- Kịch phía Bắc vốn được coi là những món ăn sang trọng dành cho khán giả khó tính song nhiều đoàn mang đến cuộc thi những tác phẩm hết sức nhạt nhẽo, cũ kỹ như từ mấy chục năm trước.
Quá nhiều huy chương, vắng “sao”
Nghệ sĩ Đức Thịnh, giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho biết, hội diễn thu hút chưa đầy 30 tác phẩm tham gia mà có đến hơn 100 giải thưởng được trao là quá nhiều. Sự “vui cả làng” này khiến người đoạt giải cảm thấy… thường.
Đạo diễn Đức Thịnh
“Theo tôi, ban tổ chức nên hạn chế giải thưởng và chỉ nên trao giải cho những tác giả, tác phẩm thật xuất sắc, như thế phần thưởng mới có giá trị”, anh bày tỏ.
Cũng theo Đức Thịnh, hội diễn cho thấy 5 năm qua sân khấu vẫn giậm chân tại chỗ. Kịch phía Bắc vốn được coi là những món ăn sang trọng dành cho khán giả khó tính song nhiều đoàn mang đến cuộc thi những tác phẩm hết sức nhạt nhẽo, cũ kỹ như từ mấy chục năm trước.
Sân khấu phía Nam đa sắc màu hơn nhờ sự năng động, song hầu hết tác phẩm chỉ dừng lại ở sự minh hoạ, thiếu đầu tư nghệ thuật, trau chuốt các mảng miếng, vì thế vở diễn chưa đạt đến tầm cao nghệ thuật. Chính vì thế, giải thưởng chỉ là nguồn động viên các nghệ sĩ sau những năm miệt mài lao động chứ chưa thực sự chứng tỏ mình đã làm được điều gì ghê gớm cho sân khấu nước nhà.
Đồng quan điểm, NSND Thế Anh cho rằng số lượng giải thưởng nhiều như vậy dẫn đến nhàm, người đoạt giải cũng chẳng lấy gì làm sung sướng và hội diễn giống như hội hè hơn là cuộc thi nghiêm túc.
NSND Thế Anh
Theo ông, hội diễn năm nay đặc biệt bởi có sự hội tụ anh tài Bắc Nam với hai phong cách khác nhau, vì thế ban giám khảo phải là những người thật phân minh, tài giỏi đủ can đảm trao một giải xuất sắc mà không sợ kiện cáo, thắc mắc. Một trận đấu dù căng thẳng đến mấy vẫn chỉ có một người thắng cuộc, chứ không phải đôi bên đều… nhất.
Đằng này, những vở tàm tạm cũng có giải, thậm chí khá nhiều khiến chính người trong nghề cũng thấy hụt hẫng. “Có đến hơn 40 huy chương được trao cho cá nhân diễn viên, thành thử hội diễn rất nhiều “sao” mà không có “sao” đích thực. Nhiều diễn viên diễn xuất rất thường vẫn được giải, thật khó hiểu”, nghệ sĩ Thế Anh nói.
Còn nhiều người nữa bức xúc trước cánh chấm giải “đại trà” này. Theo họ, một số nghệ sĩ đã cố gắng rất nhiều để khẳng định mình trong hội diễn song đã bị ban giám khảo “cào bằng” khi trao vô số huy chương cho cả những gương mặt hết sức mờ nhạt.
“Không khó để nhận ra một vài gương mặt diễn viên nổi bật, vậy mà ban giám khảo lại trao đến 42 huy chương vàng, điều này làm phụ lòng tin của một số nghệ sĩ tâm huyết”, một nữ nghệ sĩ phát biểu.
Tuy số vở kịch tham gia tranh tài không phải là lớn song ban giám khảo vẫn phải “quần” một ngày hai, ba vở, thời lượng mỗi vở từ hai đến ba giờ đồng hồ nên cảm xúc có thể bị mòn dẫn đến nhận xét thiếu chính xác. Bên cạnh đó, có nhiều vở được công diễn đã lâu khán giả đã biết, nhưng cũng có vở vừa hoàn thiện như Mắt phố, Mỹ nhân và anh hùng chưa kịp diễn rộng rãi nên ít người biết. Một nghệ sĩ lấy ví dụ: Giải Oscar quy định phim dự thi phải chiếu thương mại ít nhất 7 ngày, nên chăng ban tổ chức cũng quy định vở dự thi phải công diễn bao nhiêu buổi để đón nhận hiệu ứng ban đầu với đồng nghiệp và khán giả?
Chưa nhìn thấy tương lai
Cảnh trong vở Mỹ nhân và anh hùng
NSND Thế Anh bày tỏ: Trước kia, khi còn là diễn viên của Nhà hát Anh Cả Đỏ, tôi thường diễn xuất trong các vở như Đôi mắt, Đứng gác dưới ánh đèn nê-ông, Nila, Đại đội trưởng của tôi… Khi ấy khán giả ngồi dưới luôn toát hồ môi, tim đập hồi hộp cùng diễn biến, kịch tính của câu chuyện. Ngày ấy, sân khấu đặt ra những vấn đề nóng hổi của xã hội, những dự báo về sự thay đổi trong đời sống, con người. Thế nhưng, những tác phẩm tại hội diễn lần này hầu như không để lại ấn tượng gì đặc biệt, ngược lại nó như một bức tranh hỗn độn, pha tạp nhiều màu sắc mà không đâu vào đâu.
“Nhiều vở đầu tư hoành tráng, pha tạp cả yếu tố của tuồng, cải lương, hài kịch khiến chất kịch nói bị biến dạng. Giống như khi ta cho đường vào phở, chỉ thấy một vị ngòn ngọt mà không biết cái ngon thực chất của món ăn”, ông ví von. Bởi vậy, trong hội diễn “trăm hoa đua nở” nhưng chưa bông nào thật sự là hoa.
Đạo diễn trẻ Đức Thịnh cũng không ngại bộc bạch, với đà này, hội diễn của 5 năm sau, thậm chí là vài chục năm nữa, sân khấu cũng không thể bứt phá. “Chúng ta vẫn cứ nhai đi nhai lại đề tài và cách dàn dựng của 30 năm trước, thậm chí còn làm tệ hơn bậc đàn anh. Nếu không có sự lột xác về quy mô sàn diễn, tư duy sáng tạo thì sân khấu sẽ chết dần chết mòn trong cảnh nghèo nàn”, anh bày tỏ.
Học được gì?
Cảnh trong vở Nỏ thần
5 năm mới được tổ chức một lần, Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp như một cơ hội hiếm hoi để những người làm nghề lắng nghe và học hỏi nhau. Đây cũng là lần đầu tiên, hội diễn được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, vì có như vậy mới thu hút được các đoàn xã hội hoá tham gia. Thế nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng được thoả nỗi ước mong xem bạn mình hoạt động ra sao. Nghệ sĩ Kim Xuân cho biết, dù rất cố gắng để tham dự tất cả các buổi công diễn song chị cũng chỉ xem được 8 trên tổng số 26 vở diễn.
Nghệ sĩ Trung Anh, Nhà hát Kịch Việt Nam ngậm ngùi: “Chúng tôi từ Bắc vào, rất nóng lòng được xem tác phẩm đồng nghiệp phía Nam để tham khảo yếu tố mới, thu hút khán giả, nhưng hôm đó bảo vệ ở sân khấu Idecaf không cho chúng tôi vào. Tôi cũng không hiểu vì sao, lẽ ra ban tổ chức nên lưu ý điều này”.
Diễn ra trong bối cảnh nhộn nhịp, chóng vánh và vì nhiều lý do nên rất ít nghệ sĩ, diễn viên xem hết những tác phẩm tham gia hội diễn, bởi thế những gì họ thu lượm được hẳn là ít hơn số huy chương mà ban giám khảo đã trao.
- Huyền Thu