nếu được tổ chức thường niên, sẽ là một trong những hoạt động hết sức ý nghĩa góp phần vào sự phát triển cân bằng của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Ông Ngô Hoàng Quân |
Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi tham gia vào chương trình hòa nhạc này ?
- Công việc này tương đối phù hợp với chức năng của chúng tôi. Tôi lấy làm vinh dự khi lần đầu tiên được tham gia cùng VietNamNet trong chương trình như thế. Đây là một dịp để chúng ta cùng nhìn lại quá khứ, sống lại những thời điểm lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đây còn là một ý tưởng rất hay và độc đáo. Nếu từ nay trở đi có thể duy trì chương trình này thường niên thì nó sẽ thu hút nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia.
Trong xu thế thưởng thức âm nhạc hiện nay, nhạc nhẹ vẫn đang chiếm ưu thế, những chương trình hòa nhạc giao hưởng thính phòng sẽ gặp phải khó khăn gì nếu muốn trụ lại trong lòng khán giả ?
- Tôi cho rằng đây là một hiện tượng hết sức bình thường với bất kì quốc gia nào, chỉ có điều các nhà quản lý phải nhìn nhận, đánh giá để có thể phát triển cân bằng nó. Chương trình của VietNamNet lần này là một bước đi rất mạnh bạo, nó có lợi cho phía âm nhạc kinh điển.
Khó khăn thì lúc nào cũng khó khăn nhưng không phải không làm được. Quan trọng nhất mình làm sao để chương trình giàu tính giáo dục, giàu tính truyền thống, giúp nâng cao thẩm mỹ của khán giả nhưng lại vẫn phải hấp dẫn.
Với sự phát triển kinh tế của đất nước ta hiện nay, đã dần hình thành nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu âm nhạc kinh điển trong một số tầng lớp nhân dân. Tôi cho rằng những dấu hiệu ấy đang là điều kiện thuận lợi để chúng ta thu hút hơn nữa sự quan tâm của công chúng.
Tuy nhiên ở Việt Nam, âm nhạc kinh điển mới chỉ có một bộ phận không lớn công chúng quan tâm thôi. Chúng ta phải làm gì để loại hình âm nhạc này đến với công chúng rộng lớn hơn ?
- Hiện nay công tác giáo dục âm nhạc của chúng ta chưa thực sự làm tốt. Việc truyền thông chúng ta cũng chưa làm tốt lắm. Khán giả có muốn tìm hiểu cũng không có nhiều kênh để tìm.
Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam
Một khán giả quan tâm đến nhạc giao hưởng, họ muốn tìm hiểu về một dòng nhạc, một tác giả nào đó thì chúng ta lại thiếu kênh để cung cấp thông tin cho họ. Nó là một hệ thống liên quan đến rất nhiều lĩnh vực: đào tạo, xuất bản ấn phẩm, truyền thông... Hiện nay, tiền không phải là một vấn đề lớn nhưng khán giả sẽ không bỏ tiền để đến xem những thứ mà họ không hiểu. Đấy chính là khó khăn trong việc kéo khán giả đến nhà hát.
Đối với riêng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thì hàng năm chúng tôi đều có chương trình hoạt động được lên lịch rất sớm và phổ biến ra công chúng. Nhưng với sức vóc nhỏ bé của chúng tôi thì không thể đủ được mà cần sự kết hợp đồng bộ của nhiều cơ quan khác.
Ông có nghĩ tới việc đưa âm nhạc kinh điển vào giảng dạy ở các trường học giống như một số dự án nghệ thuật truyền thống đã làm, bởi chung quy lại, muốn nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng, phải bắt đầu từ giáo dục ?
- Trước đây chúng tôi đã tổ chức các chương trình diễn giải nghệ thuật ở các trường đại học. Nó cũng kéo dài được chừng 10 năm từ 1980 – 1990 nhưng sau này không thể thực hiện tiếp do điều kiện kinh tế khó khăn. Thời gian tới chúng tôi sẽ khởi động lại những chương trình như thế nhưng hướng vào trẻ em, mang tính đào tạo khán giả đối với nhạc kinh điển bởi nó đòi hỏi sự đầu tư không nhỏ cả về chuyên môn lẫn kinh phí để có thể có được một lớp khán giả trẻ, trước tiên là trong phạm vi Hà Nội, rồi sau đó mới nghĩ đến phạm vi rộng hơn.
Có một thời gian, các diễn viên trong dàn nhạc giao hưởng gặp nhiều khó khăn trong đời sống, phải tự bươn chải bằng nghề khác bên ngoài. Hiện nay, tình trạng đó còn không, thưa ông ?
- Hiện nay, các diễn viên của dàn nhạc tham gia biểu diễn có mức thu nhập khá ổn định. Tuy không cao nhưng phần nào đã đáp ứng được nhu cầu cuộc sống chứ không còn khó khăn như ngày xưa nữa.
Mong muốn của ông với việc phát triển nhạc kinh điển ở Việt Nam?
- Mình mong muốn làm sao để âm nhạc kinh điển của Việt Nam bắt kịp các nước tiên tiến, hay ít nhất bằng một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ có một hệ thống giáo dục âm nhạc tốt, một lớp khán giả của âm nhạc cổ điển. Muốn mua vé xem một chương trình hòa nhạc phải đặt trước cả năm trời. Ở nước họ, pop, rock cũng rất phát triển. Âm nhạc kinh điển cần phải được phát triển song hành và cân bằng với các loại hình âm nhạc khác.
Để góp phần vào công việc chung hết sức khó khăn ấy thì những chương trình như của VietNamNet đang làm là một trong những hoạt động rất cần thiết.
- Tuấn Hải (thực hiện)