221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1236727
Hội diễn không nên chỉ dành cho các "ông" quen
1
Article
null
Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc:
Hội diễn không nên chỉ dành cho các 'ông' quen
,

 - Muốn hướng đến một liên hoan sân khấu có tầm thì tự thân nền sân khấu cần vững mạnh, được khán giả chấp nhận. Mà sân khấu có chất lượng, thu hút khán giả phải bằng tác phẩm, bằng nghệ thuật, bằng sự hấp dẫn, chứ không phải bằng lý thuyết.

Tiếp nối mạch bài về Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2009 diễn ra tại TP.HCM từ 26/9, VietNamNet giới thiệu bài viết thể hiện góc nhìn người trong cuộc của đạo diễn gạo cội NSƯT Trần Minh Ngọc, một trong những nhân vật được nhắm vào danh sách Ban giám khảo.

Sân khấu tư nhân hết phận con ghẻ

Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc lần này, ban tổ chức đã có nhiều ưu ái cho sân khấu xã hội hóa. Đó là việc chọn địa điểm tổ chức hội diễn tại TP.HCM, nơi có đông đảo các đoàn kịch ngoài công lập. Các sân khấu xã hội hóa được hỗ trợ kinh phí tham gia. Họ cũng được ưu tiên biểu diễn bình thường tại sân khấu của mình, bán vé cho khán giả như mọi ngày, không phải tập trung ra Nhà hát Lớn.

Cơ sở đó cho thấy sẽ có một cuộc chơi bình đẳng, không phân biệt sân khấu công lập hay ngoài công lập mà chúng ta quen gọi là tư nhân với nhà nước. Đó là tín hiệu tốt, khích lệ đối với sân khấu nói chung và sân khấu xã hội hóa nói riêng.  

DSCF6467.jpg
Cảnh trong Cánh đồng bất tận, vở chính kịch chất lượng, ăn khách của sân khấu xã hội hóa 5B Võ Văn Tần, sẽ tham gia hội diễn. Ảnh: V.Tiến

 Sân khấu tư nhân mang đến hội diễn nhiều vở tốt, đặc biệt có nhiều vở về đề tài lịch sử như Ngàn năm tình sử (IDECAF), Nỏ thần (Phú Nhuận)... phù hợp với tinh thần của một hội diễn được tổ chức trước thềm đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tất nhiên, sân khấu xã hội hóa không phải vì ngại cái tiếng chỉ toàn làm vở câu khách nên mới mang những vở nghiêm túc, thậm chí "nặng ký" để chứng tỏ chúng tôi không "rẻ tiền". Những vở kịch lịch sử của họ không hề mang tính chất cúng cụ mà là để bán vé. Nghiêm túc nhưng ăn khách.

Nếu không có những ưu ái dành cho sân khấu xã hội hóa, như việc chấp thuận cho những vở dài hơn 120 phút được tham gia, hẳn sự rút lui của họ sẽ làm hội diễn kém vui, sự đa dạng, phong phú sẽ bị hạn chế. Nếu không tổ chức ở TP.HCM, không cho các vở thời lượng hơn hai giờ tham dự, thì chắc hẳn họ sẽ chọn khán giả, chọn doanh thu, chứ không chọn... hội diễn.

Ban tổ chức cho biết, ngoài các đơn vị của TP.HCM vẫn bán vé cho khán giả như bình thường đối với các vở tham gia hội diễn, thì các đơn vị phía Bắc diễn tại Nhà hát TP.HCM cũng sẽ có vé mời dành cho khán giả, ngoài chỗ ngồi cho giám khảo, ban tổ chức và nghệ sĩ các đoàn bạn.

Các sân khấu này đi hội diễn còn vì nghệ sĩ, diễn viên của mình, chứ các ông bà bầu thì có hội diễn hay không họ vẫn sống, vẫn làm nghề. Nghệ sĩ tham gia còn cần huy chương, còn vì sự nghiệp, không dự thì chính họ thiệt thòi chứ không phải các ông bà bầu. Thế nên, dù có khó khăn, dù chưa mạnh như sân khấu Kịch Sài Gòn, họ vẫn dự để nghệ sĩ thi thố.

Đã từng có những thiên kiến rằng sân khấu tư nhân thấp tầm, chạy theo kinh doanh, thậm chí rằng họ chả biết gì về nghệ thuật, diễn viên toàn nghiệp dư!... Khi mô hình này phát triển sôi động, thì những ai từng có suy nghĩ đó đều thấy mình không phải. Sân khấu xã hội hóa không còn bị xem thường, mà đã là một lực lượng, một đội ngũ của sân khấu nước nhà, giúp cho nền kịch nghệ phong phú hơn.

Chẳng biết khán giả có để ý đến hội diễn hay không...

Hội diễn sân khấu cần phải kèm theo tọa đàm để lực lượng sáng tác lẫn nhà quản lý tranh luận tại chỗ, cho người làm nghề được nói, được trình bày, được học hỏi, rút kinh nghiệm lẫn nhau. Các đoàn kịch cũng cần phải đi xem nhau, xem đồng nghiệp diễn, chứ các buổi diễn không phải chỉ để dành cho ban giám khảo.

Tọa đàm trước và sau các buổi diễn như đã từng được thực hiện khá có chất lượng tại Liên hoan sân khấu xã hội hóa năm 2006 tại TP.HCM đã không được áp dụng với lý do, nếu làm, thời gian hội diễn sẽ kéo dài đến khoảng 20 ngày, theo Ban tổ chức là quá dài, không phải nghệ sĩ nào, đoàn nào cũng tham gia được đầy đủ.

Hội diễn phải là nơi để có những trao đổi mang tính học thuật hẳn hoi. Từ đó, cuộc chơi này mới trở nên là lần đúc kết thành quả của 5 năm sau lần hội diễn gần nhất, xem sân khấu đang ở đâu, đã làm được gì và chưa làm được gì.

Nếu làm được như thế thì có khi chẳng cần ban giám khảo. Những người làm nghề, các nhà lý luận phê bình và truyền thông sẽ làm việc đó. Nhưng thực tế hội diễn vẫn chỉ chủ yếu là người trong nghề với nhau, chẳng biết khán giả có quan tâm, để ý đến hay không.

Lẽ ra 27 vở tại hội diễn phải là của 27 đạo diễn khác nhau, của những tên tuổi ăn khách lẫn những người vừa mới ra trường. Hội diễn khi đó sẽ khác hẳn. Nhưng ước mơ là vậy, còn thực tế thì quá khó. Khoảng cách thế hệ, không chỉ trong nghệ thuật mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, có những khoảng trống chưa được lấp đầy.

Thế hệ hôm nay không được chuẩn bị để đón nhận, kế thừa những điều mà thế hệ trước tạo nên. Nhưng thế hệ đi trước cũng cần phải tự trách mình, khi không đào tạo, bồi dưỡng, nhường nhịn cho lớp trẻ. Hội diễn chỉ có một số "ông" quen mặt thế này thì không thể gọi là "hội diễn" đúng nghĩa được. Những tồn tại cần phải được thay đổi. Nhưng chúng ta thay đổi quá chậm.

Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, sân khấu muốn hòa nhập tốt thì nội lực phải mạnh. Muốn có nội lực mạnh thì dân tộc tính trong sân khấu phải vững. Sân khấu phải ra chất Việt Nam, chứ không thể làm kiểu Pháp, kiểu Mỹ được. Hội nhập là phải hướng nội, chứ không phải hướng ngoại, tức là "tôi phải mạnh" cái đã.

Muốn hướng đến một liên hoan sân khấu có tầm thì tự thân nền sân khấu cần vững mạnh, được khán giả chấp nhận. Không thể làm gì khi không có khán giả. Mà sân khấu có chất lượng, thu hút khán giả phải bằng tác phẩm, bằng nghệ thuật, bằng sự hấp dẫn, chứ không phải bằng lý thuyết.

  • NSƯT Trần Minh Ngọc

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,