- Chỉ bằng một ngón tay - ngón tay trỏ diệu kỳ, giống tuyệt chiêu võ công "Nhất dương chỉ", họa sĩ người phố núi Đà Lạt Võ Trịnh Biện đã vẽ hàng nghìn bức tranh sơn dầu ấn tượng, thấp thoáng những... dấu vân tay và lấp lánh khả năng đặc biệt.
Con đường đưa Võ Trịnh Biện trở thành họa sĩ một ngón tay hết sức tình cờ. Biện kể một lần sau khi lau bảng đen, vết xóa đã để lại trên bảng những vệt nhòe, nguệch ngoạc kỳ lạ: "Tôi nhìn thấy những vết xóa này lạ, đẹp, đặc biệt nó mang dáng dấp của một bức tranh". Võ Trịnh Biện đâm ra tò mò, và bắt ngón tay trỏ bước vào một cuộc chơi không giống ai. Anh dùng ngón tay vẽ theo cách mà mình biết.
Tác phẩm Cuộc chơi. |
"Ban đầu công việc này rất khó đối với tôi, vì ngoài đam mê ra, tôi chẳng biết tí gì về nghệ thuật cả". Không có kiến thức mỹ thuật lẫn cả dụng cụ, Võ Trịnh Biện dùng cả mặt sau những tờ lịch cũ để làm giấy vẽ, giã nhuyễn phần than trong những viên pin để làm mực... Ròng rã hai năm cặm cụi với pin thải, lịch cũ, với ngón tay trỏ tưởng như đã mòn đi, những bức tranh sơn dầu hoàn chỉnh đầu tiên vẽ bằng một ngón tay của chàng họa sĩ kỳ lạ cũng đã ra đời.
Đó là những năm tháng chàng sinh viên từ quê nghèo Quảng Ngãi lên phố núi theo học khoa Văn ở trường Đại học Đà Lạt. 20 năm trước, ngoài giờ học, Võ Trịnh Biện là... nông dân, lang thang qua nhiều vùng trồng rau của Đà Lạt để làm thuê trang trải việc học, sinh hoạt. Tốt nghiệp đại học, Võ Trịnh Biện trở thành... bồi bàn và thi thoảng là gia sư ở nhiều địa phương. Chính nhờ những ngày đi bưng bê, hành trang trong ngày trở lại Đà Lạt của chàng sinh viên nghèo năm xưa là vốn liếng bốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa, Nhật vắt vai.
Dòng chảy |
Mặt nạ |
Nơi ấy |
Với vốn liếng ngoại ngữ toàn thuộc loại "hot" trên thị trường này, lẽ ra Võ Trịnh Biện đã có thể sống sung túc trong những nghề thời thượng. Nhưng chẳng ai ngờ chiếc bảng đen với cây bút dạ của những ngày đi dạy kèm, lại biến anh thành họa sĩ.
Tranh của Võ Trịnh Biện đa dạng đề tài thiên nhiên, cuộc sống, thân phận, tâm trạng con người... Nhưng điểm đặc biệt làm nên phong cách của Biện là "dấu tay" của anh để lại trên tác phẩm, rất lạ, rất riêng. Những đường nét, mảng màu được tạo nên bằng đầu ngón tay nên có sắc thái khác hẳn những nhát cọ, không lẫn... vào ai được.
Cái tên Võ Trịnh Biện không chỉ quen thuộc với người Đà Lạt mà đã không còn xa lạ gì với vài thị trường khác. Tranh của anh đã đi từ châu Á như Trung Quốc, Nhật, đến châu Âu như Thụy Điển, Hà Lan, sang Mỹ, Australia... Sáng tác hàng nghìn bức tranh, nhưng Võ Trịnh Biện chỉ biết bán tranh theo định lượng công sức mà mình đã bỏ ra, chứ chẳng biết định khung giá như thế nào. Thị trường tranh từ có lẽ cũng hiếm những trường hợp tương tự như "ca" này để tham khảo.
Khách du lịch xem Võ Trịnh Biện vẽ tranh bằng ngón tay. |
Ngoài thị trường trong nước, Trịnh Biện cũng đã tổ chức hai cuộc triển lãm tranh một ngón tại Hong Kong, Australia bằng bộ Mặt nạ với những thủ pháp nghệ thuật, bố cục và phối màu độc đáo được giới làm nghề ở xứ Kangaroo đánh giá cao.
Mới đây nhất, ngày 24/11, Biện mở triển lãm cá nhân lần thứ 10 của mình trong vòng chưa đầy 10 năm qua và là triển lãm thứ hai trong năm 2009, mang tên Dòng chảy tại khu triển lãm Hòa Bình, Đà Lạt. 40 tác phẩm sơn dầu được vẽ, tất nhiên vẫn là bằng một ngón tay trỏ, trong suốt 3 tháng, để dành bán ủng hộ đồng bào miền Trung, nơi có quê nghèo của anh năm nào cũng chịu cảnh bão lụt hoành hành.
Võ Trịnh Biện tâm sự: "Dòng chảy có thể bào mòn những cái xấu, để lại cái tốt hoặc ngược lại, nhưng quan trọng hơn cả là nó để lại cái cốt lõi". Dòng chảy của Trịnh Biện không nói về thân phận con người mà có khi chỉ là một niềm đau, một lần hạnh phúc để biết quý trọng nâng niu những khoảnh khắc trong đời sống này.
Cũng như Võ Trịnh Biện, anh không rõ những bức tranh bán được giá làm anh vui, hay cách làm nghề kỳ lạ giúp mình được nhiều người biết đến. Chỉ biết rằng, anh hạnh phúc, và chắt chiu nó, bắt đầu từ ngón tay trỏ diệu kỳ.
Họa sĩ Võ Trịnh Biện đang vẽ lại Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Áng thiên cổ hùng văn này được anh dùng ngón tay trỏ vẽ lại theo nguyên bản chữ Hán bằng chất liệu mực tàu trên nền giấy cro-ky khổ 0,90m x 1,60m với 200 tờ (khoảng 300kg). Ngoài ra, anh còn thể hiện tác phẩm Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, khổ 1m x 2m và Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, khổ 4m x 6m. Sau khi hoàn thành, anh sẽ trưng bày các tác phẩm này tại TP.HCM và quê nhà Quảng Ngãi, sau đó tặng cho Văn miếu Quốc Tử Giám đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Võ Trịnh Biện đang vẽ sách Bình Ngô đại cáo
-
Ngọc Nguyên