- Đã gần hết tháng 1/2010 nhưng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009 vẫn chưa được trao. VietNamNet có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo – một trong những cựu thành viên hội đồng thơ (Hội Nhà văn) về vấn đề này.
>> Giải thưởng thơ HNV 2009: Việc gì phải ầm ĩ lên thế!
>> Giải thưởng Hội Nhà văn 2009: Vẫn “mất mùa” thơ
- Thưa ông, giải thưởng văn học năm 2009 của Hội nhà văn (trao cho tác phẩm in trong năm 2008) bị chậm trễ như thế là vì sao?
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
- Những ngày đầu tiên của năm mới 2010, Hội Nhà văn phải tập trung toàn bộ sự chuẩn bị và chú ý vào Hội nghị giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài. Thế nên cũng khó đòi hỏi họ có thể chu toàn với những việc khác.
Còn một sự “đột biến” nữa trong lần chấm giải năm nay là hội đồng thơ không đề cử nhưng Ban chung khảo lại muốn giới thiệu, khiến công chúng thắc mắc. Mà quả thật là người ta đặt vấn đề cũng phải thôi, bởi vì chất lượng thơ của năm nay không thua gì năm ngoái. Theo tôi, năm nay các nhà thơ in ấn còn chọn lọc hơn. Những người có tên tuổi trong làng thơ đã có ý thức giới thiệu với công chúng những tập thơ ấn tượng, chất lượng nghệ thuật cao chứ không phải là viết ra cái gì thì in cái đó. Ngay cả thơ trẻ năm nay cũng không còn ào ạt như trước mà tỏ ra trầm tĩnh hơn.
- Nhận định của người làm nghề như thế nhưng Hội đồng thơ của Hội không thấy thế và không đề cử. Liệu người làm thơ có thấy bất công?
- Giới thiệu hay không là quyền của Hội đồng thơ nhưng quả thật tôi thấy nhìn nhận như thế là quá khắt khe. Có thể là do một cách nghĩ nào đấy của một vài cá nhân nào đấy thôi. Chứ tôi cho rằng không cần phải quá quan tâm đến việc chất lượng thơ năm nay có vượt trội so với năm ngoái hay không, giải thưởng chỉ trao cho năm đó thôi, kể cả chọn cột cờ trong bó đũa thì vẫn nên chọn.
Cũng y như ban giám khảo chấm thi hoa hậu thôi. Có thể hoa hậu năm trước đẹp hơn hoa hậu năm nay nhưng không phải vì thế mà năm nay không chọn được ai là hoa hậu.
Phải khuyến khích hoạt động của năm đó. Còn nếu đặt ra sự so sánh, chỉ cần so ngay giữa các tập thơ đoạt giải với nhau thôi, ai cũng thấy rõ ràng là nhiều tập được giải xong thì rơi ngay vào quên lãng và một số tập không được giải thì lại gây sự chú ý của người đọc nhiều hơn.
Hồi tôi còn ở trong Hội đồng thơ (2001-2005), khi họp vắng mặt tôi và nhà thơ Thanh Thảo, đến khi đi công tác về, tôi đề nghị nên xem xét tập trường ca “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương. Tập thơ đó rất khá, nếu không xét thì bất công. Ban chấp hành đã đồng ý và chúng tôi có trao đổi, có tranh luận trong hội đồng thơ. Cuối cùng thì tập thơ này chiếm được cảm tình chung của cả ban thơ với số phiếu rất cao. Quan trọng hơn, sau khi được giải, trường ca “Trầm tích” đã thu hút rất nhiều nhà phê bình, bạn văn và dư luận yêu thích, cùng phân tích, đánh giá, đề cao và ghi nhận. Nếu tôi cũng dĩ hòa vi quý thì tập thơ này sẽ ở ngoài giải.
- Điều này chứng tỏ quan điểm cá nhân của mỗi thành viên trong hội đồng giải thưởng là rất khác nhau và giải thưởng trao cho tác phẩm nào thì lại phụ thuộc rất nhiều vào sự thẩm định của các quan điểm khó thống nhất đó?
- Vì mỗi nhà thơ đã là một cá tính, một phong cách. Thậm chí là người đời còn nhìn các nhà thơ như những kẻ lập dị cơ mà. Nhưng dù sao, tôi vẫn cho rằng hội đồng bao gồm những người đã được lựa chọn, họ quan tâm đến thơ ca chung, biết cách đọc thơ và có những kinh nghiệm, lý luận để bình giá thơ ca.
Còn thì tất nhiên có người đọc được nhiều "gu", có người chỉ trung thành với một "gu". Cho nên lá phiếu của mỗi người sẽ rất khác nhau.
- Năm nay, sự mâu thuẫn về quan điểm tỏ ra rất đối chọi, nhất là liên quan đến tập thơ được nhắc tới của một vài tác giả?
- Anh em làm nghề chúng tôi đều cho là năm nay hội đồng thơ thiếu con mắt xanh để nhìn nhận và phát hiện cây bút. Như nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã phát biểu thì “Đừng múc cạn nỗi buồn” của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là một tập thơ hay.
Tập thơ có sự "bất đồng " giữa Ban Thơ và Ban chung khảo
Tôi cũng cho rằng đây là một tập thơ đáng đọc. Thơ Ánh Huỳnh mang đến một con mắt thơ tương đối trong trẻo, có độ sâu thẳm của bản năng nhưng có tính tư tưởng sâu sắc và được thể hiện trong những ý tưởng mới lạ. Mặc dù năm nay cũng có những tập thơ chững chạc nhưng “Đừng múc cạn nỗi buồn” đánh động được vào tâm can của người đọc hơn là những tập thơ khác.
Vậy mà hội đồng thơ, cụ thể là nhà thơ Vũ Quần Phương lại chỉ đánh giá rằng những cái hay cái đẹp này mới chỉ ở tầm cỡ “hoa khôi phường”, chưa xứng đáng là “hoa hậu” quốc gia. Hội đồng không đánh giá thì thôi nhưng Ban chung khảo lại đề xuất nên đưa vào. Tất nhiên là ý kiến qua lại thì cũng vui thôi nhưng như thế là đã có sự vênh nhau kinh khủng.
Nhà thơ không nhất thiết phải khẳng định tên tuổi của mình bằng giải thưởng. Và cũng không nên ủng hộ chủ nghĩa xuê xoa, dễ dãi, nhưng cần động viên đúng lúc và kịp thời tới những cây bút sáng tạo thứ nghệ thuật mong manh và khó tính như thơ ca
Như nhà thơ Pablo Neruda (nhà thơ Chile đoạt giải Nobel về Thơ năm 1971) thì giải thưởng chỉ giống như những hạt phấn đậu ở trên cánh bướm; và khi con bướm bay đi thì phấn cũng rơi theo gió mất thôi.
- Bài và ảnh: Hòa Bình