- Các nghệ sĩ Trần Đức, Chu Hùng và Đỗ Kỷ lần đầu hé lộ những thông tin hậu trường của bộ phim lịch sử 50 tỉ - "Thái sư Trần Thủ Độ".
Nghệ sĩ Chu Hùng (vai Quách Bốc): Ký hợp đồng kiểu gì cũng bị hớ
Nghệ sĩ Chu Hùng trong một cảnh quay "Thái sư Trần Thủ Độ" thực hiện tại trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc.
Đến thời điểm này, cá nhân tôi và đoàn làm phim chưa có một sự mâu thuẫn nào nhưng vẫn có nhiều điều cần phải góp ý. Riêng với cách ký hợp đồng, chúng tôi cảm giác như bị gài bẫy. Kịch bản đưa cho chúng tôi lúc đầu gần như là kịch bản chưa hoàn chỉnh.
Nhưng sao chúng tôi vẫn đặt bút ký? Chúng tôi nhận lời đóng phim này không phải vì lý do kinh tế mà vì Thái sư Trần Thủ Độ là tâm huyết của nhiều người, một bộ phim lịch sử hoành tráng được đầu tư tử tế từ phục trang đến tuyển chọn diễn viên. Đó cũng là bộ phim tập hợp được gần 100 gương mặt diễn viên quen thuộc tham gia.
Điều quan trọng nhất là bộ phim này làm để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Trong khi đó, chúng tôi là những nghệ sĩ của Hà Nội. Nói thẳng là kể cả không có cát-sê chúng tôi vẫn sẽ làm. Do vậy, khi đặt bút ký hợp đồng tôi cũng nói với ban lãnh đạo Hãng phim truyện I rằng: Tôi ký đây là để các anh hoàn tất thủ tục là chính. Nhưng trước sau các anh không được để diễn viên chúng tôi thiệt. Nếu không chúng tôi sẵn sàng làm lại hợp đồng với các anh. Anh Tất Bình cũng đồng ý và có nói: Nếu anh em diễn viên có gì thắc mắc, chúng ta sẽ cùng bàn lại với nhau để đi đến thống nhất.
Rất nhiều diễn viên dở ở chỗ khi biết mình bị hớ thì không dám nói, chỉ hỏi dò nhau. Riêng tôi, ngay hợp đồng đầu tôi đã không đồng ý vì họ trả cát-sê rẻ như hàng chợ. Do vậy tôi đã lên gặp anh Tất Bình - Giám đốc - nói: Với công sức tôi bỏ ra, các anh trả cát-sê thế này là quá đáng. Các anh phải nâng cát-sê cho tôi. Và khi thấy tôi trình bày hợp lý, họ đã chấp nhận. Tuy vậy mức cát-sê ấy tôi vẫn thấy chưa thoả đáng và sẽ lên yêu cầu một lần nữa bởi kịch bản thực tế rất khác với kịch bản ban đầu.
Điều tôi thấy bất công là khi quay tại Trung Quốc, họ trả thù lao cho diễn viên quần chúng bên đó theo đúng yêu cầu, quá 8 tiếng phải trả thêm thù lao một ngày nhưng với các diễn viên VN thì khác. Không chỉ riêng tôi mà tất cả các diễn viên tham gia bộ phim này đều được trả thù lao không tương xứng. Một ngày quay của tôi ở bộ phim này bằng 8 ngày quay của những bộ phim khác bởi vai diễn quá nặng. Do sắm vai một quan võ nên tôi phải thực hiện nhiều cảnh hành động, võ thuật, cưỡi ngựa với bộ đồ giáp nặng trịch trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm.
Chỉ sau hai ngày diễn ở trường quay Cổ Loa tôi đã sút tới 4kg. Một ngày làm việc tới 18-19 tiếng đồng hồ, chỉ được nghỉ ở hai bữa ăn. Họ trả tôi thù lao theo ngày quay nhưng một ngày quay Thái sư Trần Thủ Độ kéo dài từ 7h sáng đến 2h đêm. Hai ngày quay ấy bằng cả hai tuần quay phim bình thường. Dù ký hợp đồng kiểu gì mình cũng sẽ bị hớ vì mình nắm con dao đằng lưỡi chứ không phải đằng chuôi. Nếu ký hợp đồng trả cát-sê theo ngày, họ sẽ dồn thật nhiều cảnh trong một ngày quay. Còn nếu ký hợp đồng theo phân đoạn, họ sẽ cho phân đoạn thật dài. Biết thế nhưng khi tham gia đóng phim chúng tôi vẫn cố gắng hết sức mình.
Tất cả do lòng yêu nghề, biết là sai, là quá đáng nhưng chúng tôi đều dẹp bỏ hết, chỉ với mục tiêu phấn đấu hoàn thành bộ phim đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Diễn viên bao giờ cũng chịu thiệt thòi. Chúng tôi chấp nhận bị "bóc lột", chấp nhận bị "lừa" nhưng nó phải ở mức độ vừa phải, mức cát-sê cũng phải đủ để anh em diễn viên bù đắp lại công sức mình đã bỏ ra. Dự án phim này kéo dài gần một năm trời, tôi đã phải chấp nhận gác lại các dự án phim khác. Tôi biết Hãng phim truyện I thực hiện bộ phim này rất nghiêm túc và chi cho bộ phim rất nhiều nhưng đầu tư cho con người lại không tương xứng. Nếu đã dám chi ra đến mấy chục tỉ để làm phim thì hãy nghĩ đến những con người bằng xương bằng thịt tham gia bộ phim.
Nghệ sĩ Đỗ Kỷ (vai Đỗ Kính Chu): Xác định sẽ nghe chê nhiều hơn khen
Tất cả những người tham gia dự án phim "Thái sư Trần Thủ Độ" đều cho đó là một niềm tự hào. Cơ hội này, dịp may này chỉ đến một lần trong đời vì 1000 năm chỉ có một. Vì là một bộ phim dã sử, phim dài hơi, được đầu tư lớn về con người cũng như vật chất nên tất cả những người tham gia đều chịu một áp lực rất lớn.
"Tất cả những người tham gia đều chịu áp lực rất lớn".
Cho đến thời điểm này, ê kíp làm phim cũng đang phải làm việc cật lực. Diễn viên chúng tôi còn có ngày nghỉ nhưng họ thì không, vẫn phải lao động liên tục từ sáng đến tối, ngày này sang ngày khác.
Cũng vì chịu quá nhiều áp lực nên cách làm việc của ê kíp làm phim rất cẩn thận, chỉn chu, kỹ hơn nhiều bộ phim khác. Phần phục trang, bối cảnh cũng được đầu tư rất lớn. Nhưng tôi vẫn nói với mọi người rằng, chúng ta tham gia dự án này thì cứ xác định với nhau là sẽ nghe chê nhiều hơn khen. Vì sao? Vì lịch sử mỗi người hiểu theo một góc, mỗi khán giả, mỗi tầng lớp xã hội có nhận định khác nhau. Nhưng nếu không làm thì bao giờ VN mới có phim lịch sử?
Tuy nhiên, chỉ cần một số ít khán giả nhận xét là bộ phim xem được cũng đã là một sự thành công. Ít nhất người ta sẽ ghi nhận rằng chúng tôi đã không làm ẩu và thể hiện thái độ trân trọng với dự án. Còn nói thật, trong lúc làm việc với nhau, tất nhiên cũng sẽ có những điều chưa hài lòng, chưa thoả mãn. Bởi ngay trong giao tiếp đời thường, không phải lúc nào chúng ta cũng hài lòng về nhau. Đằng này, với một khối lượng công việc như vậy, với chừng ấy con người, đương nhiên phải có những trục trặc. Không trục trặc mới là lạ.
Nghệ sĩ Trần Đức (vai Phạm Bỉnh Di) : 3 ngày mới tới được trường quay
Chúng tôi quay trở lại với trường quay Cổ Loa vào những ngày nắng nóng nhất, bên trong không khác gì một cái lò bánh mỳ. Những ngày quay đầu tiên mọi người rất háo hức dù cơ sở vật chất hết sức... hãi hùng, xung quanh rêu mốc rất bẩn thỉu, chỗ ngồi ăn uống tạm bợ. Ai cũng hào hứng và trân trọng cơ hội tham gia một dự án phim lịch sử lớn như vậy.
NS Trần Đức (trái) trong một cảnh quay tại phim trường Trung Quốc.
Nhưng đến khi bắt tay vào làm, tôi mới thấy sao những người làm phim của mình lại khổ thế? Nếu có đầy đủ cơ sở vật chất, không phải nghĩ đến chuyện tiền nong thì người ta chỉ chuyên tâm thăng hoa trong nghệ thuật. Nhưng ở mình thì vừa làm vừa lo, vừa làm vừa đong đếm nên không thể thoải mái.
Ví dụ như việc sang trường quay Hoành Điếm Trung Quốc, chúng tôi không thể hành quân như những người hành khất. Thế mà, để sang được đó, chúng tôi chỉ được đi một chặng máy bay, còn lại phải đi đường bộ, chuyển từ ô tô nọ sang ô tô kia cho tiết kiệm chi phí. Đi ô tô từ Hà Nội lên Lạng Sơn, qua cửa khẩu rồi tới Bằng Tường, di chuyển tiếp đến một thị trấn khác rồi đi ô tô đêm đến Quảng Châu. Nhóm chúng tôi với hơn chục người phải nằm ở khu vực gần toilet, chung xe với dân buôn chuyến, từ 8h tối đến 8h sáng tới đến nơi. Sau khi chuyển tiếp bằng máy bay, chúng tôi lại đi ô tô thêm 70-80 cây số nữa tới trường quay Hoành Điếm. Tổng cộng mất đúng 3 ngày.
Lúc đầu tôi cứ nghĩ sẽ sang Hoành Điếm bằng máy bay, rồi sau đó nghe nói sẽ đi tàu nhưng cuối cùng lại phải di chuyển nhiều lần bằng ô tô là chính. Chủ nhiệm cứ đưa vé, người dẫn đường cứ dẫn, còn các diễn viên cứ thế đi theo. NSƯT Chí Trung nói vui với đoàn: “Chúng ta như những con bò. Tiếng không biết, đường không biết. Họ dẫn đi đâu thì đi, họ bảo ngồi thì ngồi…”. Những người tổ chức việc đi lại cho đoàn họ không hiểu rằng tuổi của chúng tôi khác với các diễn viên trẻ. Thanh niên có thể chịu đựng được những chuyến đi như vậy nhưng chúng tôi, những diễn viên trên 50, không thể có đủ sức khoẻ để chịu đựng những chuyến đi vất vả như vậy. Thêm nữa, với những diễn viên có tuổi, có danh hiệu thì phải khác, không thể đổ đồng với dân buôn vải trên ô tô, thậm chí bị đẩy xuống nằm khu vực gần toilet phía cuối xe.
Còn về chuyện ăn uống, đoàn phim đưa cả một đội bếp sang Hoành Điếm để nấu cơm và chế biến các món ăn VN cho các diễn viên. Nhưng bữa sáng và trưa thì phải ăn đồ ăn Trung Quốc. Sáng ăn bánh bao, uống sữa đậu nành, cơm hộp cho bữa trưa theo khẩu vị của họ thực sự là không ăn nổi. Do vậy tôi thường xuyên bỏ ăn, tự bỏ tiền túi ra ăn quà hay qua nhà bếp hỏi xem còn gì thì lục ăn nốt. Khi nhận lời tham gia dự án phim này, tôi không tưởng tượng được lại có những khó khăn như vậy. Cứ nghĩ chỉ đơn giản như việc thực hiện các dự án phim truyền hình khác.
Với những phim bình thường thực hiện tại Việt Nam, hơn 20 cảnh quay của tôi chỉ mất khoảng một tuần. Nhưng phim này lại được thực hiện theo kiểu nửa video, nửa phim nhựa, quay video nhưng lại lồng tiếng. Quay phim lại là những người quen quay phim nhựa nên họ quay bộ phim này như với phim nhựa, rất kỹ. Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng với nghệ sĩ chúng tôi, khi làm công việc mình yêu thích, được thể hiện một vai diễn hay thì kể cả mồ hôi công sức mất đi, tiêu tốn nhiều thời gian cũng sẵn sàng trả giá. Mọi người đều hết mình vì bộ phim, vì công việc, vì nghệ thuật.
-
Bích Hạnh (thực hiện)