- Được coi là loại hình nghệ thuật kén khán giả, thậm chí bị “coi thường” là đồ trang trí, minh hoạ trên các sân khấu ca nhạc, múa đang muốn khẳng định vị trí của mình trong dòng chảy hiện đại với những tìm tòi, thử nghiệm mới.
“Liều” với ngôn ngữ mới
Mới đây, Nguyễn Tuyết Minh, biên đạo múa thuộc thế hệ 8x tạo được ấn tượng đẹp khi trình làng vở kịch múa Chiến thắng mùa hoa đào tái hiện câu chuyện của hoàng đế Quang Trung. Đề tài lịch sử quả thực là một thách thức với ngôn ngữ cơ thể, song theo giải thích của Tuyết Minh: “đã đến lúc múa phải “xông” vào những đề tài khó”.
Cảnh trong vở múa "Chiến thắng mùa hoa đào"
Chiến thắng mùa hoa đào là một trong những vở kịch múa lịch sử hiếm hoi được thực hiện quy mô với sự góp mặt của hơn 70 diễn viên. Khi ra mắt, tác phẩm nhận được sự phản hồi khá tích cực từ những người ngoại đạo bởi cách thể hiện dễ hiểu. “Chúng tôi không “đánh đố” khán giả mà muốn mang đến cho họ một tác phẩm gần gũi. Đôi khi người làm nghề cứ mải tìm kiếm những ý tưởng xa lạ mà quên mất những gì rất thân quen”, Tuyết Minh cho biết.
Ở vở kịch múa này, tác giả đã sử dụng ngôn ngữ múa dân tộc kết hợp với động tác múa của sân khấu tuồng truyền thống. Tuy nhiên, sự tinh tuý của nghệ thuật tuồng không bị “copy” một cách cứng nhắc mà có chọn lọc, tức chỉ chớp lấy cái thần như cái ngoắc mặt, phẩy tay.
Tuyết Minh cũng cho rằng, nếu chỉ sử dụng múa dân tộc và múa tuồng thì vở diễn sẽ có nhiều hạn chế. Vì thế, động tác của cơ thể phải kết hợp với ngôn ngữ, kỹ thuật múa nước ngoài, cụ thể là ballet để thể hiện tính hiện đại. “Khán giả ngoại thích xem múa dân gian Việt Nam, song nếu chỉ dân gian thôi thì khán giả Việt lại không thích”.
Không những thế, trong Chiến thắng mùa hoa đào còn có cảnh “múa roi đi quyền” của những thiếu nữ xinh đẹp. Dùng ngôn ngữ múa để thể hiện động tác võ thuật không phải đơn giản nhưng tác giả đã thành công khi làm nên một tổng thể hài hoà.
Trước đó, vào năm 2004, Tuyết Minh đã sáng tác vở múa đương đại đầu tiên Quan Âm Thị Kính- một tích truyện nổi tiếng của sân khấu chèo, với các động tác của múa dân gian.
Cao Đức Toàn, hiện là diễn viên Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, giải nhất cuộc thi tài năng sân khấu trẻ cũng từng “liều” thử nghiệm pha trộn giữa ballet cổ điển, múa hiện đại và dân tộc trong kịch Hồn tre.
Ý tưởng của cậu diễn viên trẻ ôm ấp ước mơ trở thành biên đạo là sáng tác vở kịch múa lấy cảm hứng từ cây tre tượng trưng cho sự bền bỉ, dẻo dai và tinh thần đoàn kết vượt lên mọi khó khăn. Lúc đầu, Toàn dự định xây dựng Hồn tre dài từ 20 đến 30 phút với nhiều phân đoạn riêng lẻ để khi trình diễn trên sân khấu lớn có thể linh hoạt lắp ghép được. Tiếc là, Đức Toàn chưa thể thực hiện được cấu trúc này mà chỉ có thể dựng một bài múa ngắn, tuy nhiên kiểu thử nghiệm “3 trong 1” vẫn có hiệu quả tốt.
Mới đây, trong hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, mọi người đều bất ngờ trước tác phẩm Nguồn sáng của biên đạo múa Anh Phương - Hồng Phong (Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam) bởi sự kết hợp hiệu quả giữa múa hiện đại Việt Nam và ballet thế giới. Thực ra, đây là một sự “làm mới” bởi năm 2004, Nguồn sáng được khai sinh với đặc trưng hoàn toàn của múa Việt Nam hiện đại nhưng không tạo ấn tượng đặc biệt. 5 năm sau, các nhà biên kịch quyết thử nghiệm với những đôi giày múa cứng của nghệ thuật ballet. Những động tác kỹ thuật của múa cổ điển châu Âu thực sự làm tác phẩm của người Việt bay bổng và hiệu quả hơn.
Ấn tượng nhưng dễ “bắt lỗi”
Theo NSND Quốc Cường, nguyên hiệu trưởng trường Cao đẳng múa Việt Nam, 5 năm trước, tác phẩm múa trong nước đã bộc lộ những yếu tố tử nghiệm bằng cách đan xen nhiều cách thể hiện. Đó là do các nghệ sĩ trẻ được đi nhiều, học hỏi nhiều từ các bạn bè quốc tế, không chỉ biết múa dân gian mà còn có thể múa ballet, hiện đại, múa tính cách… Khi vào nghề, bằng cách vận dụng vốn kiến thức đa dạng ấy, họ dễ dàng tìm ra cách thể hiện mới mang cá tính riêng cho dù có người không thích bởi nó hơi khác so với cách biểu đạt truyền thống.
Hơn nữa, múa hiện đại du nhập vào Việt Nam chưa lâu, vì thế chưa có độ dày, trong khi múa dân gian lại dễ tạo cảm giác nhờ nhờ, đều đều. “Sử dụng ngôn ngữ tổng hợp khiến các biên đạo múa trẻ bộc lộ được sức sống mới, cũng như tâm tư tình cảm của con người hiện đại trong những tác phẩm mang tính thời sự”, NSND Quốc Cường nhận xét.
Tuy chưa thực sự tạo thành một làn sóng, song các tác phẩm múa sử dụng ngôn ngữ đa dạng xuất hiện ngày càng nhiều và trở nên quen thuộc với khán giả Việt Nam. Ông Cường tiết lộ: “Ngồi ở vị trí Ban giám khảo, tôi thấy hai lần hội diễn gần đây, số lượng tác phẩm theo phong cách mới này tăng đáng kể. Không chỉ Hà Nội, TP HCM, các tỉnh như Quảng Ninh, Tây Bắc cũng đã bắt đầu thử nghiệm và người xem đã dần chấp nhận sự trộn lẫn này”.
NSND Thái Phiên, trưởng ban Lý luận, Hội nghệ sĩ múa Việt Nam cho biết, các biên đạo múa đã tạo hiệu quả rõ rệt cho nghệ thuật múa Việt Nam bởi chuyên sâu về ballet thì chúng ta chưa là gì so với thế giới, trong khi múa truyền thống Việt Nam chỉ quanh quẩn với mấy trò như nón quai thao, hoa sen… dễ gây nhàm chán.
“Tôi từng xem vở múa Huyền thoại thiếu lâm của Trung Quốc, tác phẩm kết hợp sự mềm mại của múa và mạnh mẽ của võ thuật tuyệt hay mà vẫn thể hiện được đặc trưng của thể loại múa. Thế nhưng, một số tác phẩm của Việt Nam vẫn còn sống sượng. Dù vở diễn dùng nhiều ngôn ngữ múa song vẫn phải có một cách thể hiện xuyên suốt, đằng này nhiều vở sử dụng lung tung, thiếu thống nhất vì thế đôi khi tác phẩm đó không tạo được hình hài rõ rệt”.
- Thu Huyền