- Niềm say mê đặc biệt với Hà Nội đã giúp Philippe Chaplain, Chủ tịch Liên đoàn Di sản Quốc gia Pháp, sưu tầm được những bức ảnh vô cùng độc đáo về Hà Nội xưa trong triển lãm Hà Nội trong tôi từ 8 đến 11-10.
Xem triển lãm Hà Nội trong tôi, nhiều người ngỡ ngàng, thậm chí có khán giả “nghi ngờ” khi xem bức ảnh Người bán tào phớ rong: “Có đúng đây là người thủ đô xưa, sao giống người Trung Quốc thế?”.
Song, có lẽ những bức ảnh đen trắng mà phần lớn đã mờ còn gợi lên nhiều câu hỏi hơn nữa về một Hà Nội xưa, Hà Nội trong trái tim của một người Pháp.
Cô gái bán trầu
Bức ảnh Nữ công nhân nhà máy thuốc lá với các cô gái tay cầm rổ, vai mang quang gánh chứa những cành cây thuốc lá còn tươi và bức ảnh Người bán thuốc lá chụp một thiếu nữ răng đen, áo yếm vừa cười vừa hút thuốc, mang đến cho người xem hình ảnh khác lạ về phụ nữ thời xưa. Không chỉ thuốc lá, phụ nữ xưa còn có sở thích nhai trầu và họ ăn trầu với một tâm trạng, tư thế rất thoái mái mà không mất đi phần nữ tính.
Người bán tào phớ rong
Hà Nội xưa còn có gánh hát xẩm ngồi ưu tư bên ngôi nhà lá, những người xe tơ mang vẻ u buồn, người thợ xẻ đứng chon von trên cây gỗ to, một bà già và đứa con nít chỉ mặc độc chiếc áo xộc xệch tranh thủ ngồi nghỉ cạnh bờ ao bên đôi quang gánh còn la liệt hàng hoá, có thầy giáo dạy học trò đứa ngồi, đứa nằm trên chiếc phản giữa sân. Hà Nội xưa với phố Phạm Ngũ Lão chỉ có những mái nhà lợp gianh và hàng cây trơ trụi lá, đường Trần Nhật Duật khi ấy là khu chợ bán toàn tre. Thế nhưng ở bức ảnh này phố Lò Sũ trông hoang sơ, vắng vẻ, ở tác phẩm khác con phố này thật tập nập, người đông chẳng khác gì Hà Nội của những năm 2000.
Cầu Long Biên
Rất nhiều thứ của Hà Nội xưa nay đã thay đổi hoàn toàn như quang cảnh họp chợ, các phương tiện giao thông, phố xá. Song dù trải qua nhiều biến động lịch sử, vẫn còn đó cây cầu Long Biên, những mái nhà cổ… mà ta bắt gặp trong cuộc sống hiện tại. Có tác phẩm không rõ tên người chụp. Nhiều bức ảnh vẫn còn nguyên dấu con tem mang tên Indochina, chứng tỏ chúng đã đi khắp nơi và giờ đây lại quay trở về nơi chúng được sinh ra.
Philippe Chaplain sinh năm 1956, Chủ tịch Liên đoàn Di sản Quốc gia Pháp, là người có nhiều cống hiến cho những công trình nghiên cứu lịch sử. Sau nhiều lần đến Việt Nam, ông đã sưu tầm được nhiều tấm ảnh có giá trị cùng những hiểu biết về mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Chaplain thổ lộ, ông mong muốn những tấm ảnh đen trắng này sẽ giúp cho người Hà Nội hiểu hơn về quá khứ và cùng nhau hướng đến tương lai.
- Thu Huyền