Ca sĩ Hồ Ngọc Hà trên sân khấu (Ảnh minh họa). |
Khi nhắc lại tệ hát nhép, và việc NĐ mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2010, nhiều ca sĩ tỏ ra bức xúc vô cùng, vì tại sao chuyện này cứ phải cấm đi cấm lại, nhắc đi nhắc lại mãi, mà thực thi thì chẳng đến đâu. "Đã cấm thì phải làm cho tới, cho triệt để, chứ nói cấm rồi thôi thì thà đừng cấm. Theo tôi, những buổi diễn ngoài trời mà thời tiết quá xấu, ảnh hưởng đường truyền (khi truyền hình trực tiếp), khi đó mới cần đến việc hát nhép, chứ nếu biểu diễn cho khán giả xem, có bán vé thì tuyệt đối phải hát thật. Không hiểu sao nhiều chương trình truyền hình trực tiếp lâu nay (kể cả ở sân khấu trong nhà) lại được phép cho ca sĩ hát nhép", ca sĩ Ánh Tuyết bày tỏ.
Cấm hát nhép là câu chuyện quá cũ, thậm chí quá nhàm, khi đã từ rất lâu rồi, khán giả tức giận phản ứng, báo chí phản ánh, người làm nghề đúng nghĩa càng bức xúc, nhưng đến nay thì thật giả vẫn lẫn lộn, hát sống - hát nhép vẫn... sống chung cùng showbiz.
"Hành vi dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện âm thanh khác đã thu sẵn để thể hiện thay cho giọng hát thật của người biểu diễn sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng" |
Ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty HT Production, quản lý ca sĩ Đan Trường (người từng tuyên bố và treo giải 50 triệu cho bất cứ ai phát hiện Đan Trường hát nhép) cho biết: "Nhiều chương trình - có truyền hình trực tiếp, chúng tôi phải xin được hát thật, có khi phải năn nỉ nữa". Nhưng thường thì, trong một chương trình đã cho ca sĩ hát nhép thì từ đầu đến cuối đều nhép. Bởi nếu một người hát thật thì những ca sĩ còn lại sẽ bị "lộ" ngay, vì âm thanh giữa thật và "giả", sự luyến láy, hơi thở phát ra... của người hát thật và đĩa hát khá dễ nhận biết, như vậy thì không chỉ ca sĩ mà BTC cũng bị mang tiếng. Thế nên, thật trớ trêu khi luật thì cứ cấm mãi, còn ca sĩ thì cứ thoải mái hát nhép. Ngược lại, có ca sĩ lại phải năn nỉ để được... hát thật.
Phạt: Hãy đợi đấy!
Theo điều 33, khoản 2, điểm c NĐ 56 (2006), về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin, sẽ phạt tiền từ 2-5 triệu với những trường hợp dùng băng đĩa hoặc các phương tiện âm thanh khác đã thu sẵn để thể hiện thay cho giọng của người biểu diễn. Nhưng thử hỏi đến nay các cơ quan quản lý, những đơn vị có thẩm quyền đã thu được bao nhiêu tiền phạt, đáng nói hơn là có được bao nhiêu người trong đội ngũ chịu trách nhiệm đi kiểm tra, phát hiện để mà phạt?
Cần phải nói thêm, chuyện hát nhép không chỉ riêng VN, mà nhiều nước khác cũng vẫn tồn tại, song đa số các trường hợp nhép đều không giấu diếm (thường trong show diễn riêng của các ca sĩ - đều đã nổi tiếng, với tiết mục cần đầu tư cho phần nhìn nhiều hơn), và được số đông khán giả đồng tình. Còn ở ta, hầu như các trường hợp hát nhép là vì ca sĩ còn yếu, muốn nổi tiếng trong khi thực lực chưa đủ, rồi ca sĩ hát nhép lẫn lộn giữa ca sĩ hát thật, nên khán giả khó chấp nhận. Nên, xem ra việc cấm chỉ trông chờ vào ý thức và lòng tự trọng nghề nghiệp của ca sĩ, còn nếu chờ phát hiện để phạt thì... hãy đợi đấy!
"Nếu phát hiện hát nhép sẽ đình chỉ chương trình"
|
Vẫn có thể "du di"!
Việc phát hiện sai phạm có thể do thanh tra các Sở VH-TT-DL địa phương tiến hành, nhưng cũng rất cần sự phối hợp, sự lên án hát nhép một cách mạnh mẽ từ các phóng viên báo chí và các khán giả. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là sự tự nhận thức, tự nâng cao đạo đức nghề nghiệp và ý thức tự trọng của từng nghệ sĩ. |
(Theo Thanh niên)