- Tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, tiểu luận phê bình của Đỗ Lai Thúy và tiểu thuyết dịch của Nguyên Ngọc giành giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2009
Các thành viên Hội đồng Chung khảo giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội (Ảnh minh họa)
Hội đồng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2009 đã họp phiên cuối cùng ngày 11-9-2009 tại trụ sở 19 Hàng Buồm, Hà Nội.
Theo quy chế giải thưởng của Hội, tác phẩm vào vòng chung khảo đã được lựa chọn từ những tác phẩm xuất bản trong khoảng thời gian từ 1-7-2008 đến 30-6-2009. Các tác phẩm này đều được sàng lọc thông qua sự giới thiệu của hội viên, của các ủy viên hội đồng chuyên ngành, từ thông tin của báo chí và dư luận người đọc.
Lọt vào vòng chung khảo về văn xuôi có: Một mình một ngựa, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng; Họ vẫn chưa về, tiểu thuyết của Nguyễn Thế Hùng; Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập.
Thơ có 2 tập: Trà nguội của Đặng Thị Thanh Hương; Phố đồng thảo của Chu Hồng Tiến.
Thể loại Lý luận - phê bình có: Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy; Thơ – thi pháp và chân dung của Đặng Tiến.
Về tác phẩm dịch văn học có: Nhẫn thạch, tiểu thuyết của Atiq Rahimi, Pháp (Nguyên Ngọc dịch); Di sản của mất mát của Kiran Desai (Nham Hoa dịch); 11 phút của Paulo Coelho (Quý Vũ dịch).
Kết quả, ba tác phẩm đã nhận đủ số phiếu để được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2009: Bút pháp của ham muốn, tập tiểu luận phê bình của Đỗ Lai Thúy, (11/12 phiếu). Một mình một ngựa, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (9/12 phiếu) và Nhẫn thạch, tiểu thuyết của Atiq Rahimi (Pháp), bản dịch của Nguyên Ngọc (9/12 phiếu).
Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy được hội đồng đánh giá cao ở việc sử dụng một cách kiên định và nhất quán phương pháp phê bình phân tâm học trong tiếp cận tác phẩm văn học. Thao tác phê bình của Đỗ Lai Thúy, khi được phương pháp thích hợp trợ giúp, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp và sự thông hiểu công việc sáng tạo của đối tượng.
Ở Một mình một ngựa, bên cạnh những vấn đề tâm huyết được đặt ra như phẩm chất con người cách mạng, bản lĩnh và ý chí con người trước những thử thách hiểm nghèo; thì vấn đề tổ chức và quản lý trong thực tiễn vùng cao cũng được xới lên một cách quyết liệt và thấu hiểu. Những trang văn của Ma Văn Kháng thấm đẫm cảnh sắc núi rừng Tây Bắc, những rung động của tình yêu, của tình bạn, tình đồng bào làm cho tác phẩm trở nên dễ đọc và dễ chia sẻ.
Bản dịch Nhẫn thạch của nhà văn Nguyên Ngọc thực sự đã giúp cho người đọc vượt qua rào cản ngôn ngữ để tiếp cận tác phẩm một cách tự nhiên và thoải mái.
Riêng về thể loại thơ, hai tác phẩm được đề cử không nhận được đủ số phiếu quá bán, nghĩa là chưa thuyết phục được hội đồng chung khảo.
Lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 10-2009.
- Việt Khôi