- Trao đổi về việc gia nhập hội nghề nghiệp, các nhà văn trẻ đã mở ra những góc nhìn đa chiều về "ngôi đền thiêng" một thuở và những trăn trở hiện tại.
>> Kết nạp hội viên Hội Nhà văn - Chuyện dài kỳ
- Là người sáng tác có tác phẩm gây dư luận và tham gia tích cực trong các hoạt động văn học, tại sao anh (chị) chưa vào Hội Nhà văn? Anh (chị) có nghĩ đến việc đó không?
Nguyễn Quỳnh Trang |
Nguyễn Quỳnh Trang: - Tôi chưa vào Hội Nhà văn (HNV) là bởi không hề nghĩ tới điều đó. Cũng có nhiều anh chị cô chú thuộc Hội Nhà văn rủ tôi vào và nhận giới thiệu, nhưng tôi phân vân vì nếu tôi chủ động làm đơn tham gia, chắc gì tôi đã được kết nạp. Hàng năm, có biết bao nhiêu đơn còn đang tồn đọng.
Tôi thấy để trở thành hội viên HNV giống như cảnh hàng trăm người cố chen đẩy nhau đi qua ô cửa hẹp mà không biết rốt cuộc để được gì, làm gì, có ý nghĩa gì.
Trên thực tế, việc viết và duy trì tâm sức viết mới là điều quan trọng. Gần đây, khi Hội Nhà văn được định hình cụ thể hơn là lúc tôi tham dự các tọa đàm, sân thơ, các hoạt động khác của Ban Văn Trẻ. Nghĩa là tôi thấy Ban Văn Trẻ của Hội nhà văn gần gũi hơn hết thảy khi theo dõi công việc của chúng tôi, đọc tất cả các sáng tác của chúng tôi, âm thầm hoặc công khai cổ vũ cho chúng tôi. Còn nếu nói về HNV nói chung, tôi không biết hội tồn tại, hoạt động ra sao, có các ban ngành và chức năng như thế nào…
Tiến Đạt: - Cho đến thời điểm hiện tại, tôi chưa có ý định viết đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Thông tin về Hội Nhà văn tôi chưa kịp tìm hiểu kỹ. Con số mà tôi kịp biết được là đang có tới trên 550 lá đơn xin gia nhập hội xếp hàng nằm chờ trong mười mấy năm qua, nghe xong mà phát hoảng! Một trong những lý do chính khác là tôi đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM trong khi Hội sinh hoạt chủ yếu tại Hà Nội, xa quá (cười)!
Lê Anh Hoài: - Quả thực là tôi không nghĩ nhiều lắm đến chuyện vào Hội Nhà văn, mặc dù gần đây có những người bạn vong niên nhắc nhở tôi rằng ông nên vào hội đi, hay lắm, cần lắm.
Theo họ, vào hội thứ nhất là oai, thứ hai là đến một độ tuổi nào đó sẽ được tài trợ để xuất bản tác phẩm, rồi còn được mời đi dự trại sáng tác, hoặc tham gia hoạt động ở chỗ này chỗ nọ…
Theo tôi thì được tham gia những hoạt động này thì cũng hay thật, vui thật. Nhưng những cái vui đó, nếu không phải là hội viên HNV thì tôi cũng vẫn có thể có được. Cơ chế xã hội hiện nay đã mở ra với rất nhiều hoạt động của các nhà xuất bản, nhà sách, khoa Lý luận Phê bình Sáng tác Đại học Văn hóa (Trường viết văn Nguyễn Du cũ), Hội Nhà văn Hà Nội… Bản thân tôi là hội viên Hội Nhà văn HN nên có khá nhiều hoạt động để tham gia. Nhưng tôi thấy ngay cả với những người viết chưa phải là hội viên hội nào mà có sáng tạo thực sự thì cũng vẫn được mời tham gia các hoạt động văn chương.
Nếu chỉ để giải quyết khâu oai khi sở hữu tấm thẻ hội viên HNV thì để làm gì? Có giá trị gì?
Lê Anh Hoài |
- Theo anh (chị) việc vào Hội Nhà văn có thực sự cần thiết đối với người viết?
Nguyễn Quỳnh Trang: - Điều đó phụ thuộc vào nhu cầu của từng người. Nếu ai muốn đóng góp công sức cho sự phát triển văn học của nước nhà nói chung, hoặc có khả năng tổ chức các mô hình hoạt động văn học hiệu quả… thì hãy tham gia HNV.
Lê Anh Hoài: - Quả thật là số đơn từ xin vào hội quá nhiều như thế gây nản lòng cho những người như tôi. Tôi tự hỏi là liệu mình có nên góp thêm một hồ sơ nữa vào trong cái đám kia không? Một khi mình đã gửi đơn thì mình phải suy nghĩ về nó. Những suy nghĩ kiểu này, theo tôi sẽ không có lợi cho việc viết văn.
Việc vào hội hơi mang tính hành chính, nặng về thủ tục. Mà sáng tạo thì hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân chứ không do một hội nào tạo ra được cả. Dù cho đó có là không khí của những trại sáng tác đi chăng nữa. Nói thật là có khá nhiều trại sáng tác đã mời nhưng tôi không thể tham dự được do bận công việc. Hơn nữa, tôi cũng không kỳ vọng gì vào kết quả của các trại sáng tác. Chỉ có khi nào rảnh rỗi lắm thì tôi mới đi, mà chủ yếu cũng vì nghĩ rằng có thể coi như đó là cuộc đi du hí, gặp gỡ giao lưu với một vài người nào đó mà mình yêu quý. Chứ một tuần hay hai tuần ăn nhậu ở trại sáng tác thì làm sao có thể cho ra đời những tác phẩm tử tế được.
Cá nhân tôi sáng tạo dựa trên hoạt động của đời sống đương đại. Cho nên chỉ có cách là lăn lộn bám sát vào chính cuộc sống thì mới có những tác phẩm tốt. Chứ các trại sáng tác chuyên đề, hoặc mang tính địa phương, vùng miền… tôi thấy nó không ổn. Nếu có lời mời từ những trại sáng tác này, tôi cũng phải xin lỗi không thể nhận vì chắc chắn sẽ không sáng tạo được cái gì.
Tiến Đạt: - Hình như có không ít người trong chúng ta đã “linh thiêng hóa”, quan trọng hóa tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn VN?
Là nhà văn, quan trọng nhất là tác phẩm. Những danh xưng, nếu có, cũng chỉ cho vui. Không ai gặp nhà văn hỏi anh đã là hội viên chưa. Nhưng nếu đã là thành viên mà không có tác phẩm hoặc tác phẩm nhợt nhạt thì lại là áp lực.
Theo tôi, các nhà văn với bản tính ham vui, cho nên đa phần khi vào hội là họ muốn tìm không gian sinh hoạt nghề nghiệp vui vẻ với bạn bè cùng giới viết lách. Còn nếu cho rằng nhà văn VN vào Hội với mục đích cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, nâng tầm tư tưởng, hoặc vào để kiếm “ghế”, “xơ múi” gì đấy thì tôi cho đây là những trường hợp cá biệt.
Nhà văn vào hội sẽ thực sự cần thiết nếu ngoài niềm vui gặp gỡ bạn bè, phải được tạo thêm động lực để viết hay hơn, đặc biệt hội còn phải là nơi che chở, hỗ trợ tới cùng khi nhà văn hội viên gặp phải những vấn đề phát sinh bắt nguồn từ trang viết, thậm chí kể cả ngoài trang viết.
- Giả sử trong trường hợp Hội Nhà văn thay đổi lại cơ cấu kết nạp, phương pháp thẩm định, đảm bảo sự công bằng khi xét trên tác phẩm là chính chứ không căn cứ trên sự quen biết hoặc quà cáp, rồi gửi thư mời gia nhập Hội tới các cây bút triển vọng… thì anh (chị) có hào hứng gia nhập Hội hay không?
Nguyễn Quỳnh Trang: - Nếu điều giả sử này thành sự thật, thì trước hết cần cám ơn HNV vì đã sâu sát với tình hình phát triển của văn học nước nhà nói chung và chất lượng tác phẩm của người viết nói riêng. Khi đó, người viết sẽ cảm thấy hãnh diện vì nhận được lời mời.
Tuy nhiên, việc có gia nhập hội hay không thì vẫn phải cân nhắc. Nếu thỏa mãn hai điều kiện: một là trở thành hội viên sẽ giúp ích hơn nữa cho việc sáng tác, hai là tôi có khả năng và được tạo điều kiện thực hiện các hoạt động cổ vũ, kích thích, giới thiệu sáng tác của các bạn trẻ khác, có lẽ tôi sẽ gia nhập.
Lê Anh Hoài: - Tôi thấy rằng mô hình này cũng có vẻ tốt đấy nhưng suy cho cùng thì ai sẽ đọc những tác phẩm đó? Hoạt động này mang tính “nộp quyển” để vào hội. Thay vì một Ban chấp hành thì lại là một ban thẩm định ngồi đọc. Nếu đó là những người mà mình tin cậy và kính trọng thì mình sẽ muốn gửi gắm tác phẩm. Còn nếu hội không tổ chức được một ban thẩm định cho đúng nghĩa thì cá nhân tôi thấy chẳng việc gì phải gửi tác phẩm đến đó cả.
Quan trọng là tôi sẽ làm việc với con người nào chứ không phải mô hình tổ chức hội nào. Con người cụ thể làm việc với tôi trên phương diện tác phẩm phải hiểu được và thẩm thấu được khuynh hướng sáng tác, hệ mỹ học... của tôi thì tôi mới hào hứng trao đổi, cộng tác. Hiện nay, đã xuất hiện khá nhiều dòng văn khác nhau, thậm chí đối chọi nhau trong xu thế cùng tồn tại, cùng tương tác. Đây là một sự phát triển không thể cưỡng lại được. Vì thế, theo tôi, nên có thêm nhiều hội nhóm phù hợp với các tiêu chí sáng tạo khác nhau. Còn nếu không thì HNV cần dung nạp tất cả các hình thức sáng tạo và có hoạt động tương ứng để tất cả cùng phát triển chứ không để chỉ một dòng chính thống cũ mòn. Và như vậy, Hội cũng phải tổ chức thế nào đó để theo kịp với sự phát triển của văn chương đương đại.
Tiến Đạt: - Tôi nghĩ rằng đây là ý kiến hay nhưng khó khả thi, nếu chúng ta không sửa điều lệ hoạt động của hội. Xét trên bình diện tổ chức, Hội Nhà văn cũng chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp giống như những hội khác như Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc, Hội Cây cảnh, Hội Tem thư, Hội Người mẫu…, hội viên muốn tham gia thì cần phải làm đơn xin gia nhập, hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện. Nếu lập được hội đồng đọc tác phẩm của người viết trước, rồi gửi thư mời gia nhập hội thì cách làm này không những không hạ uy tín của hội mà ngược lại còn nâng tầm của hội lên một bậc, vì những tổ chức hoạt động thực sự chuyên nghiệp mới có khả năng nắm bắt đầy đủ thông tin trong ngành và chủ động mời gọi các cá nhân gia nhập hội.
-
Minh Tuệ (thực hiện)