221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1251437
Trung Trung Đỉnh không thoát được khỏi cuộc chiến
1
Article
null
Trung Trung Đỉnh không thoát được khỏi cuộc chiến
,

 - "Lạc rừng", "Ngược chiều cái chết", "Tiễn biệt những ngày buồn", "Ngõ lỗ thủng", "Sống khó hơn là chết"... Hàng loạt tiểu thuyết khiến người đọc luôn hình dung Trung Trung Đỉnh là nhà văn của đề tài chiến tranh. Ông tuyên bố sẽ còn viết tiếp về đề tài này. "Ai nói gì thì nói. Việc viết, tôi cứ viết...".

Mô tả ảnh.
Bìa cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trung Trung Đỉnh
Cuốn tiểu thuyết "Sống khó hơn là chết" chỉ gói gọn trong vòng 160 trang in mà ông viết từ những năm 1980 cho đến 2007 và tận bây giờ mới công bố?

- Đúng thế, chả có cuốn tiểu thuyết nào mà tôi viết dưới 10 năm cả. Tất nhiên tôi cũng viết lai rai thôi, và cũng có những lúc bị ngắt đoạn. Nhưng nói chung là tôi viết chậm lắm. Và không tính được. Tôi không có kế hoạch, không có dàn ý bao giờ. Tự tác phẩm nó ra đời thôi.

Khoảng cách về thời gian dài như thế, vấn đề mà ông đặt ra với nhân vật chị Nhài, nhà khoa học tên Hải, các cựu chiến binh Mười, Chung, Nhiên... trong cuốn tiểu thuyết cũng là những ám ảnh của một xã hội hậu chiến; ông có sợ chủ đề này sẽ "lạc thời" với hiện tại?

- Tôi chưa bao giờ viết sách hot, sách thời thượng hoặc đặt những vấn đề thời sự nên không sợ điều đó.

"Sống khó hơn là chết" có một nhân vật rất "đương đại" là tờ tiền lẻ và câu chuyện của nó. Nhưng đoạn đầu truyện thì nó xuất hiện từ thời hậu chiến, còn đoạn sau, hình như nó lại "hòa nhập" luôn với thời hiện đại trong cách nhìn ngắm và suy ngẫm về các "em gái 8X", "xì-tin", các lối ăn chơi phóng đãng cơm văn phòng hẹn hò nhà nghỉ thời hiện đại. Về nhân vật này thì chưa thấy ai lên tiếng nhưng các nhà phê bình và bạn văn đều đánh giá là ông không thành công lắm với những đề tài đương đại như "Ngõ lỗ thủng" và "Tiễn biệt những ngày buồn". Cá nhân ông thấy sao?

- Tôi không thấy thế. Nước ta chưa có thói quen điều tra xã hội học về một vấn đề nào đó nên chỉ đánh giá theo cảm tính.

"Tiễn biệt những ngày buồn" theo cá nhân tôi là cuốn tiểu thuyết tuy viết theo lối cổ điển nhưng lại hoàn chỉnh nhất. "Tiễn biệt những ngày buồn" không bán chạy bằng "Lạc rừng" nhưng cũng đã in đi in lại hơn 10 lần và âm thầm đi vào đời sống văn chương. Tôi thấy là nó có hiệu ứng đáng kể nhất với các nhà chuyên môn.

Khi viết xong "Tiễn biệt những ngày buồn", tôi bị choáng mất một thời gian khá dài. Tôi thấy mình cạn kiệt hết tất cả và không hình dung là còn có thể viết được nữa. Cảm giác như con người mình nham nhở hết cả ra. Thế nhưng sau đó lại có "Ngõ lỗ thủng", gần như là một vĩ thanh của "Tiễn biệt những ngày buồn".

Các cuốn tiểu thuyết của ông đều viết bằng ký ức, trước thì "Lạc rừng", nay là "Lạc phố" như cách bạn bè vẫn gọi đùa?

- Đó cũng là cách nói thôi. Nhưng tôi lạc thật. Sống giữa phố phường chẳng bao giờ tôi thấy yên ổn cả.

"Sống khó hơn là chết" bây giờ mới giới thiệu nhưng vẫn viết về cuộc sống hậu chiến, tất cả các nhân vật đều không thoát ra được khỏi cuộc chiến tranh. Tất cả đều ngoái lại quá khứ, chính vì thế họ không thể tiến tới tương lai.

Bản thân chiến tranh đã là bất bình thường rồi. Cuộc sống hậu chiến với những ấn tượng dai dẳng vẫn "ăn mòn" đầu óc tôi. Nhưng tôi nghĩ đề tài gì không quan trọng mà viết như thế nào mới là quan trọng. Quá khứ hay hiện tại hoặc tương lai mà viết dở thì cũng chả ai đọc.

Nhưng nhiều người gọi tình trạng đó là "gặm nhấm quá khứ". Các nhà văn của mình thường "ăn" bản thân suốt?

- Không ăn mình thì ăn ai bây giờ? Những câu chuyện của ngày hôm qua được tái hiện lại trong câu chuyện. Đã là nhà văn thì chẳng ai không viết bằng ký ức của mình. Đấy chỉ là những người coi thường và không đối thoại được với quá khứ thì mới phát biểu thế. Có một câu nói rất hay mà tôi được nghe từ nhà văn Nguyễn Minh Châu và luôn nhớ nằm lòng, đó là "Đi đến tận cùng của cái cá nhân, sẽ gặp nhân loại".

Chuyện viết văn của tôi thì chỉ là lao động nghiệp dư thôi, tài tử quá, không bài bản, khoa học được như nhiều người. Tôi viết là cứ viết thôi. Nghĩ đằng đẵng về nhân vật của mình, đến khi viết ra thì nhân vật dẫn dắt mình và tự có đường đi của họ. Cũng có lúc ngần ngại vì bị bế tắc. Đáng lẽ định thế này thì nó lại thành ra thế kia.

Mô tả ảnh.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh

- "Sống khó hơn là chết" được đưa vào chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn 2009. Ông có ngại ngần khi bạn văn đánh giá là chủ tịch hội đồng văn xuôi thì đương nhiên có tác phẩm vào chung kết?

- Tôi viết chưa bao giờ chủ ý là để dự thi ở đâu cả. Như "Lạc rừng" trước kia cũng thế, tôi có dự thi tiểu thuyết đâu nhưng đoạt giải là việc tự nhiên thôi. Và tôi thấy nó cũng bình thường. Đó là đánh giá, ghi nhận của anh em bạn bè, đồng nghiệp.

Năm nay, tôi cũng không muốn mang tiếng nên đề nghị rút sách của mình ra nhưng hội đồng yêu cầu phải để lại. Và thật ra thì tôi cũng không sợ gì cả. Có gì to tát đâu mà phải làm cho tình hình căng thẳng ra khiến đôi bên đều khó xử, và buồn cười nữa.

Thôi thì nếu ai muốn nói thế nào cũng được. Người ta nói gì cứ nói, tôi viết gì cứ viết. Cuộc sống cứ xô đẩy và có những điều chúng ta phải chấp nhận theo dòng chảy tự nhiên đó. Những cuốn sách có cuộc sống riêng và tự nó sẽ khẳng định vị trí chứ giải thưởng không khẳng định được. Với lại lâu nay, người ta có coi giải thưởng ra gì đâu. Đến bạn bè văn chương còn không chịu đọc nhau nữa là.

Ông có muốn sách của mình được giải? Một số người đã từng từ chối giải thưởng Hội Nhà văn?

- Nói là không muốn thì không đúng, như thế là nói dối. Những người từ chối giải thưởng có thể rất cao siêu hoặc ngược lại, rất thấp. Bởi vì họ quá quan trọng chuyện giải thưởng. Còn tôi chỉ là người bình thường. Tôi không nghĩ vấn đề nghiêm trọng tới mức khiến tôi trở nên mất nhân cách hoặc cảm thấy mình được tôn vinh cao hơn khi có tác phẩm vào giải.

Nhà văn làm lãnh đạo có ảnh hưởng đến chuyện viết lách không, thưa ông? Nhiều người lên lãnh đạo rồi thì không viết được nữa?

- Ảnh hưởng quá đi chứ. Làm lãnh đạo mà chả kiếm đủ tiền nuôi vợ nuôi con (cười). Nhưng tôi vẫn viết. Riêng chuyện viết thì chả có gì làm tôi khác đi được. Sang năm tôi sẽ có một cuốn tiểu thuyết mới, tên là "Lính trận", khoảng 200 trang. Vẫn là đề tài chiến tranh. Và chỉ tập trung cụ thể vào một trận đánh.

  • Hòa Bình (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,