- Một Hà Nội vừa xa lại vừa gần, lạ mà quen, khác mà không khác, được năm nhà nhiếp ảnh: Eva Lindskog, Nguyễn Hữu Bảo, Ngọc Thái, Dương Minh Long, Trần Quốc Khanh thể hiện với những góc nhìn, cảm xúc và cả những lý do rất riêng.
Triển lãm ảnh Một Hà Nội khác của năm nghệ sĩ diễn ra tại 52 Hai Bà Trưng từ 13 đến 16/12. Theo yêu cầu của Ban tổ chức, mỗi tác giả tham gia triển lãm Một Hà Nội khác chỉ được chọn 5 bức, con số thật không dễ dàng để nói cho đủ về tình yêu Hà Nội. Nhưng cuối cùng, mỗi người cũng có được sự lựa chọn tương đối hài lòng, dù chưa nói hết được tình cảm của người nghệ sĩ, nhưng gộp lại cũng đủ để tạo ấn tượng về một Thủ đô đang đổi thay từng ngày.
Hà Nội 1995 của tác giả Ngọc Thái. |
Cả 5 bức ảnh đen trắng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Thái đều chớp lấy khoảnh khắc của những người bán hàng rong ở Hà Nội mà chủ yếu là bán hoa. Ông lý giải, bản thân hoa là đẹp, những người bán hoa là phụ nữ sớm hôm tần tảo. Họ chở hoa trên những chiếc xe đạp đi vào thành phố và tạo nên nét đặc trưng của Thủ đô.
Những đô thị khác cũng có người bán hoa nhưng họ bán theo cách khác và cái cách bán hoa rong ở Hà Nội dễ mang lại cảm xúc hơn cả. Vì thế, ông chụp họ qua các thời kỳ ở các địa điểm khác nhau. Tác phẩm Người bán hoa ở Ô quan chưởng chụp từ năm 1993 là một trong những bức ảnh cũ nhất mà ông rất thích. “Tôi muốn thể hiện Hà Nội với cái nhìn giản dị, trong đó cuộc sống đời thường phải thật gắn bó với vẻ đẹp của Thủ đô”.
Khác với cái nhìn tích cực của nghệ sĩ Ngọc Thái, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo lại mang theo rất nhiều trăn trở của một người đã hơn 40 năm cầm máy sáng tác. “Niềm vui lớn và nỗi đau cũng lớn, càng yêu Hà Nội, tôi càng đau trong đó có nỗi đau không cưỡng lại được vì nhu cầu phát triển, nhưng cũng có cái lẽ ra cứu vãn được nhưng vẫn không ai làm. Tất nhiên, không loại trừ có mình ở đó”.
Ảnh chụp ngày 7.3.2008 của Nguyễn Hữu Bảo. |
Và Hà Nội khác của nghệ sĩ Hữu Bảo là một Hà Nội vốn được ít người chụp theo cách chân thực, gồ ghề, không trang điểm. Tuy nhiên, nếu thấy sao chụp vậy thì là chỉ tự nhiên chủ nghĩa, tác phẩm đích thực phải được xử lý bằng con mắt nhìn chuyên nghiệp. Cái khó của nhiếp ảnh là tìm được góc độ sắc, đẩy vấn đề lên tính khái quát hơn.
Theo ông, cái đẹp của nghệ thuật bao gồm cả bi kịch và nhiếp ảnh cũng có thể sánh vai với văn học, báo chí trong việc phản ảnh cuộc sống. Tuy nhiên, cụ thể thế nào thì người xem phải tự cảm nhận, vì rất có thể nó khác nhiều so với ý đồ của tác giả.
Chỉ với 5 bức ảnh chụp từ năm 2008 đến 2009, tác giả "không có khát vọng đổi thay Hà Nội" nhưng cũng muốn góp phần nhằm lý giải những bức xúc chưa giải quyết được của Thủ đô mà hình như người ta đang lẩn tránh. 5 bức chưa thể tiêu biểu cho những suy nghĩ của một người gắn bó lâu năm với Hà Nội. Vì thế: “Nếu được treo khoảng 15 bức thì điều tôi muốn nói sẽ rõ hơn”.
Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long bên bức Làng cổ Đông Ngạc. |
Buồn nhất có lẽ là những bức ảnh của Dương Minh Long. Anh sinh ra tại Hà Nội nhưng từng có thời gian học tập ở nước ngoài và làm việc tại TP.HCM. Ở đâu anh cũng nhớ Thủ đô ghê gớm, mỗi lần về thăm nhà lại vác máy đi chụp. Bức Sáng mùng một Tết ghi lại Hà Nội mờ mờ trong sương sớm, xác pháo đỏ đường. Bức ảnh này anh chụp năm 1993, năm cuối cùng cả nước được phép đốt pháo, vì thế mà nhiều người thích bởi họ được thấy lại ký ức của những cái Tết xa xưa. Bức Phố Đường Thành, con phố mà anh có nhiều gắn bó, khi ấy còn nghèo, khác xa bây giờ đã gợi lại Hà Nội với nhiều kỷ niệm. Bức khác chụp hoa phượng lúc chưa nở, chưa đỏ…đều gợi những kỷ niệm man mác, hoài nhớ.
Sáng mùng một Tết của Dương Minh Long. |
“Ảnh của tôi thường buồn và mang vẻ cô đơn. Nỗi buồn qua ảnh cũng chỉ là lát cắt, nhẹ. Vì thế, muốn thể hiện cho rõ, nó đòi hỏi quá trình chụp nhiều năm”. Cũng giống đồng nghiệp đàn anh Nguyễn Hữu Bảo, với Minh Long, 5 bức ảnh chưa đủ để nói gì về nơi mình sinh ra. Bởi thế, anh muốn có một chuyên đề dài về Hà Nội, bắt đầu từ những năm 1980 đến 2015, thời điểm của kỹ thuật số.
Đặc biệt nhất là Eva Lindskog, tác giả nữ duy nhất trong triển lãm là người Thụy Điển. Đến từ một đất nước xa xôi song Eva khiến người xem bất ngờ vì chị nói tiếng Việt quá sõi. Hóa ra, chị là cựu sinh viên Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn từ đầu những năm 1980, từng nghiên cứu nhiều về lịch sử, văn hóa, văn học Việt. Nay, chị là nhà xã hội học nghiên cứu tại Viện môi trường Stockholm thuộc Trung tâm châu Á.
Trong triển lãm này, Eva muốn miêu tả quá trình thay đổi của Hà Nội, trong đó có một phần của quá khứ và một phần của tương lai. Chị bảo, cách ăn mặc của giới trẻ Hà thành bây giờ không khác Thụy Điển nhưng trong mỗi gia đình vẫn có nề nếp, truyền thống xưa. Theo chị, động cơ của sự thay đổi là kinh tế, vì vậy nó ảnh hưởng đến xã hội, văn hóa và đó cũng là chuyên môn của chị: Đánh giá những tác động xã hội đối với cuộc sống con người. Chị thích nhất bức ảnh một phụ nữ trung niên ngồi bán hàng rong bên cạnh những “cô gái chân dài” trước cửa đền Ngọc Sơn. Họ là hai thế hệ khác nhau, thuộc hai nhóm xã hội khác nhau.
Eva Lindskog bên tác phẩm chị thích nhất. |
Là nhà xã hội học, chị thường sử dụng các bài viết, nhưng chị thấy viết thôi không đủ mà cần thể hiện thêm bằng hình ảnh. Hồi năm 1975 chị đã sang đây trong chuyến đi ngắn song may mắn được chứng kiển một thời điểm lịch sử quan trọng của Việt Nam và cũng có chụp ảnh. Chị từng chụp con phố Hàng Đào vắng vẻ, chỉ vài người đi xe đạp, bây giờ thì đông đúc thế. Nhất là vừa rồi xuống thăm Mỹ Đình: “Ôi khác hẳn, nếu bị bỏ ở đó thì chắc tôi sẽ lạc đường mất”.
Nữ nhiếp ảnh nghiệp dư mong rằng, khi nào có dịp sẽ về lại những địa điểm từng chụp, chụp lại và so sánh. Và đặc biệt, tương lai sẽ triển lãm ảnh Hà Nội ở quê hương mình.
- Thu Huyền