221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1242642
“Hát nhép, hát đớp” kỹ thuật hay tệ nạn?
0
Article
null
“Hát nhép, hát đớp” kỹ thuật hay tệ nạn?
,

 

- Vừa qua, nhóm CREDO đã có 2 buổi diễn ra mắt trong đêm nhạc "Màu tình yêu” vào ngày 18 và 19/9/2009. Có một số dư luận cho là trong chương trình này nhóm đã "hát nhép" một số bài. Thạc sĩ Nguyễn Bách, người phụ trách chương trình có gửi lời trần tình đến VietNamNet. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng bài viết của ông.
 

Mô tả ảnh.
Đêm nhạc "Màu tình yêu"


Khi trả lời báo chí sau đêm diễn, chúng tôi đã nói công khai về 2 tiết mục: Hallelujah Tình Ca Cho Thế Giới Mới là “CREDO hát live 100% trên phần back vocal của Hợp xướng Suối Việt. Và phần back vocal này được thu trước với âm lượng 50% để đảm bảo cho việc Hợp xướng Suối Việt không hát trên sân khấu mà hát từ trong khu vực khán giả đến cuối phòng hòa nhạc của Nhạc viện”.

Đây là một kiểu phối hợp của kỹ thuật playbackdubbing. Tiếc rằng sự việc “trả lời công khai” của chúng tôi đã được hiểu thành “tự thú trước bình minh” hay “tự thừa nhận” hai kỹ thuật mà chúng tôi áp dụng là “dùng đĩa thu sẵn giọng hát để thay thế cho giọng hát thật khi biểu diễn trên sân khấu”.

Trong nhiều năm gần đây, chúng ta thường đọc, nghe trên báo, đài những cụm từ: “hát nhép” (thường được dùng tương đương với thuật ngữ lip-sync), “hát playback”, “hát đớp” (lip dub, dubbing sing).

 

Mô tả ảnh.


Theo thuật ngữ âm thanh và phòng thu thì Lip-sync (Lip-synch, viết tắt của “lip synchronization”) là “một kỹ thuật làm cho chuyển động của môi khớp với âm thanh của giọng được phát ra từ một nguồn âm khác”. Kỹ thuật này được sử dụng trong các buổi trình diễn trong sản xuất phim, video và các chương trình truyền hình. Nó được coi như là một ngành học về sự đồng bộ hóa (synchronization) những tín hiệu âm thanh, hình ảnh trong công việc hậu kỳ (post-production) và truyền tải (transmission).

Trong trường hợp những buổi biểu diễn “sống” (live) việc hát lip-sync thường đưa đến nhiều tranh cãi mặc dù trong nhiều tình huống, theo quan điểm của nhà sản xuất, người biểu diễn cần phải lip-sync sao cho “ăn khớp” với chính giọng hát của mình để đảm bảo chất lượng phát hình.

Ở kỹ thuật làm video ca nhạc có kiểu kết hợp giữa hát lip-sync với chồng tiếng lên một phần thu âm từ trước, gọi là dubbing (chúng ta quen gọi là “hát đớp”). Khi đó, người ta quay phim một người hay một nhóm người đang lip-sync trong khi vừa nghe một ca khúc được phát ra từ một máy khác, rồi thu âm thanh này vào đường tiếng (audio track) của phim video. Hoặc, người biểu diễn vẫn hát thật trên sân khấu để chồng thêm vào phần phát ra từ bản thu sẵn giọng hát của chính mình để tạo một hiệu quả nào đó.

Năm 1991, tại Super Bowl, Whitney Houston đã hát quốc ca Mỹ với một giọng hát thật khỏe, bao trùm cả tòa nhà. Chắc chắn giọng của cô không thể mạnh mẽ đến như vậy. Người ta đã sử dụng kỹ thuật chồng giọng hát live của cô (đã được vặn bớt xuống) với giọng đã được thu âm trước trong phòng thu (đã được nâng lên). Kỹ thuật dubbing làm mọi người nghĩ rằng cô đang hát thật một cách xuất sắc. Chẳng người Mỹ nào phàn nàn rằng cô “hát nhép”, hay “đánh lừa khán giả” cả. Họ xem đó như là một nghệ thuật biểu diễn (performing art).

Nếu người nghệ sĩ khí nhạc “đàn hay thổi theo” một bản thu âm từ trước (do chính người đó thực hiện trong phòng thu) thì người ta gọi đó là kỹ thuật miming (tương đương lip-sync trong thanh nhạc). Trong ngày lễ nhậm chức của đương kim TT Mỹ Barack Obama, một tác phẩm khí nhạc thú vị của nhà soạn nhạc đương đại lừng danh John Williams đã được thu âm trước đó 2 ngày. Và trong buổi lễ, nó được miming bởi 2 nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Yo-Yo Ma (cello) và Itzhak Perlman.

Như vậy, nếu đã gọi là hát lip-sync thì không thể đơn giản quy thành “tội” “dùng phương tiện kỹ thuật hiện đại để thay thế giọng hát thật của mình”.
 

Mô tả ảnh.

 

Trong biểu diễn cũng có người hát “thật” phần chính của một ca khúc trên nền phần nhạc đệm hoặc nhạc đệm với phần hát bè (back vocal) thu sẵn. Cách hát này gọi là hát playback (hát trên nền nhạc được phát lại). Trong điện ảnh, ca sĩ hát playback (một ca khúc) thường không xuất hiện trên phim mà thay bằng một diễn viên hát lip-sync để ghi hình.

Cụm từ “hát nhép” là cách gọi tắt của “hát lép nhép”. Nó không phù hợp để diễn tả thuật ngữ “lip-sync” hay “playback”. Và, chúng ta cần hiểu đúng về “hát nhép” (cái mà chúng ta đang chống), đó là kiểu trình diễn “không hát gì hết mà chỉ nhép miệng theo nguồn âm được phát ra từ một đĩa hay băng nhạc thu sẵn” hoặc tệ hơn nữa, là “chuyển động môi trên một nền nhạc thu sẵn giọng hát của người khác”.

Chương 1, Điều 3, mục 4 của “Quy chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp” của Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) ban hành ngày 2/7/2004 có quy định “nghiêm cấm dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật của mình” và thường được hiểu như là “luật chống hát nhép”, rồi lại được nhiều người “khúc xạ” thành chống hát lip-sync và luôn cả chống hát playback. Như vậy, chỉ vì hiểu một cách không rõ ràng “thế nào là hát nhép”, người ta lại chống luôn cả những cái mà thế giới coi như là kỹ thuật hay nghệ thuật biểu diễn sao?

Sau hơn 10 năm vắng bóng, trong show diễn tái hợp tại show thời trang Victoria’s Secret ở Los Angeles, nhóm Spice Girls đã hát lip-sync và bản thu âm được thực hiện ngay tại nhà hát Kodak (nơi diễn ra lễ trao giải Oscar).

Thế còn các ca sĩ trong nước có coi hát lip sync là một kỹ thuật không hay chỉ đơn thuần là một tệ nạn? Để trả lời, chúng tôi xin phép trích một số thông tin thu lượm được trên các báo mạng: Ca sĩ Hiền Thục cho biết: “Tuy không phải là lời đề nghị trực tiếp, nhưng trong những chương trình ca nhạc lớn, có truyền hình, chúng tôi được gợi ý về việc sử dụng những bài hát đã thu sẵn để đảm bảo chất lượng âm thanh, đường truyền”.

Còn Hồ Quỳnh Hương, người thường kết hợp ca hát với vũ đạo trên sân khấu, khẳng định có nhiều chương trình truyền hình buộc ca sĩ phải hát nhép (đây là nguyên văn, theo chúng tôi nên gọi là hát lip sync) để đảm bảo không có gì sơ xuất xảy ra cho hàng triệu khán giả xem truyền hình.

Cũng theo Hồ Quỳnh Hương, trong một show dài, ca sĩ thường phải lồng vào chương trình của mình 1, 2 ca khúc hát lip sync nhằm đảm bảo độ chính xác và chuẩn cho những ca khúc đòi hỏi ca sĩ phải có vũ đạo đẹp.

Để thay lời kết, chúng tôi muốn nói rằng, diễn đàn của nghệ sĩ là sân khấu, chúng tôi sẽ tiếp tục nói trên chính diễn đàn của mình và theo cách của mình.

Tp. HCM, ngày 22/10/2009

  • Th.s. Nguyễn Bách



 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,