221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1235841
Chuyện thật như đùa trước thềm hội diễn sân khấu toàn quốc
0
Article
null
Chuyện thật như đùa trước thềm hội diễn sân khấu toàn quốc
,

 - Mưa huy chương có thể không có, nhưng giải thưởng được trao chắc chắn sẽ không ít. Vì xin tiền nhà nước tổ chức hội diễn mà chỉ có lèo tèo vài huy chương, thì ban tổ chức biết ăn nói thế nào về chất lượng cuộc chơi?

Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp Toàn quốc 2009 đến 26/9 mới bắt đầu tại TP.HCM, nhưng những câu chuyện trước khi bắt đầu khai hội đã nóng lên.

Phạm quy chế vì... nhầm tên

Những nét mới của hội diễn lần này được ban tổ chức đưa ra không có gì đáng chú ý. Chỉ có chi tiết về những "chuyên gia dựng vở" tại các hội diễn sân khấu như Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, là mới.

NSND Doãn Hoàng Giang tại hội diễn này chỉ còn đạo diễn một vở (Bản hùng ca linh thiêng) cho Đoàn Kịch nói Quân đội, còn NSND Lê Hùng "làm" 3 vở: Mỹ nhân và anh hùng cho Nhà hát Kịch Việt Nam, Linh hồn Việt cộng cho Đoàn Kịch nói Hải Phòng và Giải tỏa cho Đoàn Kịch nói của Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn Hải Dương.  

Cảnh trong Trai nhảy, một trong năm vở đứng tên đạo diễn Trần Ngọc Giàu theo đăng ký ban đầu tại hội diễn. Ảnh: V.Tiến

 

Ban tổ chức nhẹ người khi không còn bị chỉ trích rằng tổ chức hội diễn để cho những Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng độc diễn nữa, bởi đã có mùa hội diễn, hai đạo diễn này mỗi người dựng đến 7-8 vở cho các đoàn khác nhau để "thi đấu". Thậm chí, khi có ý kiến nghi ngờ, ban tổ chức còn tái khẳng định chắc chắn rằng đạo diễn Doãn Hoàng Giang chỉ dựng duy nhất một vở.

Tuy nhiên, áp chế được hai cây đa cây đề của sân khấu phía Bắc vào đúng khuôn khổ cuộc chơi, thì ban tổ chức lại để lọt tên tuổi của làng kịch phía Nam, NSƯT Trần Ngọc Giàu, khi đạo diễn này có tên trong 5 vở của bốn đơn vị tại hội diễn, phạm quy chế chỉ được dựng tối đa 3 vở. 

Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp Toàn quốc 2009 được xem là hội diễn kéo dài ngày nhất từ trước tới nay, từ 26/9 đến 6/10. Gọi là "hội diễn" nhưng chỉ có các đoàn nghệ thuật phía Bắc (11 đoàn) tập trung diễn tại Nhà hát TP.HCM, còn các đơn vị của TP.HCM (8 đoàn) vẫn diễn tại chính sân khấu của mình, vẫn bán vé cho khán giả xem bình thường, còn giám khảo thì phải "chạy sô" từ sân khấu này đến sân khấu kia để chấm điểm.

Thành viên Ban giám khảo không được công bố, theo ban tổ chức là nhằm để bảo đảm tính công bằng. Chỉ biết BTC đã đề cử đến 40 người vào danh sách này để ban chỉ đạo chọn lựa.

Hội diễn không tổ chức các cuộc tọa đàm sau các vở diễn để các đơn vị rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Thay vào đó, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết sẽ có một hội thảo lớn được tổ chức chung cho hội diễn này cùng 3 hội diễn cải lương (tháng 10/2009), chèo (tháng 11/2009) và tuồng - dân ca kịch toàn quốc (tháng 12/2009).

Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, trưởng ban tổ chức hội diễn, cho rằng: "Khi chúng tôi đã nới quy chế cho phép các đơn vị được mang những vở có thời lượng dài hơn quy định là 120 phút tham gia, thì việc anh Trần Ngọc Giàu có 5 vở cũng nằm trong phạm vi mở này, và vì các vở mà anh Giàu đạo diễn đều dựng rải rác từ các năm trước chứ không phải tập trung trong năm nay".

Nhưng nới quy chế để tiếp nhận những vở dài hơn 120 phút (hầu hết các vở của các đơn vị phía Nam đều dài hơn hai giờ) vì nhân danh chất lượng và sự đa dạng trong nghệ thuật thì còn có thể hiểu được, chứ nới quy chế để cho phép một đạo diễn có tới 5 vở dự thi thì nhân danh điều gì? Bởi chính ông Chương cũng nói rằng "quy định 3 vở nhằm để các tác giả tập trung đầu tư chất lượng tốt hơn và tạo điều kiện để các tác giả trẻ có năng lực được tham gia".

Giờ chót, hai vở Trai nhảyHồn ma báo oán cùng đứng tên đạo diễn Trần Ngọc Giàu ở sân khấu kịch Sài Gòn của công ty Phước Sang được rút ra một. Đồng thời, vở Ông bà vú của sân khấu Nụ Cười Mới ban đầu mang tên Trần Ngọc Giàu được thay bằng tên đạo diễn Hữu Lộc, với lý do nhầm tên!

Rốt cuộc, đạo diễn Trần Ngọc Giàu vẫn đúng quy chế với 3 vở trong hội diễn. Nhưng "tình tiết" nhầm tên khá khó hiểu.

Hội diễn cũng có "hạn ngạch" huy chương

Đơn vị nghệ thuật nào tham gia các hội diễn cũng đều muốn kiếm giải thưởng về bày trong phòng truyền thống. Nghệ sĩ dự ngày hội của ngành mình cũng không giấu mục đích cần những tấm huy chương lấp lánh cho đủ bộ sưu tập để cán đích nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân.

Các hội diễn, liên hoan nghệ thuật đã, đang và sẽ là nơi giải quyết nhu cầu (huy chương) chính đáng của người làm nghề. Nhưng trong hội diễn lần này, những đơn vị, cá nhân nào chủ tâm đi nhặt giải sẽ phải thất vọng. Ban tổ chức tuyên bố: huy chương chỉ được trao cho không quá 30% số tác phẩm tham gia.

Cụ thể, chỉ có khoảng 6 tác phẩm trong tổng số 27 vở dự hội diễn là "có vàng". Sự quyết tâm đáng hoan nghênh của ban tổ chức trong việc tránh đổ thêm một mùa mưa huy chương nữa. Tuy nhiên, hội diễn chưa diễn ra, giám khảo chưa xem các vở, lấy gì để nhà tổ chức áp luôn một con số lạnh lùng như thế, trừ khi họ đã đi guốc trong bụng các đơn vị rằng chất lượng nghệ thuật của các anh chị chỉ đến chừng đó? 

Ngàn năm tình sử của sân khấu IDECAF dài quá 120 phút, quy chế phải nới ra, vở mới được tham gia hội diễn. Ảnh: V.Tiến

 

Ông Nguyễn Đăng Chương giải thích: "30% là giới hạn tối đa số lượng huy chương được trao. Nếu chỉ có một vở hay đáng được giải vàng thì ban tổ chức cũng chỉ trao cho một vở, không có chuyện làm cho đủ 30%".

Vì ngại dư luận xì xào rằng "lại mưa huy chương" nên những người tổ chức muốn cho người ta thấy mình đang tin rằng có thể hội diễn sẽ xảy ra trường hợp chỉ có một huy chương vàng được trao, chứ không tin rằng các đơn vị nghệ thuật làm hay đến mức, các nghệ sĩ giỏi đến mức vượt qua được cái "quota" 30% này.

Nhưng 5 năm mới có một mùa hội diễn, đời nghệ thuật của nghệ sĩ thì không dài, ông trưởng ban tổ chức cũng thừa nhận đời sống của anh chị em làm nghề thấp hơn mặt bằng nhiều ngành khác. Nên "vàng" trong đời thực đã chẳng có mà "vàng" trong nghệ thuật cũng không, thì buồn lắm.

Mưa huy chương có thể không có, nhưng giải thưởng được trao chắc chắn sẽ không ít. Bởi có nhiều suy nghĩ rằng hội diễn xét cho cùng là cuộc chơi của người làm nghề cả nước với nhau, hẹp hòi với nhau làm gì. Bởi xin tiền nhà nước tổ chức hội diễn mà chỉ có lèo tèo vài huy chương, thì ban tổ chức biết ăn nói thế nào về chất lượng cuộc chơi?

  • Võ Tiến

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));