221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1236897
Có hội diễn hay không, chúng tôi vẫn sống!
0
Article
null
Có hội diễn hay không, chúng tôi vẫn sống!
,

 - Các sân khấu tư nhân ở TP.HCM khẳng định họ tham gia Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 để nhà quản lý có cái nhìn rõ hơn về một sân khấu sống được, đáp ứng nhu cầu khán giả, chứ không phải để tìm huy chương.  Có hội diễn có hay không thì họ vẫn sống!

Chiếc áo không làm nên thầy tu

Các đơn vị tư nhân thường không mặn mà với các hội diễn sân khấu, lần này lúc đầu cũng vậy, nhưng điều gì đã làm các anh/chị sau đó nhiệt tình tham gia?

Nghệ sĩ Phước Sang (trưởng đoàn Kịch Sài Gòn): - Hội diễn tổ chức tại TP.HCM chứ nếu ở nơi khác, chúng tôi rất khó tham gia vì còn phải phụ thuộc vào lịch diễn của diễn viên. Chuyện di chuyển, thời gian hội diễn kéo dài cũng khó có thể điều động hết lực lượng tham gia từ đầu đến cuối một cách suôn sẻ.

Cảnh trong vở Mẹ và người tình của sân khấu kịch Phú Nhuận tham gia hội diễn

Ông Huỳnh Anh Tuấn (trưởng đoàn Kịch IDECAF): - Có hay không có hội diễn thì sân khấu tư nhân chúng tôi vẫn làm việc không ngừng, xây dựng những vở hướng tới khán giả của mình. Vì họ là những người nuôi sống niềm đam mê của chúng tôi, chúng tôi phải đem sức lực ra phục vụ họ. Hội diễn chưa thật sự tạo sự phấn khích để chúng tôi tham gia vì tính chất thi thố của nó, chẳng hạn như ràng buộc về thời lượng, chủ đề... và những dư luận không hay trước thềm hội diễn. Tuy nhiên, hội diễn vẫn là ngày vui cho những người hoạt động trong ngành. Đây là cơ hội để chúng tôi có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm là chính chứ thi thố thì thật chưa mặn mà.

NSƯT Hồng Vân (trưởng đoàn Kịch Phú Nhuận): - Không hẳn là không mặn mà! Là đơn vị tư nhân, chúng tôi tham gia hội diễn không vì mục đích đạt huy chương. Cái chính là chúng tôi muốn các bạn diễn viên trẻ có cơ hội tham gia môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, để các bạn có cơ hội thể nghiệm xem mình có thích ứng với môi trường đó không. Đồng thời, thông qua hội diễn, chúng tôi muốn để mọi người hiểu đời sống của chúng tôi hơn.

Vậy tham gia hội diễn mới khẳng định tính chuyên nghiệp?

Các đơn vị sân khấu xã hội hóa tại hội diễn gồm: Công ty TNHH sân khấu nghệ thuật Thái Dương (Kịch IDECAF), Công ty cổ phần sân khấu điện ảnh Vân Tuấn (Kịch Phú Nhuận), Công ty cổ phần đầu tư giải trí Phước Sang (Kịch Sài Gòn), Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Công ty TNHH Nụ Cười Mới, Công ty cổ phần dịch vụ thông tin quảng cáo Sài Gòn phẳng, Kịch Đại Đồng - Trung tâm văn hóa Quận 3, TP.HCM và đơn vị xã hội hóa duy nhất của phía Bắc, Hội nghệ thuật nhân đạo thành phố Hà Nội.

NSƯT Hồng Vân: - Thông thường, người ta vẫn nhìn nhận, coi trọng sự đánh giá từ dân trong nghề, người có nghề. Thực tế hiện nay, nhiều người vẫn chưa coi sân khấu tư nhân là sân khấu chuyên nghiệp. Hội diễn là cơ hội để chúng tôi khẳng định mình một cách danh chính ngôn thuận.

Nghệ sĩ Phước Sang: - Chúng tôi tham gia hội diễn không phải để khẳng định vị trí hay thương hiệu gì cả. Chiếc áo không làm nên thầy tu. Chúng tôi dựng bất kỳ vở diễn nào cũng hướng tới "thượng đế" dựa trên những tôn chỉ, quy định luật pháp, giống như người bán hàng mang tới sự ngọn miệng cho thực khách nhưng phải đảm bảo an toàn thực phẩm vậy. Dựng kịch mà không bán được vé thì chỉ còn nước dẹp tiệm. Môi trường chuyên nghiệp hay không theo tôi còn tính tới chuyện sân khấu đó có thể tồn tại được hay không.

Ông Huỳnh Anh Tuấn: - Việc tổ chức hội diễn tại TP.HCM, nghĩa là người ta đã công nhận vị thế của làng kịch TP.HCM. Tôi chưa nói tới tính chuyên nghiệp mà chỉ nói về môi trường hoạt động, rõ ràng, sân khấu kịch TP.HCM sôi động thì hội diễn mới được làm ra trò.

Có phải vì thế mà Ban tổ chức đã dành nhiều ưu ái cho các đơn vị sân khấu của TP.HCM, trong đó đa số là những đơn vị xã hội hóa như đoàn các anh chị?

Nghệ sĩ Phước Sang: - Quy chế được nới lỏng tạo điều kiện cho các đơn vị trong làng kịch tham gia nhiều hơn. Nghệ thuật thì muôn hình vạn trạng, cứ quy định rập khuôn thì hơi khó cho các đơn vị.

NSƯT Hồng Vân: - Có lẽ vì hội diễn lần đầu diễn ra tại TP.HCM, nên sân khấu phía Nam được ưu ái hơn. Quy chế có uyển chuyển, tạo thuận lợi hơn cho tất cả các đơn vị tham gia. Theo tôi, việc nới rộng các tiêu chí là một bước để hội diễn và khán giả gần nhau hơn, tạo sự đồng cảm giữa người cầm cân và công chúng.

Ông Huỳnh Anh Tuấn: - Cứ nghĩ một cách thông thường, rằng nghệ thuật mà bị gò bó thì làm sao có thể đạt hiệu quả cao nhất. Sáng tạo nghệ thuật bị ức chế sẽ sinh ra sản phẩm không chất lượng vì chạy đua theo quy định. Vẫn có thể có vở kịch chỉ diễn ra trong 30 phút nhưng cũng có vở dài 180 phút. Hội diễn có "mềm" hơn nhưng vẫn còn vài chỗ chưa thỏa đáng.

Sự tạm bợ của sân khấu sẽ hiện ra từ hội diễn

Các đơn vị sân khấu ngoài công lập nói tham gia không vì thành tích. Vậy sân khấu các anh chị đến với hội diễn còn có mục tiêu nào khác chăng?

Ông Huỳnh Anh Tuấn: - Huy chương, danh hiệu không phải là mục đích của chúng tôi lần này. Cái chúng tôi muốn là cùng chung tay tạo nên không khí mới, cởi mở và toàn diện hơn, thúc đẩy nền kịch nghệ Việt Nam tốt hơn lên. 

IMG_6947.jpg
Cảnh trong Hồn ma báo oán, vở được rút ra để vở Trai nhảy cũng của Sân khấu Kịch Sài Gòn ở lại hội diễn

Nghệ sĩ Phước Sang: - Chúng tôi muốn tìm tiếng nói chung cho làng kịch Việt Nam. Nếu anh bảo anh chuyên nghiệp rồi đưa ra những tuyên ngôn rỗng, hô hào thành công thì chưa đúng. Đây cũng là cơ hội để những vị đầu ngành thấy tính chất tạm bợ hiện tại của làng kịch nói chung và hoạt động văn hóa nói riêng. Dẫn chứng cụ thể là chưa có sân khấu chuyên biệt nào cho kịch. Mỗi ngày, sân khấu chúng tôi phải liệu cơm, gắp mắm để tìm chỗ cho vở diễn, chưa biết ngày mai có còn tồn tại hay diễn được không.

Chúng tôi muốn góp một tiếng nói nhằm định vị và định hướng lại nghề. Một khu quy hoạch dành riêng cho hoạt động văn hóa, tại sao không? Chúng ta đã có khu công nghiệp, khu du lịch, còn văn hóa sao không thể? Có an cư mới lạc nghiệp, chứ như hiện nay, sân khấu kịch vẫn còn bộc lộ sự tạm bợ, chưa thể đạt tới tầm chuyên nghiệp.

NSƯT Hồng Vân: - Như đã khẳng định ngay từ đầu, chúng tôi mang đến hội diễn những vở có tính giải trí thẩm mỹ và vấn đề xã hội, được khán giả quan tâm, chứ không dựng vở chỉ để dự hội. Hầu hết các diễn viên trẻ của sân khấu chúng tôi đều được tham gia. Đây là cơ hội để các bạn thể hiện và khẳng định mình trên con đường làm nghề.

Là người trong cuộc, trước ngày hội hai miền của ngành sân khấu, anh chị nghĩ gì về quan niệm tồn tại lâu nay rằng kịch miền Nam nặng tính giải trí, hời hợt, kịch miền Bắc triết lý, khô khan?

Nghệ sĩ Phước Sang: - Tôi nghĩ để đánh giá chính xác, chúng ta nên dựa vào đặc điểm, tính chất của văn hóa vùng miền. Mỗi nơi có một gu riêng. Giống như thức ăn, mỗi vùng miền có cách nêm gia vị, chế biến khác nhau thì người làm nghề chúng tôi cũng vậy, phải biết cách pha chế liều lượng sao cho hợp khẩu vị khán giả mà chúng tôi đang phục vụ.

NSƯT Hồng Vân: - Hội diễn là nơi để sân khấu Bắc - Nam hiểu nhau hơn, khi đó mới có những nhận định chính xác. Đó mới là điều quan trọng chứ không phải chuyện thi thố tài năng theo kiểu ai hay hơn ai. Tôi nghĩ hội diễn lần này sẽ giúp kịch nói hai miền gắn bó với nhau hơn để đi đến những định hướng chung cho cả nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Ông Huỳnh Anh Tuấn: - Điều này khó nói lắm. Tôi nhìn nhận: sân khấu nào thì khán giả đó. Mỗi khán giả bản thân họ đã tự chọn sân khấu phù hợp với gu của mình. Tuy nhiên, sẽ có những nhận định như vậy, nếu chúng ta dựng kịch bản kiểu "lấy quan làm gốc". Sân khấu tại TP.HCM chủ yếu lấy khán giả làm gốc cho hoạt động của mình. Có lẽ vì vậy mà hoạt động kịch TP.HCM thời gian gần đây có nhiều khởi sắc hơn chăng?

  • Lê Tám thực hiện

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,