- Một thanh niên có thể vẽ tranh cùng lúc bằng miệng và tứ chi, một ông cụ có khả năng xoay 7.000 vòng trong 3 giờ liên tục...
> Những sở thích quái dị của con người
> Người có mái tóc dài nhất Việt Nam qua đời
> Những kỷ lục Việt Nam tại lễ hội hoa Hà Nội 2010
Một cuộc gặp gỡ thú vị của những con người bình thường nhưng có những khả năng khác thường vừa diễn ra tại TP.HCM.
Đó là cụ ông Trần Minh Thiêm đã 74 tuổi, nhưng có khả năng xoay người kỷ lục: 7.000 vòng trong 3 giờ liên tục! Với cây quạt giấy màu đỏ làm đạo cụ, giữ thăng bằng và cũng để... làm dáng, ông cụ có thân hình gầy gò mải miết xoay vòng làm chóng mặt... những người chứng kiến.
Ông cho biết: "Khả năng xoay vòng của tôi là do bẩm sinh cộng với quá trình tập luyện. Từ nhỏ tôi đã biết xoay hàng trăm vòng không hề thấy chóng mặt. Còn người khác thì chỉ xoay vài chục vòng là đã ngã lăn ra đất".
Ông Trần Minh Thiêm với khả năng xoay vòng liên tục suốt nhiều giờ. Ảnh: V.Tiến |
Không chỉ luyện thân và tâm khi xoay người, "ngôi sao" tại câu lạc bộ hưu trí của một phường thuộc quận Tân Bình, TP.HCM này còn ăn chay trường, không hút thuốc lá, uống rượu.
Đáng tuổi cháu chắt của cụ ông có khả năng gây chóng mặt người đối diện là một nhân vật có biệt tài độc đáo không kém, tên Nguyễn Phi Châu, ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. "Dị nhân" 25 tuổi này có khả năng vẽ tranh bằng tay, chân và... miệng cùng lúc.
"Dị nhân" có biệt tài vẽ tranh cùng lúc bằng tứ chi và miệng. |
Theo mẹ của Nguyễn Phi Châu, con trai mình có năng khiếu vẽ tranh từ nhỏ và vẽ bằng... tay bình thường như mọi đứa trẻ khác, nhưng gần đây mới phát hiện cậu ta có "chiêu" vẽ tranh bằng chân, miệng. Lúc đầu Châu vẽ bằng một chân, sau đó phát triển lên hai chân, và giờ đây vẽ tranh "ngon lành" đồng thời bằng miệng và tứ chi!
Họa sĩ cho biết, một bức tranh trên khổ giấy A1, anh thực hiện hoàn chỉnh mất khoảng 30 phút. Phi Châu tiết lộ rằng mình còn có thể vẽ được bằng cả khuỷu tay, khuỷu chân và... kẹp vào cổ: "Nói chung, tôi có thể vẽ tranh, viết chữ được bằng bất cứ chỗ nào trên cơ thể mình, nếu chỗ đó có thể kẹp, cầm giữ được cọ, bút".
Đôi song ca "tí hon" Thanh Hằng (cao 1,26m) - Thanh Hà (cao 1,27m). |
Hai chị em Nguyễn Thị Hằng - Nguyễn Thị Hà thì khác thường trong sự bình thường theo một cách khác. Bình thường ở chỗ, hai chị em làm văn thư tại một tờ báo, thỉnh thoảng tham gia một số chương trình văn nghệ và hát trên các sân khấu ở TP.HCM. Nhưng khác thường ở chỗ, đôi song ca này, cô chị chỉ cao 1,26m, cô em cao hơn một chút, 1,27m dù rằng một người đã 32 tuổi, người kia 22 tuổi.
Nguyễn Thị Hằng tâm sự rằng hai chị em vẫn phát triển bình thường đến năm 10 tuổi, nhưng sau đó, cơ thể bỗng nhiên "dừng" lại. Kể từ đây, Thanh Hằng - Thanh Hà (nghệ danh đi hát) không cao lên, không nặng thêm, và mãi mãi dừng lại ở tuổi lên 10.
Hai ca sĩ bé hạt tiêu so với người dẫn chương trình. |
Hai chị em thường bị nhìn nhầm là hai bé gái, Thanh Hằng tiết lộ họ ăn uống cũng như các bé gái, "nếu một người bình thường ăn một gói mì, thì hai chị em tôi cũng ăn một gói mì, nhưng... chia đôi". Bé nhỏ nhưng đầy nghị lực, hai chị em phải nỗ lực làm việc gấp nhiều lần người bình thường để tự nuôi nhau và hằng tháng gửi tiền về giúp gia đình ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Cuộc hội ngộ còn có một số nhân vật có những khả năng đặc biệt khác như ông Lương Châu Phú với khả năng tính nhẩm tìm lịch cực nhanh, từ một ngày tháng của năm bất kỳ trong vòng 100 năm qua hoặc 100 năm tới, chưa đến một phút ông cho biết ngày đó nhằm vào thứ mấy; hoặc nghệ sĩ Tòng Sơn với màn trình diễn vừa thổi harmonica bằng mũi vừa uống bia hoặc ăn chuối...
Nhân dịp này, một cuốn lịch bloc khổng lồ 2,5m x 3,7m, nặng gần 1 tấn cũng được thực hiện để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là cuốn lịch độc bản về lịch sử Việt Nam từ thời lập quốc đến ngày thống nhất đất nước năm 1975.
Bức tranh thủy mặc Phú quý trường xuân dài 4,1m, cao 1,25m, do họa sĩ Trương Hán Minh thực hiện trong nửa tháng cũng đã được trao tặng cho tổ chức Operation smile để bán đấu giá gây quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em bị hở hàm ếch. Bức tranh thủ công mỹ nghệ chạm hình rồng Thiên long Việt đồ do các nghệ nhân Quảng Nam thực hiện cũng sẽ gửi tặng Ban chỉ đạo quốc gia 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. |
-
V.Tiến