- Nhà thơ Vũ Quần Phương - Trưởng ban Thơ của Hội Nhà văn - trao đổi với VietNamNet về những rắc rối xung quanh việc đề cử tác phẩm thơ vào giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2009.
Ban Thơ đã không đề cử tác phẩm nào, Hội đồng chung khảo lại giới thiệu đến bốn, năm tác phẩm. Tại sao, thưa ông?
- Thì bởi vì việc này không vi phạm quy chế. Từng thành viên của hội đồng chung khảo đều có quyền giới thiệu tác phẩm, chỉ cần thông báo tới ban chuyên ngành thôi. Sau đó, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau và cùng bỏ phiếu. Ai được giải cũng là chuyện mừng, toàn là đồng nghiệp viết lách với nhau cả. Đoạt giải tức là khẳng định được năng lực của mình và đáng biểu dương. Nhưng như thế không có nghĩa là những người không được thì kém hơn. Chính vì giữ quan điểm là năm nay không có tập nào nổi trội hẳn lên cho nên chúng tôi bảo lưu ý kiến là không đề cử tác phẩm nào.
Có phải ban Thơ đã không được tôn trọng đúng mức? Bởi vì đã là hội đồng chuyên môn thì tiếng nói về mặt chuyên ngành phải là số một chứ?
- Chúng tôi không nghĩ đến khía cạnh tôn trọng hay không. Họ làm thế là đúng quy chế. Nếu sai “luật” thì mới cần phản ứng. Bây giờ, tác phẩm đã được giao cho từng thành viên trong hội đồng để mang về đọc lại và thời gian tới chúng tôi sẽ họp để thống nhất ý kiến.
Nhưng một số người trong chính các ban chuyên ngành của Hội đã phản ứng rằng tại sao ban Thơ lại nhún nhường và chịu “bỏ qua” khi rõ ràng là ý kiến của ban thường xuyên bị phủ quyết?
- Đúng là cũng hơi buồn cười vì hai năm trước chúng tôi đều có đề cử thì không được Hội đồng chung khảo duyệt tác phẩm nào. Năm nay, chúng tôi thống nhất không đề cử thì cuối cùng có khi lại có giải thưởng. Liệu đây có thể là phần trăm may mắn bất ngờ của người cầm bút không?
Chúng tôi đã có ý kiến của chúng tôi rồi. Nếu hội đồng chung khảo có ý kiến khác thì chúng tôi tôn trọng và vẫn ủng hộ bằng cách tham gia bỏ phiếu cho tác phẩm. Được nhiều hay ít phiếu ủng hộ lúc này không còn là trách nhiệm toàn phần của ban nữa.
Có người thắc mắc hay là ban Thơ “có vấn đề” gì? Hoặc 9 thành viên Hội đồng thì mỗi người “đi” một phách?
- Từ lâu rồi, chúng tôi đã thống nhất với nhau là mọi chuyện đều bàn bạc thẳng thắn và phát biểu hết mọi ý kiến rồi cùng nhau cân nhắc. Thậm chí, ngay cả bỏ phiếu cho tác phẩm, chúng tôi cũng giơ tay bỏ phiếu công khai chứ không cần làm phiếu kín. Đơn giản là bởi vì chúng tôi làm việc với tinh thần trách nhiệm trước thơ ca và mọi xét đoán đều trên tác phẩm chứ không vì quen thân hay nhờ vả.
Việc xét tác phẩm hàng năm, lẽ ra chỉ nên có một “cửa” thôi (bốn “cửa” chính là: Thơ, Văn, Lý luận phê bình và Dịch thuật). Mọi con đường đều đi qua một “cửa” đó, sẽ tập trung và chính xác hơn. Chẳng hạn thơ viết về dân tộc miền núi thì vẫn là thơ chứ, chỉ cần có đại diện dân tộc miền núi trong ban Thơ là được rồi. Đằng này, quá nhiều “cửa”, thành ra cập kênh. Tác giả đi “cửa” này không được lại chạy sang “cửa” khác cho “dễ lọt” hơn. Theo ý kiến của chúng tôi thì nên giải tán các “cửa” thiên về đề tài, kiểu như Văn học dân tộc miền núi, Văn học quốc phòng, Văn học thiếu nhi…
Nhưng đại hội cách đây bốn năm đã quyết định các quy chế và cơ cấu hoạt động rồi, hiện tại, chưa làm gì thay đổi được ngay thì đành giữ nguyên như thế này.
- Chất lượng của các tác phẩm mà hội đồng chung khảo “lựa chọn lại” như thế nào, thưa ông?
- Mấy hôm trước, chúng tôi vừa họp để cùng bàn bạc, xem xét thì thấy là các tập thơ đó đều yếu.
Nếu đúng như ông nói, thì tại sao những tác phẩm yếu ấy không những giành được đề cử của hội đồng chung khảo mà còn được một số nhà thơ tên tuổi ủng hộ? Như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết bài xin bỏ phiếu cho tập "Đừng múc cạn nỗi buồn" (Nguyễn Thị Ánh Huỳnh), nhà thơ Trần Mạnh Hảo tuyên bố rằng đó là tập thơ hay nhất tính từ năm 1975 tới nay?
- Ý kiến của họ, theo tôi chỉ nên tham khảo thôi. Nếu ban chuyên ngành chúng tôi bỏ quên một vài tác giả thì sự “chọn lựa lại” của hội đồng chung khảo thật là ý nghĩa. Nhưng đằng này, riêng tập thơ của Ánh Huỳnh đã được hội đồng Thơ bỏ phiếu tới hai lần mà vẫn không đạt.
Ánh Huỳnh là một tác giả Nam Bộ, đã vào Hội Nhà văn từ hai năm nay và do chính ban Thơ giới thiệu để kết nạp. Nhưng, việc trao giải cho Ánh Huỳnh hay không lại là chuyện khác.
Thông tin từ Hội nhà văn TP.HCM cho hay, trong lần bỏ phiếu để trao giải ở phía Nam, thơ Ánh Huỳnh cũng không đạt số phiếu quá bán. Điều đó cho thấy, giữa ý kiến cá nhân của một số người (được gọi là “dư luận”) và ý kiến của các hội đồng chuyên môn là một khoảng cách khá xa.
Nếu được đề cử, thì chúng tôi thống nhất giới thiệu tập thơ “Viết dưới bóng quê nhà” của tác giả Lê Văn Ngăn. Anh Ngăn chả thân thiết gì với chúng tôi cả. Tập thơ của anh ấy, chúng tôi tự đi mượn về và chuyền tay nhau đọc. Lê Văn Ngăn viết bằng giọng thơ ôn tồn, phảng phất buồn nhưng đầy độ lượng với cuộc đời.
Tuy nhiên, vì tập sách còn nhược điểm cho nên chúng tôi không đề cử. Thế nếu cần nâng á hậu lên làm hoa hậu thì cũng còn tàm tạm chứ ai lại đi đưa một “người đẹp tổ dân phố” lên đội vương miện, sẽ rất buồn cười. Nói như thế chỉ là một hình thức so sánh dễ hiểu thôi nhé, không có nghĩa là chúng tôi không yêu quý thơ Ánh Huỳnh.
Thực ra, có đề cử mà không đoạt giải là chuyện bình thường, mấy năm liền không có tác phẩm được trao giải cũng là chuyện bình thường nốt. Không có tác phẩm thực sự xứng tầm đoạt giải thì không trao. Đằng sau sự phản ứng của một số cá nhân trên thi đàn, liệu có thể là chuyện gì thưa ông?
- Thì cuộc đời thường diễn ra như thế này: Nếu tác giả đoạt giải, đương nhiên đó là tài năng của họ đang tỏa sáng. Còn nếu không đoạt giải thì có nghĩa là hội đồng dốt nát không nhận ra tài năng của họ.
Tôi nghĩ nếu những cuộc tranh luận đặt được lên bàn sự cọ xát của các hệ mỹ học, các quan điểm nhiều chiều về nghệ thuật thì khác hẳn. Đằng này, nó là cái gì ấy chứ không phải chuyện học thuật.
Đâu phải cứ trao giải thì thơ ca tiến lên, không có tác giả đoạt giải thì thơ tụt lùi. Người làm thơ cứ làm thơ chứ. Giải thưởng có phải là tất cả đâu. Đến giải Nobel mà nhiều nhà văn nhà thơ còn không đến nhận cơ mà. Đằng này, giải thưởng của mình không thể “làm thương hiệu”, giá trị tiền mặt cũng không hẳn là nhiều. Việc gì cứ phải làm ầm ĩ lên như thế.
Năm nay, việc trao giải thưởng và kết nạp hội viên mới đã bị muộn mất rồi. Hy vọng đến lần đại hội tới, quy chế có thể thay đổi thì mọi chuyện sẽ khác đi chăng? Quan trọng nhất là luật phải đúng đã thì bên dưới mới dựa vào đó mà làm việc được.
-
Bài và ảnh: Hòa Bình