- Hiện nay, các quy trình pháp lý liên quan đến dự án phim Thái Tổ Lý Công Uẩn và các dự án làm phim Chiếu dời đô, Khát vọng Thăng Long có những biểu hiện chồng chéo, mơ hồ, mâu thuẫn, thậm chí có dấu hiệu xảo thuật pháp lý có thể dẫn đến việc vô tình hay cố ý tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền. - Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn |
Những cơ sở để nghi ngờ
Tôi đã nói rõ bằng văn bản gửi tới TP Hà Nội cũng như nói trên công luận rằng tôi giữ bản quyền tác giả những hư cấu nghệ thuật về các xung đột quanh chuyện dời đô của Lý Thái Tổ trong hai kịch bản Khát vọng Thăng Long sau này phát triển thành Người cha của Thăng Long, vì trong sử sách không hề ghi chuyện có ai chống dời đô, các tác giả tham gia cuộc thi và cuộc đấu thầu kịch bản làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cũng không ai viết về những xung đột của quá trình dời đô, chỉ viết một hai trang theo kiểu phim tài liệu để mô tả sơ sài cuộc dời đô ở cuối phim.
Chỉ có tôi là người đầu tiên viết cả một kịch bản hàng trăm trang về những khó khăn kịch tính của quá trình Lý Công Uẩn dời đô, định đô và chọn người kế tục gìn giữ Thăng Long. Chỉ có tôi hư cấu ra Lý Công Uẩn luôn phải vượt qua những khó khăn cạm bẫy do các quan tham thành Đại La phối hợp với các pháp sư, các động chủ, các thứ phi và các hoàng tử gây ra.
Cũng chỉ có tôi kết nối việc Lý Công Uẩn chọn người kế vị với khát vọng gìn giữ Thăng Long, dẫn đến sự làm phản của Khai quốc vương Bồ vì hoàng tử này bất mãn với cách trị nước theo tinh thần Phật giáo của vua cha. Đó là những sáng tạo của riêng tôi, là giải pháp nghệ thuật duy nhất được tôi đưa ra lần đầu trong cuộc đấu thầu kịch bản phim về Lý Thái Tổ mà tôi đã đăng ký bản quyền tác giả.
Có ý kiến cho rằng các dữ liệu lịch sử là của chung, không thuộc bản quyền của riêng ai. Đây là quan điểm cố tình lẫn lộn chất liệu và ý tưởng. Kính là vật liệu bày bán khắp nơi, hình dáng kim tự tháp là của chung nhân loại. Nhưng tạo ra một kim tự tháp bằng kính đặt trong không gian bảo tàng Louvre là sáng tạo riêng độc đáo của kiến trúc sư - tác giả công trình ấy.
Tương tự vậy, sử sách có ghi những chuyện thế lực này, thế lực khác như Đào Khánh Văn, Hà Án Tuấn quấy nhiễu chống lại Lý Công Uẩn nhưng không dính gì tới chuyện dời đô. Sử sách cũng ghi chuyện xây thành bị đổ, Lý Công Uẩn phải đến lễ ở đền Bạch Mã, nhưng đó là chuyện xảy ra sau khi dời đô về Thăng Long, không phải là chuyện xảy ra trước đó như tôi đã hư cấu để tạo nên kịch tính cho câu chuyện xây thành chuẩn bị dời đô.
Và chuyện Lý Công Uẩn lễ đền Bạch Mã trong truyền thuyết cũng được tôi hư cấu thành mưu kế của Lập Giáo hoàng hậu âm thầm giúp nhà vua vượt qua những đòn phép hiểm độc của bọn chống dời đô. Khi điều tra, biết các quan thành Đại La bí mật phá đổ thành, đầu độc dân xây thành, rồi cho pháp sư phao tin thần linh không thuận việc dời đô làm dân sợ hãi trốn tránh việc xây thành, Lập Giáo hoàng hậu đã bố trí cho tên giám mã vốn là gián điệp của cánh Đào Khánh Văn quy phục Lý Công Uẩn bí mật điều khiển bạch mã lao qua cửa đền khi đức vua làm lễ, coi việc đó là dấu hiệu thần linh chấp thuận dời đô, để sau đó nhà vua xuống chỉ xây thành theo những dấu chân bạch mã.
Nghĩa là, những hư cấu kết nối tất cả những sử liệu với chuyện dời đô, định đô, với khát vọng giữ gìn sự trường tồn của Thăng Long, những đảo lộn thời gian để tăng kịch tính và những hư cấu về xung đột chống lại việc dời đô và định đô như trong kịch bản Khát vọng Thăng Long là thuộc bản quyền sáng tạo nghệ thuật của riêng tôi.
Trong bốn năm qua, kịch bản của tôi được phát tán nhiều nơi thông qua các ủy viên hội đồng giám định, các cố vấn, các nhà quản lý. Một số biên kịch và đạo diễn trong đó có ông Lưu Trọng Ninh đã được tiếp xúc với những kịch bản này khi chúng được TP Hà Nội chuyển tới Hãng Phim truyện VN.
Vì thế, tôi có cơ sở để nghi ngờ chuyện vi phạm bản quyền khi báo chí đưa tin một số phim đang làm về Lý Công Uẩn dời đô có câu chuyện liên quan đến một mối tình của Ngài với một cô gái mà sau này gây ra những rắc rối cản trở việc dời đô, chuyện các quan thành Đại La lập mưu chống đối dời đô, hay chuyện Loạn Tam vương gắn với chuyện định đô. Những kịch bản đăng ký bản quyền tác giả sau tôi mà có nội dung tương tự kịch bản của tôi cũng sẽ bị coi là vi phạm bản quyền tác giả.
Kết luận và kiến nghị
1- Nếu Công ty Kỷ Nguyên Sáng hay bất kỳ công ty, tổ chức nào bỏ vốn làm một bộ phim về Lý Công Uẩn thì bộ phim đó dù là phim nhựa hay phim truyền hình, phim hợp tác với nước ngoài hay phim làm độc lập, phim phục vụ các mục tiêu văn hóa của Đại lễ hay phim thương mại về đề tài lịch sử cũng không được mang tên Khát vọng Thăng Long, không được sử dụng những nội dung, nhân vật, tình tiết trong kịch bản viết về Lý Công Uẩn của tôi.
2- Hiện nay, các quy trình pháp lý liên quan đến dự án phim Thái Tổ Lý Công Uẩn và các dự án làm phim Chiếu dời đô, Khát vọng Thăng Long có những biểu hiện chồng chéo, mơ hồ, mâu thuẫn, thậm chí có dấu hiệu xảo thuật pháp lý có thể dẫn đến việc vô tình hay cố ý tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền.
Hai dự án Chiếu dời đô và Khát vọng Thăng Long cùng theo phương thức xã hội hóa và cùng được các cấp có thẩm quyền ra quyết định đưa vào trong chương trình Đại lễ, nhưng dù một phim huy động vốn theo kiểu công đức, một phim lại đầu tư làm phim thương mại thì hai phim này thực tế vẫn đang trong tình trạng tranh chấp về pháp lý.
Những vấn đề này thể hiện qua các công văn, quyết định, thư từ mà tôi được biết, tôi sẽ từng bước làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan để làm sáng tỏ. Trước mắt đề nghị các nơi ra quyết định và công văn về các dự án này rà soát lại các văn bản pháp lý, nếu sai hoặc mâu thuẫn cần điều chỉnh kịp thời, tránh để xảy ra kiện cáo trong thời gian Đại lễ.
- Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn