- “Nghệ thuật sân khấu là vũ khí tư tưởng, phản ánh những vấn đề mũi nhọn, cấp bách của cuộc sống xã hội. Thế nhưng sứ mệnh lịch sử này chưa được các nghệ sĩ quan tâm đúng mức”, ông Quang nhận xét.
Kịch không còn là đời
Còn nhớ, hồi những năm 1980, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, sân khấu là một trong những bộ môn nghệ thuật xung kích trên mặt trận phản ánh các vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội. Khi quyền lực muốn đạp lên chính nghĩa và đạo đức, chúng ta có Nhân danh công lý, Hà My của tôi. Khi đồng tiền làm tha hoá nhân cách, ảnh hưởng đến quan hệ máu mủ, chúng ta có Ông không phải là bố tôi… Những vở diễn luôn khiến khán giả phải xếp hàng mua vé. Người xem không chỉ cảm thấy câu chuyện trên sàn diễn là của chính bản thân họ và những người xung quanh mà còn hiểu được những ngầm ý sâu xa mà tác giả và đạo diễn gửi tới khán giả.
NSND Thế Anh trong vở "Tả quân Lê Văn Duyệt"
Thế nhưng, từ đó đến nay, sân khấu kịch ngày càng trở nên xa lạ với quần chúng và hoạt động trong cảnh im ắng, tẻ nhạt. “Dường như sau Lưu Quang Vũ, chúng ta chưa có tài năng nào có thể lấp được chỗ trống ấy”, NSND Thế Anh, lớp diễn viên đầu tiên của Nhà hát kịch Việt Nam tiếc nuối.
Theo ông, ngày ấy không chỉ có diễn viên đắm đuối với vai diễn mà dưới khán phòng, khán giả cũng nín thở hồi hộp. Còn bây giờ, mình diễn toát mồ hôi trên sân khấu song nhìn xuống hàng ghế khán giả chỉ thấy lưa thưa. “Có lẽ kịch không còn là đời nữa”, ông nhận định.
Để có được những tác phẩm lay động lòng người, các nghệ sĩ cần bắt đầu từ cái căn bản nhất: kịch bản. Hiện, sân khấu không thiếu những đạo diễn lành nghề song lại vô cùng khan hiếm kịch bản hay. Cuộc khủng hoảng thiếu những nhà viết kịch có thực tài đã khiến sân khấu lâm vào cảnh lao đao trong thời gian dài và dường như không có lối thoát. Lúc nào cũng thấy các nhà hát kêu “thèm” kịch bản có giá trị, các đạo diễn thì không ngừng săn lùng bản thảo hay song phần nhiều trong số họ vẫn loay hoay, không có cơ hội bứt phá.
Chia sẻ quan điểm này, đạo diễn Anh Tú (Nhà hát kịch Tuổi Trẻ) cho biết, đúng là sân khấu thiếu trầm trọng các kịch bản mang hơi thở đương đại. Một số nhà biên kịch có ý thức nhưng không đủ tài chuyển tải thông điệp cuộc sống mà thế hệ ngày nay đang mong chờ.
Anh Tú thổ lộ, rất muốn dựng một vở kịch tâm lý xã hội thật hay về cuộc sống đương đại mà tìm mấy năm trời không thấy. “Chỉ riêng quan niệm về hôn nhân, chuyện sống thử của lớp trẻ ngày nay thôi đã đặt ra cho chúng ta bao nhiêu vấn đề. Vậy nhưng, chưa có vở kịch nào phản ánh khía cạnh này đến nơi đến chốn. Chưa kể, đời sống đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều”.
Bản thân Anh Tú được khán giả và đồng nghiệp biết trên cương vị đạo diễn qua vở kịch thơ Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm. Vở diễn hay, đậm chất thơ song lại thiếu hơi thở của ngày hôm nay, vì thế khó lòng đến được với đông đảo công chúng. Điều này, cả anh và ê kíp dàn dựng đều biết song vì không thể dựng được một vở diễn vừa ăn khách, vừa đạt hiệu quả nghệ thuật cao nên đành chấp nhận sự dở dang.
Vẫn làm đấy nhưng …dở
Cảnh trong vở "Những linh hồn đông lạnh". Ảnh mang tính minh họa
Nghệ sĩ Hồng Vân cho rằng, kịch Sài Gòn vẫn bám sát vấn đề nổi cộm của cuộc sống hiện tại. Chính vì vậy, nó còn thu hút sự quan tâm của công chúng, bởi một sân khấu “khoẻ” là phải luôn cập nhật diễn biến đời sống và đưa lên sàn diễn theo cách riêng của mình. Nhưng vì sao kịch Sài Gòn vẫn bị mang tiếng là chạy theo thị hiếu, chất lượng nghệ thuật chỉ ở mức “tầm tầm”?
Bà “bầu” Hồng Vân lý giải, khán giả Sài Gòn thích hài hước và họ muốn tác giả gửi gắm thông điệp một cách nhẹ nhàng, thông qua tiếng cười chứ không phải là những câu giáo huấn, đậm chất sách vở, cứng nhắc. Vì thế, các sàn diễn ở Sài Gòn không thể thiếu tiếng cười cho dù đó là một vở chính kịch. “Tôi biết, có khán giả đi xem kịch kinh dị Người vợ ma đến 5, 6 lần. Có thể lúc xem họ chỉ cảm thấy sợ hãi thôi nhưng đêm về họ mới chợt nhớ và hiểu thâm ý mà tác giả gửi gắm”.
Nghệ sĩ Đào Quang cho rằng, bao năm nay, sân khấu không hề chuyển mình, người làm nghề vẫn khai thác theo một lối mòn có sẵn, trong khi cuộc sống đã thay đổi muôn hình muôn vẻ. “Trên sân khấu của ta vẫn thường thấy những nhân vật một chiều hoặc chính diện hoặc phản diện. Trong kịch mà chỉ có mâu thuẫn giữa tốt và xấu thì quá đơn giản. Con người ngày nay phức tạp hơn nhiều”.
Ông Quang cũng cho rằng, trên sân khấu hầu như chỉ thấy những pha gây cười nhạt nhẽo hoặc những cuộc tình tay ba, tay tư sướt mướt mà thiếu vắng hình ảnh những con người trong cuộc sống mới. “Chúng ta đang bỏ quên đề tài đương đại mà đó là trách nhiệm của người làm sân khấu. Phải nâng cao nhận thức thẩm mỹ của khán giả qua những vở kịch mang hơi thở cuộc sống”, ông nhấn mạnh.
Theo NSND Thế Anh thì người làm sân khấu hiện nay ít sáng tạo mà chỉ giỏi bắt chước. “Tôi mới xem một vở diễn của đoàn kịch đến từ nước Anh. Cảnh trí của họ đơn giản mà đẹp, đặc biệt diễn xuất mới thật tuyệt vời. Trong khi ở ta, nhiều vở hoành tráng lại hoá ra loè loẹt và vô nghĩa khi diễn viên thiếu tài”.
NSND Trọng Khôi cũng không tránh khỏi nỗi buồn về thực trạng sân khấu hiện nay: “Bây giờ, khán giả xem kịch như xem một câu chuyện họ đã biết trước, không có gì thú vị, vì thế họ ra về và không thích đến với sân khấu nữa”.
- Thu Huyền