- Đại chúng hóa nhạc hàn lâm là một xu hướng chung hiện nay trên thế giới. VN đã có những người mở đường với bao khó khăn vây quanh.
Thạc sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Bách (Ảnh:T.C) |
Sau 11 năm học ở Tây Đức, thạc sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Bách về lại Việt Nam vào tháng 5/1998 và làm việc tại Nhạc viện TP.HCM từ năm 1999 đến nay.
Anh thường suy nghĩ về việc làm sao học trò của mình sẽ giỏi hơn mình và làm sao nhạc hàn lâm đến được với khán giả đại chúng. Sau dàn hợp xướng Suối Việt, nhạc sĩ Nguyễn Bách lại xây dựng nhóm Credo, tiếng Ý có nghĩa là "Tôi tin" bằng một dự án khá dài hơi, mỗi tháng tổ chức một live concert theo từng chủ đề riêng.
Cũng trong không gian Nhạc viện TP.HCM, nơi đã diễn ra nhiều buổi hoà nhạc, nhưng buổi hoà nhạc đầu tiên của Credo sẽ mang một phong cách khác. Nói theo cách của nhạc sĩ Nguyễn Bách, "đập tường Nhạc viện" để mở rộng không gian và mời thêm nhiều khán giả vào xem một sự thay đổi.
Từ ngoài cửa Nhạc viện, khán giả sẽ được tiếp đón bằng tiếng nhạc của nghệ sĩ đường phố theo bước chân vào khán phòng. Không gian sân khấu không còn một kiểu ánh sáng trắng vàng đơn điệu...
Sau nhiều năm giảng dạy ở Nhạc viện, anh thấy việc giảng dạy như hiện nay có bị lạc hậu không?
- Ở Nhạc viện có các hệ thống đào tạo khác nhau: chính quy, tại chức, bổ túc năng khiếu. Trong gần 9 năm, tôi được tiếp xúc với những thế hệ giảng viên khác nhau và trong tôi luôn có câu hỏi: Nếu một giảng viên chỉ lấy những gì mình đã được học trước đây mà dạy lại cho học trò sau này thì giỏi lắm còn giữ được 80-90% nguyên bản. Cứ cách làm như vậy, thì sẽ tiến bộ hay lạc hậu? Chúng ta vẫn thường nghe nói: “con hơn cha, nhà có phúc”. Thế nếu “con kém cha”?
Nhóm Credo - Tôi tin |
Anh có dự định sẽ cải tiến cách dạy và học ở Nhạc viện hay là chăm chú vào việc mở rộng đầu ra cho sinh viên?
- Nói “mở rộng đầu ra cho sinh viên” thì to tát quá. Đó là trách nhiệm của nhiều người. Riêng mình, tôi đã và luôn tìm cách đổi mới những việc tôi đang theo đuổi trong đó có việc giảng dạy âm nhạc. Bên cạnh việc giảng dạy tôi cũng luôn nghĩ đến việc “hành” cho cái “học” của sinh viên. Đó là một trong những lý do để có Suối Việt và nhóm Credo.
Anh có thể lý giải vì sao sinh viên Nhạc viện, nhất là khoa Thanh nhạc rất khó thành công trên thị trường âm nhạc? Riêng trường hợp của Mỹ Tâm thì thế nào?
- Theo tôi tính xác thực của nhận xét này chỉ là 50%. Trên thị trường không phải đã có những nhạc sĩ tên tuổi như Việt Anh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Hiên, Hoài Sa, Võ Thiện Thanh, Lê Quốc Thắng, Đức Trí và những ca sĩ, nhóm nhạc như: AC&M, 5 Dòng Kẻ, Mặt Trời Đỏ, Mặt Trời Mới, MTV, Vân Khánh, Mỹ Tâm, Thanh Thúy, v.v… đó sao? Họ đều có bệ phóng là Nhạc viện. Năm 1999, khi tôi về nước và bắt đầu vào Nhạc viện, Mỹ Tâm và Nguyên Vũ còn là 2 cái tên chưa được biết nhiều đến. Chỉ có Mỹ Tâm lúc đó là một trong những sinh viên năm cuối Khoa Thanh nhạc, hệ trung cấp. Có một công ty âm nhạc mời tôi hợp tác xây dựng dự án lăng xê hai ca sĩ này. Tôi chỉ hợp tác với họ trong thời gian ngắn ngủi. Bây giờ, các bạn có thể thấy sự thành công cách biệt của Mỹ Tâm và Nguyên Vũ như thế nào. “Bệ phóng” Nhạc viện là nền tảng tốt đấy chứ!
Thế nào là "đập tường nhạc viện" để mở rộng ra với công chúng?
- Xét về mặt từ nguyên, “nhạc viện” (conservatory) là nơi các học viên được tập trung lại, “bảo quản” (conserved) trong một nơi và chỉ có học về âm nhạc, nghệ thuật. Từ đó, nhạc viện là nơi dạy nhạc uy tín nhất của một thành phố, một quốc gia. Tuy nhiên, từ “được bảo quản” sang “bảo thủ” (conservative) chỉ có một bước chân thôi! Những truyền thống về âm nhạc và giáo dục âm nhạc có khi tốt đẹp nhưng cũng lắm khi là những bức tường “định kiến” bao quanh người nghệ sĩ, làm người nghệ sĩ dễ bị xa cách với công chúng. Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác vẫn luôn muốn tìm cách “phá những bức tường ấy đi” để âm nhạc của nhạc viện phục vụ cuộc sống đời thường một cách hiệu quả.
Trước khi thành lập nhóm Credo, anh có nghiên cứu tìm hiểu các nhóm nhạc khác tương tự ở trong nước không? Ví dụ như AC&M...? Anh rút ra được kinh nghiệm gì cho nhóm nhạc của mình?
- Năm 2004 tôi đã thành lập Hợp xướng và Dàn Nhạc Suối Việt. Credo gồm những thành viên xuất thân từ đó và phải nói, lần xuất hiện mang tính đại chúng đầu tiên của Credo là trong clip ca nhạc “Một thời để nhớ” do VTV9 thực hiện mừng ngày Nhà giáo VN 2006. Đến năm 2007, trong Album-CD tình ca đầu tiên của tôi, mang tên “Bach’s Một Lần Yêu” bên cạnh hợp xướng Suối Việt còn có đến 3 nhóm nhạc tham gia: 5 Dòng Kẻ, AC&M, MTV.
Là một giảng viên của Nhạc viện nên học trò của tôi là những thành viên trong các nhóm cũng khá nhiều: 1088, H.A.T, Candy… Kể ra như vậy, tôi muốn nói rằng tôi đã có kinh nghiệm và cả vài bài học kinh nghiệm về hoạt động nhóm nhạc.
Điều tôi thường dặn dò Credo là hãy học lấy bài học của kính vạn hoa (kaledeiscope): mỗi tấm gương phải vát đi một góc để khít lại với những tấm gương khác, để kín ánh sáng tối đa hầu có thể biến những mảnh vụn màu sắc khác nhau thành những bông hoa kỳ diệu.
Để đầu tư cho một nhóm nhạc như Credo, thời gian và chi phí như thế nào? Nếu tính luôn cả chi phí làm sô mỗi tháng hơn 100 triệu thì lấy gì để bù lại số tiền đầu tư khi chưa có tài trợ?
- Tôi muốn đưa tác phẩm của mình, nhóm Credo cùng dự án Hát vang tiếng đàn, vào thị trường chứ không phải là một nhà kinh doanh bỏ tiền ra để đầu tư vào mặt hàng Credo. Một nhà kinh doanh phải có “máu liều”. Một người nghệ sĩ cũng cần phải có “hứng thú”. Cách đây hai tháng, khi bắt tay vào làm chương trình ra mắt Màu tình yêu sẽ trình diễn vào 18 và 19/9/2009 sắp tới, tôi có nói với Credo và những người cộng tác rằng: “Chúng ta hãy cho mọi người thấy không phải cứ có tiền mới làm được, cũng có trường hợp ngoại lệ, nhưng trước hết cần có tâm, rồi sẽ có cách có tiền”. Có thể ai đó không tin vào điều tôi nói, nhưng TÔI TIN. Và đó cũng là ý nghĩa của tên nhóm Credo.
Anh có ý tưởng về việc đại chúng hóa nhạc hàn lâm. Vậy theo anh, nhạc hàn lâm phải "hạ" đến đâu thì vừa đủ để tiếp cận đại bộ phận công chúng mà không làm nó rẻ tiền đi?
- Nói chính xác hơn, không phải tôi muốn đại chúng hóa hay hạ thấp nhạc hàn lâm mà là muốn tìm cách hấp dẫn để nhạc hàn lâm dễ được đại chúng tiếp cận. Muốn làm thay đổi người khác, phải hòa mình với họ. Hòa mình không có nghĩa là “hạ thấp”, không có nghĩa là “biến tan”. Nếu coi âm nhạc hàn lâm như một bộ complet hay smoking quý phái, âm nhạc đại chúng như những bộ “quần jeans, áo pull” trông khỏe, đẹp thì cũng có kiểu thời trang hấp dẫn sử dụng áo veste loại “demi saison” mặc với quần jeans.
-
Thanh Chung