- Chủ đề "nóng" trong hội thảo đến từ TS Alexey Polyakov, khi ông đưa ra nghi vấn rằng Văn Miếu - Quốc Tử Giám không thành lập vào thế kỷ XI?
Khuê Văn Các trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. |
21/11/2009, Hội thảo "1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long" được tổ chức ở Hà Nội. Ngày này đúng 1000 năm trước (21/11/1009, tức 2/11 năm Kỷ Dậu), Lý Công Uẩn được triều thần suy tôn lên ngôi vua, lập ra vương triều Lý.
Trong những vấn đề đặt ra của hội thảo, các học giả trong và ngoài nước dễ đạt được đồng thuận về nhân cách và trí tuệ hơn người của vua Lý Thái Tổ khi không chỉ sáng lập ra vương triều Lý mà còn sáng lập ra kinh đô Thăng Long, mở đầu kỷ nguyên văn minh mới, phục hưng toàn diện, phát triển vượt bậc của Đại Việt. PGS Vũ Văn Quân (ĐHQG Hà Nội) nhận định "việc Định đô Thăng Long là bước trưởng thành vượt bậc của người Việt về lực lượng, về nhận thức, về tư duy quản lý đất nước, về trách nhiệm trước vận hội đi lên của đất nước".
Các học giả trong và ngoài nước cũng thống nhất đánh giá chính quyền nhà Lý thật sự là quân chủ tập quyền trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của thế kỷ XI, XII, khi không chỉ kiểm soát chặt chẽ vùng đồng bằng Bắc bộ và trung du, mà còn quản lý được cả miền núi rộng lớn bằng chính sách "nhu viễn" mềm mỏng: thu phục, ràng buộc chặt chẽ các tù trưởng, biến họ thành đại diện dưới tầm kiểm soát của triều đình.
Hội thảo cũng đã có những nghiên cứu về những thành tựu trên nhiều phương diện của vương triều Lý: thể chế chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hóa, nhưng có vẻ đều là những nghiên cứu "chuyên biệt", chủ yếu đề cao những đóng góp của vương triều Lý trên mọi lĩnh vực, nên ít tạo ra tranh luận.
Chủ đề "nóng" trong hội thảo đến từ TS Alexey Polyakov (Trung tâm Việt Nam học, Viện Á Phi, ĐH Moskva, Liên bang Nga), khi ông đưa ra nghi vấn rằng Văn Miếu - Quốc Tử Giám không thành lập vào thế kỷ XI. TS Polyakov nhận xét: chỉ đến Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên mới đề cập đến mốc thời gian này, còn chính Việt Sử lược (được chứng minh viết vào 2 giai đoạn khác nhau, giữa thời Lý, và cuối thời Lý - đầu thời Trần) không hề đề cập. Ông cũng lập luận rằng, thế kỷ XI là thời kỳ cực thịnh của triều Lý, đồng nghĩa với thời kỳ cực thịnh của Phật giáo, trí thức và quan lại trong triều rất ít người xuất thân Nho giáo, nên việc lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở thời gian này là không hợp lý.
TS Polyakov cũng làm rõ thêm quan điểm về sự chuyển giao quyền lực bí mật vào năm 1127 (khi Lý Nhân Tông từ trần) và ông khẳng định Lý Thần Tông là con trai của nhà sư Từ Đạo Hạnh, chứ không phải hậu duệ của nhà Lý.
Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam không đồng tình với TS Polyakov, riêng GS Phan Huy Lê cho rằng, cả 2 quan điểm của TS Polyakov cần được tiếp nhận với thái độ cởi mở, còn để khẳng định đúng sai thì cần tiếp tục được nghiên cứu. Có một sự thật là lịch sử vương triều Lý có tính chất "mờ ảo", không chỉ do thiếu sử liệu, mà còn do vương triều Lý là thời toàn thịnh của Phật giáo, không chỉ Thiền tông mà còn kết hợp chặt chẽ với Mật tông, Tịnh độ tông nên sử phủ đầy sự "huyền bí".
Gói gọn trong một ngày nên như GS Lê tổng kết, nhiều học giả cảm thấy "thòm thèm" vì chưa đủ thời gian thảo luận thêm để không chỉ thống nhất những khác biệt, mà còn mở ra những vấn đề mới cần nghiên cứu tiếp.
-
Khánh Linh