221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1240625
Hết hội diễn, thêm nhiều trăn trở
0
Article
null
Hậu LHSK kịch toàn quốc:
Hết hội diễn, thêm nhiều trăn trở
,

- Nghệ sĩ Hồng Vân và đạo diễn Đức Thịnh không ngại bộc bạch, những tấm huy chương ấy cũng chỉ có giá trị với cá nhân nghệ sĩ chứ chưa phải là một thương hiệu để hút khách.

Nghệ thuật kịch không chỉ là giải trí

Mô tả ảnh.
NSND Hoàng Dũng
Không quá bức xúc như Thành Lộc song khá nhiều nghệ sĩ thất vọng trước ngày hội được mong chờ suốt 5 năm. NSND Hoàng Dũng, giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cho biết, kết quả của giải thưởng khiến rất nhiều người không vui vì nó thể hiện sự không hợp lý. “Với cơ chế chấm giải như vậy chúng ta đang đáng giá thấp sân khấu bởi nghệ thuật kịch không đơn thuần chỉ là giải trí”.

Nghệ sĩ Đào Quang, giám đốc Đoàn kịch Nam Định giải thích, hội diễn năm nay xuất hiện nhiều dòng kịch: chính kịch, kịch lịch sử, tâm lý, giải trí…Vì thế, Ban giám khảo nên trao phần thưởng theo từng dòng kịch, chứ không thể chấm chung chính kịch với hài kịch, kịch lịch sử với kịch tâm lý. Đấy là chưa kể, những đoàn lớn sẵn sàng đầu tư tiền tỉ để dàn dựng công phu, hấp dẫn về mặt hình thức trong khi các đoàn nhỏ kinh phí chỉ có vài trăm triệu, chất lượng chênh lệch nhau là điều dễ hiểu.

Ông Đào Quang nhận xét thêm, cách thức tổ chức hội diễn như hiện nay hao tiền tốn của nhiều mà không thấy rõ hiệu quả. Chưa kể tiền dựng vở dự thi, các đơn vị phía Bắc phải mất vài trăm triệu để vào Nam dự thi, nhưng chỉ vài ngày đua tài đã vội chia tay. Đoàn nào được giải thì vui, không đoạt giải thì lầm lì, buồn bã. Cái buồn nhất là họ đã không có dịp để biểu diễn phục vụ đông đảo khán giả phía Nam.

“Hội diễn không mang ý nghĩa phục vụ công chúng, vì công chúng”, ông Quang nói. Ông cũng tiết lộ, sau khi dự hội, đoàn kịch Nam Định không về ngay mà tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả TP.HCM liên tục 27 buổi.

Cùng chung cảm giác tiếc nuối, nghệ sĩ Hồng Vân cho rằng, Hội diễn mang tính quốc gia của toàn ngành song không được quảng bá rộng rãi nên quá lặng lẽ, âm thầm và không mấy khán giả biết tới, thật là một sự lãng phí. Đêm trao giải cũng hết sức bình thường chứ không phải là sự tôn vinh những nghệ sĩ có đóng góp cho nghệ thuật sân khấu, vì thế mất đi sự thiêng liêng của những tấm huy chương.

Nghệ thuật không chỉ phục vụ người có tiền

Theo ông Quang, sân khấu cần một quy hoạch tổng thể mang đặc trưng vùng miền. Không thể so sánh đời sống sân khấu TP.HCM với một đơn vị địa phương bởi dân số khác, thu nhập bình quân đầu người cũng chênh lệnh rõ ràng. TP.HCM có thể bán 200 ngàn 1 vé xem kịch, khán giả vẫn mua nhưng ở Nam Định chỉ 40 ngàn khán giả đã kêu đắt. “Làm nghệ thuật để phục vụ số đông dân chúng chứ đâu chỉ những người có tiền”, giám đốc đoàn kịch Nam Định cho biết.

Ông Quang cũng nhận định, những đơn vị ở Hà Nội có đủ điều kiện để tiến hành xã hội hoá song vẫn được bao cấp, thậm chí nhiều hơn cả các đoàn địa phương. Ý kiến của nghệ sĩ Đào Quang cũng có lý, biết đâu, khi xã hội hoá, sân khấu Hà Nội sẽ năng động hơn, tiến bộ hơn.

Mô tả ảnh.
"Bà bầu" Hồng Vân
Trong khi đó, bà bầu Hồng Vân cho rằng, hiện nay các sân khấu tư nhân tại TP.HCM đang làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn và phải tiết kiệm ở tối thiểu tiền thuê rạp.

Ví như khi dàn dựng vở Nỏ thần vì không có sân khấu nên trong tháng đầu tiên gần 50 nghệ sĩ, diễn viên phải tập luyện trong văn phòng của công ty rộng khoảng 25m2. Đến khi có cảnh trí rồi mới được ra rạp, song cũng toàn phải tập vào ban đêm vì ban ngày không có rạp trống. Giờ đây, nghĩ lại quãng thời gian tập luyện Nỏ thần, các diễn viên mới thấy thật kinh khủng.

Nữ nghệ sĩ gợi ý: “Tôi biết nhiều rạp của nhà nước đang bỏ trống. Nên chăng nhà nước điểm mặt chỉ tên những đơn vị sân khấu tư nhân xuất sắc, giao rạp và trách nhiệm dàn dựng những vở diễn chất lượng cao, hướng khán giả đến tầng thẩm mỹ cao hơn”.

Theo chị hiện tại, cơ sở vật chất tại các sàn diễn sân khấu nghèo hơn ý tưởng rất nhiều, mà cái này vượt quá khả năng của các ông bà bầu vốn phải tiết kiệm rất nhiều mới có thể để sân khấu sáng đèn.

“Qua hội diễn, sân khấu tư nhân đã khẳng định được đẳng cấp của mình nhưng mới chỉ nhận được sự động viên về mặt tinh thần. Chúng tôi cần sự động viên cụ thể hơn để nhân mạnh niềm khát khao hoạt động sân khấu”, Hồng Vân chia sẻ.

Còn theo nghệ sĩ Hoàng Dũng, nếu thấy cần, một đơn vị nhà nước vẫn có thể chuyển sang hoạt động xã hội hóa. “Tuy nhiên dù hoạt động với hình thức nào, thì sân khấu vẫn cần khẳng định được tính “chuyên nghiệp” của mình”, anh phát biểu.

 

Nghệ sĩ Thành Lộc không mấy hứng thú khi nhắc chuyện hội diễn. Anh bộc bạch, đã có quá nhiều chuyện không tử tế xảy ra ở ngày hội của ngành sân khấu và mọi ý kiến đưa ra đều không đi đến đâu. “Với cách làm này, sân khấu sẽ chẳng thể phát triển được. Giờ đây, tôi chỉ biết quay về với khán giả của mình, mọi chuyện xin miễn bình luận”, Thành Lộc thẳng thắn.

  • Thu Huyền


 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,