Dù không sáng đèn thường xuyên song có nhà hát không đủ chỗ cho nhân viên đỗ xe. Nhiều diễn viên mới vào nghề trên dưới 10 năm, chưa thực sự có vai diễn ấn tượng nhưng vẫn nổi tiếng đa tài nhờ nghề... tay trái.
Diễn viên thường than, nghệ sĩ nghèo lắm, cát xê không đủ nuôi thân. Thế nhưng, thực tế nhiều người “lên đời” chỉ sau mấy năm theo nghề. Tất nhiên, đa số thu nhập không phải từ lương của nhà hát mà bằng cách chịu khó chạy “sô” nhờ được hưởng lộc từ nghề diễn. Nhiều diễn viên trẻ đã được mua nhà, sắm được xe. “ Hôm nào phải họp hành, nhà hát không đủ chỗ cho nhân viên đỗ xe”, một diễn viên cho biết.
Quang Thắng có cuộc sống ổn định nhờ làm nhiều việc chứ không chỉ diễn kịch. Ảnh: Autonet |
Diễn viên Hồ Liên cho biết, hầu hết các diễn viên trẻ đều tham gia vào các đoàn làm phim hay đi lồng tiếng. Bản thân chị cũng phải tận dụng hết khoảng thời gian không phải đến nhà hát để cộng tác với đài truyền hình trong những chương trình ngắn hay diễn kịch cho đài phát thanh. Ngoài đóng phim truyền hình, gần đây, chị “phát” với nghề casting diễn viên đóng quảng cáo.
Chị vừa hoàn thành việc tuyển chọn 18 diễn viên cho một chương trình quảng cáo khá hoành tráng quay tại Đồng Mô và Quảng Ninh. Bên cạnh đó, chị cũng tham gia tổ chức sản xuất seri phim Cười từ nhà ra phố. Cô Cam của Những người độc thân vui vẻ làm rất nhiều việc, ít nhiều liên quan đến diễn xuất, nghề chính của mình. Nghề phụ song lại mang đến nguồn thu nhập đáng kể giúp chị nhanh chóng tậu được xe hơi để tiện đi lại.
Xuân Bắc cũng nhanh chóng "xông xênh" nhờ nghề tay trái là dẫn chương trình và tham gia đóng các vai hài trên truyền hình. Nhiều đồng nghiệp bất ngờ vì Xuân Bắc lại nổi nhờ nghề phụ hơn nghề chính. Là diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam song với trên dưới 10 năm theo nghề, anh chưa có một vai diễn thực sự ấn tượng trên sân khấu. Thế nhưng, chàng Núi của phim truyền hình Sóng ở đáy sông đã kịp trở thành gương mặt ăn khách của những vở hài kịch ngắn. Chưa kể, thù lao từ MC chương trình Đuổi hình bắt chữ, Đồ rê mi…luôn hơn hẳn những vai diễn trong các vở diễn của Nhà hát kịch Việt Nam mà anh tham gia.
Với nhiều diễn viên, công việc một năm tại nhà hát cộng vào cũng không bằng mấy tháng chạy sô đóng phim cho đài truyền hình. Một vở kịch có khi phải tập mấy tháng trời, xong, lại vất vả ngược xuôi đi diễn khắp nơi. Nhưng chỉ khoảng một, hai tháng tập trung là họ có thể hoàn thiện một vai dài hơi trong loạt phim truyền hình, “lấy cát xê xong là hết trách nhiệm”.
Diễn viên Trung Hiếu, gương mặt sáng của Nhà hát kịch Hà Nội, kiêm trưởng đoàn cũng thừa nhận thu nhập chính của anh là nhờ tham gia đóng phim và đọc lời quảng cáo. “Lương của Nhà hát không thể đủ cho nhu cầu đời sống nghệ sĩ hiện nay, vì thế dù muốn hay không chúng tôi vẫn phải làm thêm”.
Đồng nghiệp với Trung Hiếu, diễn viên trẻ Kiều Thanh không có nhiều cơ hội nhận vai chính trong các vở kịch. Tài năng của cô nghệ sĩ thế hệ 8x được ghi nhận qua các vai diễn của phim truyện, truyền hình. Chính công việc này giúp cô đủ sức mạnh kinh tế để mua nhà, tậu xe và xin bố mẹ ra ở riêng dù chưa lập gia đình.
Không chỉ là diễn viên đoàn kịch Hải Phòng, Quang Thắng từng là gương mặt MC quen thuộc trong Ở nhà chủ nhật hay các chương trình hài kịch. Công việc này không những giúp anh ổn định cuộc sống mà còn gắn bó lâu dài với nghề diễn sau khi đã thử đổi nghề mấy lần. Các nghệ sĩ Quốc Khánh, Quang Tèo, Tự Long, Hồng Quang…cũng nổi tiếng và tậu xế hộp nhờ truyền hình chứ không phải sàn diễn.
Nghệ sĩ Quang Tèo trên chiếc xế hộp của mình. |
Những diễn viên ít được mời đóng phim thì đi làm trợ lý hay thư ký trường quay cho một đoàn phim. Người có tài tổ chức thì đi dựng tiết mục cho các cơ quan đoàn thể trong các đợt thi văn nghệ quần chúng. Những việc này giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của nghệ sĩ. Công bằng mà nói, diễn viên trẻ bây giờ giàu hơn thế hệ cha anh rất nhiều.
Trong tình cảnh không lấy gì làm sung túc của sân khấu, lãnh đạo các nhà hát cũng tạo điều kiện để diễn viên có cơ hội làm thêm. Vì thế, dù ăn lương tại một nhà hát nhưng thường diễn viên chỉ phải góp mặt khi được phân vai, còn lại thoải mái "tung tăng". Không ít diễn viên được nhận về một đơn vị nào đó song vẫn hiếm có cơ hội nhận vai, vì thế buộc phải làm ngoài kiếm sống.
Đạo diễn Lê Hùng, giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam cho biết, đáng lẽ diễn viên phải thường xuyên đến cơ quan luyện tập, trao đổi để nâng cao kỹ năng biểu diễn. Thế nhưng, họ ngại làm điều ấy hơn là đóng một vai diễn nhẹ nhàng trên truyền hình, làm MC hay bất cứ một công việc gì đơn giản và “ra tiền” hơn.
“Không ít diễn viên nhận vai mà cứ lơ tơ mơ, không hình dung nổi diện mạo nhân vật sẽ hóa thân thế nào nữa. Vậy nhưng mình vẫn phải chấp nhận thôi, giai đoạn khốn khó này, cấm chạy sô thì ối người bỏ nghề mất”.
-
Thu Huyền