Bốc thăm để được chăm “ông”
La Phù, làng quê thuần nông vùng đồng bằng Bắc Bộ (huyện Hoài Đức, Hà Nội), từ trăm năm nay đã lưu giữ truyền thống lễ rước “lợn ông” vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, sau Tết Nguyên đán.
Tục lệ rước lợn trong hội đình La Phù, gắn liền với câu chuyện về một vị tướng tài ba lỗi lạc, mải mê đánh giặc giữ nước đến quên đón Tết, đã mổ lợn khao quân sau chiến thắng oanh liệt, nhưng đã qua Tết tới ngót hai tuần.
Trang trí "lợn ông" trước khi rước ra đình làng làm lễ tế thần - một phong tục tập quán hàng trăm năm của làng La Phù. - Ảnh: K.T
Vị tướng ấy, về sau mất cũng nhằm ngày 13, nên ngày giỗ của ông đã trở thành ngày hội làng, với tục lệ nuôi lợn ông đợi ngày tế.
Vì chỉ một năm mới có một lần, nên những người đăng ký xin nuôi “lợn ông” phải xếp hàng, bốc thăm để được “chọn mặt gửi vàng”. Gia đình nào may mắn được giao trọng trách, mừng còn hơn trúng số độc đắc, bởi đấy cũng là điềm báo một năm nhiều tài lộc, được Đức ngài phù hộ phúc, đức đầy nhà.
Lễ hội rước lợn tế thành hoàng làng của La Phù gồm có 17 đầu lợn, phân theo 17 thôn trong xã. Mỗi thôn sẽ chọn một “ông” được chăm bẵm vỗ béo 12 tháng trời, tắm rửa sạch sẽ để trở thành lễ vật để tế thần.
Sau những nghi thức truyền thống, ban tổ chức lễ hội sẽ trao giải cho những “lợn ông” đẹp nhất, dựa trên các tiêu chí đã có từ xưa như: mặt đẹp, mông nở, ngực nở, tai to, dáng cao, mình trắng, không có bất kỳ vết sẹo nào trên mình, không có nốt đỏ trên da…, để trao giải nhất.
Mắc màn chăm “lợn ông”
Người dân làng La Phù kiêng không gọi những con lợn được lựa chọn làm vật tế trong ngày hội bằng “tên húy”, mà kính cẩn gọi là: “lợn ông”. Bởi, đấy không phải là một vật nuôi bình thường, mà là phương tiện để chuyển niềm bái vọng kính cẩn của hàng ngàn hộ dân trong xã tới tổ tiên, cha ông có công khai làng lập ấp La Phù từ trăm năm trước.
"Lợn ông" của thôn Minh Khai 1 do ông Trịnh Quang Đoàn chăm sóc, nặng 178kg. Đây là lần thứ hai gia đình ông Đoàn may mắn được làng "chọn mặt gửi vàng". - Ảnh: K.T
Thôn Minh Khai 1 nằm giữa làng La Phù với hơn 350 hộ dân, tương đương cả ngàn khẩu. Vì có nhiều hộ dân, mà hộ nào cũng mong mỏi được “đăng cai” nuôi “lợn ông” làm vật tế thần, nên các già làng trong thôn đều tuân thủ luật bất thành văn: bốc thăm chọn nhà nuôi lợn.
Tiêu chí được chọn, trước tiên là những cụ cao niên mà chưa một lần có phúc phần chăm “ông”, sau nữa đến các bậc trung niên, rồi mới đến đám cháu con trẻ tuổi. Ấy là một nguyên tắc của làng, không căn cứ vào gia cảnh nhà đó giàu hay nghèo.
Năm nay, gia đình ông Trịnh Quang Đoàn là người may mắn vượt qua hàng trăm gia đình khác trong thôn, được đức ông chọn lựa. Đây là lần thứ hai, cả gia đình ông Đoàn có được niềm may mắn ấy.
Phải đến khi "lơn ông" đã được nằm lên kiệu chờ giờ đẹp rước ra đình, những người nuôi "lợn ông" như gia đình ông Đoàn mới được thở phào nhẹ nhõm. - Ảnh: K.Trung
Ông Đoàn cho biết: “lợn ông” được nuôi, cũng là một chú lợn giống bình thường. Thế nhưng, khi bắt đầu đón lợn giống về chuồng, sau khi gia chủ lên khai báo với Đức ngài về chú lợn được chăm làm vật tế thần, thì chú lợn ấy đã được các đấng thần linh gửi vào đó những điều bí ẩn. Chú lợn đó, sẽ được ngài phù hộ cho lợn hay ăn chóng nhớn, không ốm đau bệnh tật. Chú lợn vía ấy, cũng là điềm tốt báo hiệu một năm cả làng mùa màng bội thu, thóc lúa chật bồ và của nả sinh sôi đầy nhà.
Chú lợn giống ban đầu, gia chủ tự bỏ tiền túi ra mua. Hiển nhiên, đó sẽ là một chú lợn giống “tốt tướng”: tai to, mặt nở, mông nở, mình trường, dáng cao, da trắng hồng, ăn xốc và tốt nết, không có tính phá bĩnh.
Vì là lần thứ hai, nên ông Đoàn có nhiều kinh nghiệm nuôi lợn tế. Cả nhà suốt một năm cẩn trọng đến từng tý, để tránh những điều sơ sẩy động chạm tới đức ngài. Chú lợn tế được chăm nuôi theo một chế độ đặc biệt: nuôi tại chuồng riêng, được vệ sinh hàng ngày và tắm rửa sạch sẽ, thức ăn phải mới, không ôi thiu, không cũ. Đồ nấu nuôi “lợn ông” phải là rau sạch, gạo mới, cám thơm, không có vảy trấu. Kiêng kỵ nhất, không được dùng bất kỳ một loại cám nuôi tăng trọng, hay các loại thuốc kích thích lợn ăn nhiều, ngủ nhiều…
Càng đến gần ngày làng mở hội, chế độ chăm “ông” càng đặc biệt kỹ lưỡng. Những ngày cuối năm trời nồm ẩm, muỗi nhiều, các gia chủ nuôi lợn tế còn phải quây mùng để tránh muỗi cho lợn ông, nhằm bảo vệ làn da mịn, không để bất cứ vết sần, vế đỏ vì muỗi đốt. Chế độ ăn cũng có sự thay đổi: cháo gạo nếp, tắm rửa ngày hai lần, và chỉ cho “lợn ông” ăn hai bữa.
Lễ rước kiệu được bắt đầu khi hoàng hôn bắt đầu xuống. - Ảnh: K.T
Theo phong tục, nếu để “lợn ông” bị ốm đau, còi cọc, xấu xí, không những không mang lại cơ hội đoạt giải “lợn ông đẹp nhất” cho thôn, mà đó sẽ còn là điềm báo gia chủ và cả thôn một năm không may mắn.
“Lợn ông” do gia đình ông Đoàn nuôi năm nay cân nặng đúng 178kg. Từ 13h ngày 13 Âm lịch, sau khi cụ cao tuổi nhất thôn ra đình xin quẻ âm dương để báo cáo Đức ông làng mở hội, và xin phép được hiến "lợn ông" kia làm vật tế, mọi việc giết lợn tế thần mời được tiến hành.
Những gia chủ nuôi lợn, được cả thôn bỏ tiền ra mua, theo quy định mỗi gia đình đóng góp 100 ngàn đồng/hộ. Sau lễ tế thành hoàng tại đình làng, “lợn ông” sẽ được chia lộc đều cho các gia đình, và một buổi bốc thăm chọn nhà “đăng cai” nuôi “lợn ông” cho lễ hội năm sau, lại được tiến hành.
“Ông lợn” của tôi năm nay, được thôn trả gần 8 triệu. Giá bán chỉ tương đương giá thị trường, có khi còn thấp hơn vài giá. Tuy nhiên, kinh tế không phải vấn đề quyết định, mà quan trọng nhất, đấy là tín ngưỡng và tâm linh. Thú thực, phải đợi đến tận khi “lợn ông” được sắp lên kiệu đợi giờ đẹp rước ra đình làng, tôi mới thở phào!” – ông Đoàn hào hển.
Chùm ảnh: Rước lợn La Phù xuân Canh Dần qua ống kính phóng viên VietNamNet
Sau khi được mổ sạch sẽ, "ông" ỉn sẽ được trang trí. Và công việc trang trí cho "ông" ỉn chỉ dành cho nam giới làm. |
Ngoài "ông" ỉn, xôi, thì lễ rước còn có mâm hoa quả để đưa vào đình. |
Ông chủ tế đại diện cho thôn kiểm tra việc trang trí "ông" ỉn lần cuối trước khi rước vào đình. |
"Ông" ỉn được rước ra đình lúc trời bắt đầu tối. |
Thanh niên trai tráng đi đầu rước "ông" ỉn trên kiệu, các cụ già trong thôn sẽ đi ngay phía sau. |
Mỗi "ông" ỉn được rước trên kiệu cùng 2 chiếc lọng |
18 "ông" ỉn trong lễ hội La Phù xuân Canh Dần được rước vào đình làng trước 12 giờ đêm |