221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1234866
394 ngày cho những cam kết về Bảo tàng Hà Nội
0
Article
null
394 ngày cho những cam kết về Bảo tàng Hà Nội
,

 - Sở VH-TT-DL "than" Sở Xây dựng nắm túi tiền chặt quá, trong khi hiện vật của bảo tàng là vô giá, khiến tiến độ phần ruột của công trình khó có thể đẩy nhanh.

Mô tả ảnh.

Đoàn giám sát kiểm tra tại công trường Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Khánh Linh

 Sáng 11/9/2009, Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội do bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố làm trưởng đoàn xuống kiểm tra dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội.

Theo bà Thanh, dự án không chỉ lớn về tổng đầu tư (2300 tỷ), quy mô diện tích đất (53.963 m2), diện tích sàn xây dựng (30.208 m2), có kết cấu kỹ thuật phức tạp, lại phải hoàn thành trong thời gian chính xác chỉ 24 tháng (19/5/2008 - 19/5/2010) mà còn là dấu ấn của thành phố. "Nếu Bảo tàng không thể mở cửa đúng dịp 10/10/2010 cho công chúng thì chúng ta có lỗi với dân, với lịch sử", bà Thanh nhấn mạnh.

Bảo tàng Hà Nội không chỉ nằm trong danh mục 34 công trình trọng điểm của thành phố mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm, mà còn được khẳng định là một trong những công trình quan trọng nhất.
Quan trọng như thế nên không ngạc nhiên khi chỉ riêng với Bảo tàng Hà Nội, đoàn giám sát đã có tới 2 buổi làm việc riêng biệt, một buổi với Sở VH-TT-DL để kiểm tra việc thực hiện nội dung trưng bày, và buổi hôm nay với Sở Xây dựng với tư cách Ban quản lý dự án.

Về tiến độ thực hiện dự án ở phần xây dựng và lắp đặt thiết bị, đoàn giám sát tỏ ra khá hài lòng. So sánh với mục tiêu đề ra từ khi dự án bắt đầu khởi công, cũng như những cam kết của Sở Xây dựng khi làm việc với đoàn giám sát lần trước (vào tháng 9/2008), phần lớn tiến độ đều bắt kịp. Theo ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng, thì mọi "anh hào" trong ngành xây dựng Việt Nam đều có mặt trong công trình, tư vấn giám sát phải túc trực liên tục, lần đầu tiên một Phó Giám đốc Sở phải trực tiếp làm Trưởng ban quản lý dự án. "Có những thời điểm bị chậm tiến độ từ 3 - 6 tháng vì những khúc mắc kỹ thuật mà ta không thể làm chủ, phải mời chuyên gia nước ngoài, nhưng nay đã vượt qua để đảm bảo hoàn thành đúng 3 mốc của dự án: 25/10 thi công xong hệ kết cấu mái, 25/12 lắp đặt xong các sàn và các lớp mái, hoàn thiện xây dựng "vỏ" nhà đúng ngày 19/5/2010", ông Xuân Anh khẳng định.

Những kiến nghị của Sở Xây dựng về việc giao đất đối ứng, quy định phương thức tính lãi vay, bổ sung kinh phí cho phần xây dựng và lắp đặt thiết bị... đều được các bên liên quan cũng như đoàn giám sát khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất.

Băn khoăn chính của các thành viên đoàn giám sát cũng như các bên liên quan đều tập trung vào phần "ruột" của Bào tàng Hà Nội - phần nội dung trưng bày. Tòa nhà hiện đại được ví như "Chùa Một cột của thế kỷ 21", diện tích sàn trưng bày lên tới trên 30.000 m2, nhưng phần nội dung đến thời điểm này vẫn rất "mông lung". Tất cả đều cho rằng không thể xong toàn bộ phần trưng bày đúng dịp kỷ niệm đại lễ, bởi nếu muốn đạt chất lượng cao thì phải cần vài năm, nhưng...

Bà Đặng Huyền Thái, Phó Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội đã nêu hàng loạt câu hỏi "chất vấn": việc xây dựng phải gắn chặt chẽ với thiết kế tổng thể nội dung trưng bày nhưng sự phối hợp giữa Sở Xây dựng với Sở VH-TT-DL ra sao, trong khi phần xây dựng đã "hòm hòm" nhưng phần tư vấn thiết kế nội dung thậm chí còn... chưa được ký hợp đồng?
Sở VH-TT-DL "than" Sở Xây dựng nắm túi tiền chặt quá, trong khi hiện vật của bảo tàng là "vô giá", khiến tiến độ phần ruột của công trình khó có thể đẩy nhanh. Chưa kể có chuyện "đùn đẩy" giữa 2 sở, do một bên phải lo chọn lọc hiện vật, bên kia lại lo thiết kế trưng bày phần hiện vật đó.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long cũng rất lo lắng với chất lượng trưng bày, khi đến thời điểm này danh mục hiện vật chưa có, "Theo PGS Nguyễn Văn Huy cho biết, Bảo tàng Dân tộc học phải mời 2 chuyên gia Pháp, Mỹ làm việc trong 2 năm mới có được trưng bày như thế. Bên Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng phải thuê tư vấn Pháp, Mỹ giúp việc trưng bày cổ vật trong khuôn viên khu di tích, còn ta thuê tư vấn New Zealand uy tín đến mức nào?", ông Tuấn thẳng thắn nêu câu hỏi. Ông Tuấn cũng nhắc Sở Xây dựng với tư cách là ban quản lý dự án chú ý vận động tư nhân đóng góp hiện vật, vì "trong khoảng 57.000 hiện vật thì có đến một nửa là tiền xu, rồi đến mấy ngàn mũi tên đồng".

Khẳng định bản thân Ban quản lý dự án cũng "lo lắng" nhiều về nội dung trưng bày, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó GĐ Sở Xây dựng, Trưởng ban Quản lý dự án phân trần chuyện không thể mời tư vấn Mỹ, Anh, hay Canada, Pháp vì yêu cầu của họ quá cao, tư vấn Anh đòi mức giá 1 triệu bảng Anh cho 1000 m2 sàn, thời gian thiết kế không dưới 2 năm. Tư vấn Canada và Mỹ không có tín hiệu trả lời. "Chính GĐ Bảo tàng Quốc gia Singapore đã giới thiệu với chúng tôi chọn mời những đơn vị tư vấn này. Công ty STORY Inc (New Zealand) "thắng" vì họ thể hiện ý tưởng trưng bày tốt nhất, họ còn nghiên cứu sâu hơn chính mình. 14 - 25/9 họ sẽ sang trình bày ý tưởng thiết kế tổng thể trưng bày, tháng 10 sẽ ký hợp đồng, và tháng 12/2009 sẽ có thiết kế tổng thể", ông Hùng giải thích.

Ông Hùng cũng khẳng định đã có kịch bản với 7 chủ đề lớn và hàng loạt chuyên đề để Sở VH-TT-DL lo phần hiện vật, như phải sưu tầm các loại khoáng sản của Hà Nội cho chủ đề "Điều kiện tự nhiên" v.v...

Trước câu hỏi người dân Hà Nội có thấy được những nét chính của lịch sử 1000 năm Thăng Long-Hà Nội khi đến với bảo tàng dịp 10/10/2010 không, ông Hùng hứa sẽ hoàn thành trưng bày ngoài nhà, sảnh chính tầng 1, toàn bộ thiết kế tổng thể, bộ phim giới thiệu, "cụ thể sẽ có thêm những gì thì phải chờ thiết kế tổng thể vào tháng 12/2009 đã".

Vậy là, còn 394 ngày cho những cam kết với một địa chỉ văn hóa của Thủ đô.

  • Khánh Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,