- "Nếu bây giờ tôi trẻ lại, dù không được sống trong những năm tháng hào hùng đó thì tôi cũng phải bắt đầu từ việc học, trang bị cho mình những nền tảng vững chắc, những kiến thức lâu dài...", NSND Quang Thọ
NSND Quang Thọ: Tôi tự hào vì các thế hệ học trò của tôi đang tiếp bước chúng tôi |
Cơ duyên nào đã đưa ông đến với chương trình hòa nhạc "VietNamNet - Điều còn mãi" 2009?
Tôi nhận được lời mời tham gia chương trình này từ nhạc sĩ Dương Thụ. Khi được biết, đây là một chương trình nhằm tôn vinh các nhạc sĩ cùng các tác phẩm đã cùng chúng ta, đã sống với chúng ta theo thời gian, tôi đã rất hào hứng nhận lời bởi đó là những tác phẩm gợi lại quãng thời gian hào hùng trong lịch sử dân tộc. Những tác phẩm này là nhân chứng của lịch sử bằng những nốt nhạc, những tiếng hát, những tiếng đàn. Đây là sáng kiến tôi cho rằng rất hay để giữ lại được một nền âm nhạc truyền thống vô giá của chúng ta.
Ông sẽ biểu diễn ca khúc nào trong chương trình này?
Tôi sẽ thể hiện một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương được sáng tác năm 1948 mang tên "Bình Trị Thiên khói lửa".
Cảm xúc của nghệ sĩ khi biểu diễn một ca khúc hào hùng trong một thời khắc hết sức đặc biệt - lúc 14h ngày Quốc khánh 2/9?
Nói về những bài hát chính ca, những bản trường ca thuộc về dòng âm nhạc chính thống thì đấy là những bài hát mang hồn dân tộc trong thời điểm lịch sử đó. Mỗi ca khúc đều có cảm xúc hết sức mãnh liệt về cuộc chiến đấu của quân và dân ta, cảm xúc về tâm trạng phơi phới trong xây dựng đất nước lên một tầm cao mới, cảm xúc trước những ngày đau thương của chúng ta khi khi Bác Hồ đi xa… của các tác giả đã gửi gắm vào đó.
Mỗi lần hát, tôi đều hết sức xúc động. Lúc này không thể phân định rạch ròi giữa cảm xúc và kĩ thuật được nữa. Nó là sự hòa quyện với nhau, kĩ thuật là để đẩy tác phẩm đó lên, cảm xúc để chia sẻ với người nghe nên người nghệ sĩ khó có thể nói cái nào nhiều hơn cái nào được.
Hiện nay, âm nhạc đương đại không có nhiều những tác phẩm lớn viết về đề tài nhân dân, đất nước. Có ý kiến cho rằng, âm nhạc truyền thống đã làm xong nhiệm vụ, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình rồi, bây giờ hãy nhường chỗ cho dòng nhạc mới. Ông có đồng ý với quan điểm đó?
Nếu suy nghĩ như thế, chúng ta sẽ sản sinh ra một nền âm nhạc với những bước đi khập khiễng, không có nền tảng. Tất cả những gì chúng ta đã có chính là một nền tảng. Một cái cây muốn vươn lên mạnh mẽ thì cái gốc phải hết sức vững chãi, gốc có vững thì mới có thể đạt đến đỉnh cao bền vững và rực rỡ. Nếu bước đi khập khiễng, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tới được đích.
Ông suy nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng dòng nhạc chính thống đang có vẻ bị "lép vế" trước nhạc trẻ, nhạc thị trường?
NSND Quang Thọ: "Tôi chọn cho mình con đường bền vững". |
Tôi lại thấy rằng, âm nhạc cách mạng hoàn toàn không lép vế. Bây giờ rất nhiều người, nhất là thế hệ trẻ đang đi tìm lại cội nguồn. Họ nhớ lại, hát lại những ca khúc cách mạng rất say sưa, hào hứng. Đó là điều chúng ta hết sức vui mừng, bản thân chúng tôi có những khán giả vẫn nghe mình, vẫn có những thế hệ kế thừa mình, và tôi cảm thấy hãnh diện về điều đó.
Nếu như cho Quang Thọ trẻ lại thành một thanh niên 20 tuổi, liệu ông có đi thi VietNam Idol để nhanh chóng trở thành một người được nhiều công chúng biết đến như không ít bạn trẻ hiện nay?
Chúng ta không thể lột xác từ một ông già thành một chàng thanh niên được. Ở mỗi thời điểm của lịch sử, người ta lại có những hoàn cảnh, những vận hội khác nhau nên không thể nói chắc rằng mình sẽ chọn thế này hoặc thế khác. Nhưng nếu sự phát triển không có sự hòa quyện giữa những cái gì là gốc, những gì là cơ bản thì sẽ khó có thể vươn đến tầm cao. Nếu bây giờ tôi trẻ lại, dù không được sống trong những năm tháng hào hùng đó thì tôi cũng phải bắt đầu từ việc học, trang bị cho mình những nền tảng vững chắc, những kiến thức lâu dài. Có như vậy mới có thể thành công được chứ không thể "ăn xổi" như con đường của nhiều bạn trẻ hiện nay.
Có phải vì lý do đó, ngoài công việc biểu diễn của một nghệ sĩ, ông còn tham gia giảng dạy để đào tạo ra thế hệ ca sĩ hát dòng nhạc cách mạng?
Hiện nay, tôi vẫn tiếp tục đào tạo ra những thế hệ ca sĩ trẻ hát nhạc cách mạng. Tôi tự hào vì các thế hệ học trò của tôi đang tiếp bước chúng tôi và họ giành được những thành tích cao trong các cuộc thi, được sự yêu mến của nhiều công chúng. Không ít học trò của tôi cũng tham gia vào môi trường âm nhạc hiện đại và trở thành thần tượng của giới trẻ, bởi các em có một nền tảng hết sức vững chắc.
Nếu có một ước muốn đối với âm nhạc Việt Nam đương đại, ông sẽ ước điều gì?
Chúng ta sẽ có một nền âm nhạc phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn phải cân đối. Tôi vẫn phải nhắc lại rằng phải có gốc thì mới có thể vươn tới đỉnh cao của thế giới. Thực tế, chúng ta cũng đã khẳng định được mình với thế giới ở những cuộc thi quốc tế. Rất nhiều tài năng của âm nhạc Việt Nam đã đứng ở tầm thế giới. Còn nhạc xã hội hóa của chúng ta chưa thể giành được những vị trí như thế, ngay cả trong khu vực.
Chương Hòa nhạc VietNamNet sẽ được tổ chức thường niên, những năm sau ông vẫn sẽ tiếp tục tham gia?
Nếu VietNamNet tiếp tục tổ chức chương trình truyền thống như thế này tôi sẽ là người tiên phong tham gia, bởi tôi mong muốn được truyền những tình cảm, cảm xúc của mình tới khán giả qua những ca khúc đi cùng năm tháng, để họ thêm hiểu, thêm yêu lịch sử hào hùng của dân tộc. Để thế hệ ngày hôm nay biết trân trọng những giá trị lịch sử mà cha ông ta đã phải hy sinh xương máu mới có thể giành lại được.
-
Tuấn Hải (thực hiện)