- “Không ai hạnh phúc được cả đời, cũng không ai khổ cả đời. Không cân bằng được thì tự mình làm khổ mình” NSND Lan Hương.
Gần 50 tuổi với 2 cuộc hôn nhân và gắn bó mật thiết với những thăng trầm của sân khấu, Lan Hương thực sự khiến chúng tôi bất ngờ. Bởi, đằng sau gương mặt trẻ trung ấy, đằng sau vẻ bề ngoài có phần mỏng manh ấy là một cá tính mạnh, một tâm hồn quyết đoán, sống và yêu hết mình!
NSND Lan Hương. Nguồn xomnhiepanh.com
Trăm niềm đau sẽ lắng lại bởi một niềm yêu!
Hơn 30 năm kể từ khi “ Em bé Hà Nội” với khuôn mặt hồn nhiên, trẻ trung xuất hiện trên màn ảnh, Lan Hương vẫn giữ được nét thanh xuân của một thời. Người ta ca ngợi và gọi chị là “người đàn bà mang khuôn mặt trẻ thơ” quả không sai. Tôi không nghĩ rằng người đàn bà đang ngồi đối diện với tôi đây đã gần 50 tuổi. Chị vẫn sở hữu một làn da mịn màng mà ở đó khó lòng tìm thấy dấu vết của thời gian. Có được điều ấy bởi lẽ Lan Hương luôn tâm niệm “Trăm niềm đau cuối cùng sẽ lắng lại bởi một niềm yêu!”. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị luôn luôn nghĩ và tin như thế!
Lan Hương được trời phú cho một tâm hồn nhạy cảm nên những rung động đầu đời chợt đến khi chị mới chỉ là cô bé 12-13 tuổi. Để rồi ở cái tuổi 15 trong sáng, chị đã biết thế nào là tình yêu, và thậm chí thế nào là “yêu để cưới”.
Ba năm sau, mặc cho bố mẹ gia đình can ngăn, mặc cho quy định của nhà hát phải làm diễn viên được 3 năm mới được lấy chồng, mặc cho dư luận bàn ra tán vào, chị quyết định tiến đến hôn nhân với người đàn ông cùng đoàn đã từng một đời vợ và hơn chị cả chục tuổi. Thế nhưng, khi sinh xong con gái Mỹ Hạnh cũng là lúc chị quyết định chia tay. Một cuộc hôn nhân ngắn ngủi đủ để chị nhận ra rằng tình yêu và lòng thương là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Lan Hương rất yêu con, rất muốn được ở bên cạnh chăm sóc cho con nhưng chị đã gạt nước mắt cho Mỹ Hạnh theo bố ra nước ngoài để sống một cuộc sống sung túc hơn. Lúc đó không ai hiểu nỗi lòng của chị, rất nhiều những lời trách móc, thậm chí đến con gái chị cũng giận mẹ, cho rằng bị mẹ bỏ rơi. Còn chị chỉ có một quyết tâm là làm thế nào để cho con mình được sống tốt nhất, đầy đủ nhất.
Ở vào tuổi đời còn quá trẻ, vấp ngã ấy có thể khiến nhiều người không đứng dậy nổi. Thế nhưng Lan Hương không yếu đuối như cái vẻ ngoài mỏng manh của chị. Khi trái tim bị tổn thương thì việc cố để không buông thả cảm xúc của mình đã là khó khăn. Nhưng ở chị lại xuất hiện sự nhạy cảm của người mẹ, sự quả quyết và lý trí ít ai hiểu được. Một người mẹ xa con, hoàn toàn cô đơn về tình cảm, chị chỉ còn những đam mê nghệ thuật đang còn dang dở. Và rồi nghệ thuật một lần nữa là cái nôi của tình yêu, là bà mối dẫn chị đến với hạnh phúc đích thực của đời mình.
Có lẽ vì điện ảnh đã chọn Lan Hương nên đã se duyên cho chị rất tình cờ. Ngày nhỏ chị thích vẽ, thích hát, thích cả đi học múa. Trong tâm tưởng của mình, chị luôn nghĩ sau này sẽ trở thành hoạ sĩ hoặc nghệ sĩ múa balet tu nghiệp tại Nga như ước nguyện của mẹ. Nhưng cuộc gặp gỡ định mệnh khi được đạo diễn Hải Ninh phát hiện năng khiếu diễn xuất và giao vai diễn trong phim “Em bé Hà Nội” đã làm thay đổi cuộc sống của chị. Cũng từ đó niềm yêu thích môn nghệ thuật thứ 7 nhen nhóm và lớn dần lên trong chị. Chính từ buổi đi chơi với bạn qua 33 Nguyễn Thái Học, thấy bảng thông báo tuyển diễn viên kịch, cô bé Lan Hương khi ấy chợt nhớ những ngày bé mới 4-5 tuổi, hay được theo bác Hoan và bà Thuý Ái đến đoàn kịch Hà Nội xem. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ, chị tự hỏi: Kịch là như thế nào? Kịch mà giống như ở đoàn Hà Nội thì cũng chán lắm! Nhưng lại thấy yêu cầu là phải biết hát biết múa, như thế là đúng ý chị rồi, chỉ cần được hát được múa, thích quá thế là về viết đơn nộp ngay!
Hôm thi tuyển phải có đến cả nghìn người chen nhau trước tiền sảnh Nhà hát lớn. Chờ mãi mà chẳng thấy xướng tên mình, Lan Hương định bụng bỏ cuộc đi về. Thế rồi trong đám đông ấy có người nhận ra chị đóng vai cô bé Ngọc Hà trong phim “Em bé Hà Nội” nên các cô chú giám khảo ưu ái gọi vào thi. Chị cười bảo hồi đó mà đi về thật thì chắc cuộc đời đã rẽ sang một hướng khác. Năm ấy nhà hát Tuổi trẻ mới thành lập và trong số hàng nghìn hồ sơ chỉ có 41 người được chọn, đến khi tốt nghiệp chỉ còn 12 người, tất cả đều đã thành danh, trong đó có nghệ sĩ nhân dân Lan Hương.
Ngày đó, rất nhiều người thích đi xem kịch, nhưng trong quan niệm xã hội lúc ấy cho rằng diễn viên là nghề “xướng ca vô loài” nên cả gia đình đã phản ứng gay gắt với quyết định của Lan Hương. Cụ bà đẻ ra ông ngoại chị cũng là diễn viên, vì yêu nghề quá mà bỏ cả chồng cả con. Con gái của cụ lớn lên không có mẹ mà phải ở với mẹ cả rất cực khổ. Sau này ông ngoại chị nói đó là số mệnh nên ông rất thương chị và cháu Mỹ Hạnh. Bởi, ông nhìn thấy hình ảnh của cụ bà ở hai mẹ con chị. Lúc ấy, Lan Hương đã buồn nhiều, nước mắt rơi cũng nhiều nhưng không còn cách nào khác, số phận đã an bài, sân khấu đã chọn Lan Hương để chị tỏa sáng.
Không có sân khấu, Lan Hương sao có được hạnh phúc?
Hiện nay Lan Hương là trưởng đoàn kịch thể nghiệm của nhà hát Tuổi trẻ. Chị đã đạo diễn 5 vở kịch hình thể trong đó có 2 vở thiếu nhi, 3 vở người lớn. Chị là một nghệ sĩ đầy tâm huyết, nhất là khi thể loại mà chị đang theo đuổi vẫn còn mới mẻ và nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với công chúng. Bởi, múa lại yêu cầu tập trung nhìn chứ không phải nghe, nếu không theo dõi sẽ không hiểu được ý nghĩa của những động tác múa. Nhưng Lan Hương luôn tin rằng chỉ khoảng 1-2 năm nữa kịch hình thể sẽ khiến khán giả thay đổi cách nghĩ và thói quen. “Khi mà văn hoá trở thành nhu cầu bắt buộc của cuộc sống, anh không đi xem kịch thì người ta sẽ cười anh, đi xem nhiều thành quen, quen đâm ra thích. Rồi phải xã hội hoá nhiều thứ như truyền hình, mạng internet…”.
NSND Lan Hương và con gái
Đoàn kịch của Lan Hương có 20 diễn viên, trẻ nhất là sinh năm 1989. Là nghệ sĩ hết mình với nghệ thuật nên chị luôn đau đáu với công tác đào tạo diễn viên trẻ, chị bảo: “Diễn viên trẻ hiện nay, các bạn ấy có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là rất sung sức nhưng các vai diễn hầu hết chưa để lại dấu ấn đặc biệt. Nghề diễn viên mất nhiều mồ hôi nước mắt lắm. Ngày xưa mỗi lần đến giờ diễn tôi thường đến sớm hóa trang rồi ngồi sau cánh gà không nói chuyện với ai để tập trung vào nhân vật. Mỗi lần diễn xong không thấy khán giả nhìn mình là biết ngay hôm đó diễn không đạt. Rồi cả tối hôm đó về mất ngủ, trằn trọc suy nghĩ xem mình diễn chỗ này, chỗ kia như thế nào, không được ở đâu. Còn bây giờ nhiều bạn diễn xong là quên ngay lập tức vai diễn này, nhảy sang vai diễn khác. Hình như họ không mấy quan tâm đến cảm nhận của khán giả…”
Lan Hương trước mặt tôi hôm nay không ưu phiền, không đau khổ. Chị đã vượt qua mọi định kiến và rào cản xã hội, có lẽ là do suy nghĩ thẳng thắn, dám làm dám chịu và bản chất hồn nhiên trước những thử thách của cuộc sống. Ở chị toát lên sự nhẹ nhàng, thanh thản và thoả mãn.
Chị bảo những gì người khác cảm nhận thì chị không biết nhưng đối với chị thì nghề nghiệp không phải là nguyên nhân của sự đổ vỡ và bất hạnh. Cái nhìn của chị cũng rất công bằng. Nghề nào cũng có mặt trái, mặt phải, đã bước chân vào thì phải chấp nhận. Người nghệ sĩ giống như bao người bình thường khác, cũng có những trục trặc trong đời sống. Nhưng khác ở chỗ nghệ sĩ là người của công chúng nên đời tư của họ thường bị đưa ra bàn luận. Chị không đổ lỗi cho số phận, cũng không quy kết cho nghề nghiệp. Bởi theo chị quan niệm, tất cả mọi buồn, vui, sướng, khổ trong cuộc sống, mình tự làm tự chịu. Nếu bảo sự không bình yên trong đời sống là mẫu số chung của nghề diễn viên thì Lan Hương là một minh chứng phản biện đầy thuyết phục. Bởi, nếu không có sân khấu, Lan Hương sao có thể có được hạnh phúc như hôm nay?
- Mỹ Trang