- Đoàn làm phim “Thái sư Trần Thủ Độ” sau khi dọn dẹp sạch nơi thờ vua Minh Mạng và dòng tộc để làm trường quay đã “cao chạy xa bay”, để lại bao bức xúc trong lòng con cháu dòng tộc họ Nguyễn và nỗi thiệt thòi mà người dân, chính quyền địa phương phải gánh chịu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đoàn làm phim rút đi, chốn tôn nghiêm đã được trả lại sự bình yên |
Sau khi báo VietNamNet phản ánh, đoàn làm phim đã trả lại nguyên hiện trường như trước lúc quay phim. Toàn bộ sập thờ, án thờ, Kim vị (thờ vua Minh Mạng), Khánh vị (thờ Hoàng hậu Hồ Thị Hoa)… được sắp lại nguyên vẹn. Căn phòng làm chỗ “ái ân” cho vua và hoàng hậu nhà Lý trong một cảnh quay đã được dẹp bỏ; không còn ngổn ngang bàn ghế, máy móc, dây điện, quần áo, tư trang… của đoàn làm phim nữa. Du khách trở lại tham quan bình thường mà không bị người của đoàn làm phim cấm đoán, ngăn cản.
"Phòng the" hôm nào... |
Nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nguyễn Đắc Xuân vẫn chưa nguôi bức xúc: “Một hành động thiếu văn hóa như thế, chưa từng có trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Phục vụ văn hóa bằng một hành động thiếu văn hóa thì bộ phim đó tiêu tốn đến 53 tỷ đồng của nhà nước và nhân dân cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Nếu bộ phim được chiếu, liệu ai dám xem khi nó xúc phạm lên chốn linh thiêng?
Hành động biến “nơi thờ vua Nguyễn thành trường quay phim Thái sư Trần Thủ Độ” quả là một tai nạn cho quần thể di tích lịch sử văn hóa Huế, cho chính quyền và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế”.
Ông Tôn Thất Viễn Bào (hậu duệ thứ 4 của vua Minh Mạng), Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc tại Huế đặt câu hỏi: “Việc xúc phạm đến sự tôn nghiêm trong một thời gian dài ấy, ai là người chịu trách nhiệm? Trước khi quay phim và khi đã rút khỏi lăng, đoàn làm phim không hề gặp chúng tôi để liên hệ hay nói một lời xin lỗi. Cách xử sự của họ như vậy thật thiếu lịch sự, không có văn hóa cho dù là người của cơ quan nào đi chăng nữa, cho dù họ được phép làm phim!”.
....đã được dẹp bỏ, phục vụ cho việc thờ tự vua. |
Ông Nguyễn Đắc Xuân nhấn mạnh: “Theo pháp luật, người dân Huế có thể kiện người gây ra tai nạn này ở tòa án. Nếu tòa án luật pháp không xử thì tòa án lịch sử, “tòa án lương tâm” của chính những người đã dám có ý tưởng, đã thiết kế gây nên tai nạn này, người xem phim Thái sư Trần Thủ Độ sẽ xử.”
Trong hàng trăm phản hồi của bạn đọc, nhiều người nói sẽ không xem bộ phim lịch sử “Thái sư Trần Thủ Độ” nữa vì hành động báng bổ này của đoàn làm phim. Nhiều bạn đọc băn khoăn là số tiền tấn 53 tỷ đồng mà nhà nước đặt hàng cho bộ phim kia “chảy” vào đâu, khi đoàn làm phim “hoàn cảnh” tới mức phải tận dụng nơi thờ vua làm trường quay để “tiết kiệm tối đa kinh phí” – như trợ lý đạo diễn của đạo diễn Đào Duy Phúc đã trả lời chúng tôi vào ngày 11/4 vừa qua.
“Kỷ niệm 1.000 Thăng Long, có thể có hoặc không có bộ phim kia, nhưng làm mất sự tôn nghiêm trong lăng tẩm vua chúa, những nơi thuộc về tâm linh, thì không gì bù đắp nổi. Một bộ phim không thể chà đạp lên giá trị văn hóa và tinh thần của người Huế nói riêng và người dân cả nước nói chung”. – Bạn đọc Mai Văn Hoằng (Bình Dương) bức xúc. Nhiều người khác cho rằng, không những đoàn làm phim xúc phạm chốn linh thiêng, thiếu văn hóa mà cấp quản lý còn yếu về mặt chuyên môn qua việc cấp giấy phép.
Bàn thờ Kim vị (thờ vua) và Khánh vị (thờ hoàng hậu) nơi góc tường... |
...được chuyển vào đúng chỗ thờ tự vua và hoàng hậu tại chánh điện – Sùng Ân Điện. |
Đây cũng là bài học đắt giá cho đoàn làm phim: đừng vì đồng tiền, lợi ích trước mắt mà xâm phạm tới chốn linh thiêng, bóc từng phần của “mảnh đất vàng” là di tích, lăng tẩm để làm cảnh quay. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Đây cũng là lời cảnh báo đối với các di tích cổ trên toàn quốc khi cho các đoàn làm phim đến để quay phim, phải hết sức cảnh giác, thận trọng và giám sát kỹ. Về lâu dài, muốn làm phim lịch sử thì Nhà nước nên đầu tư để xây dựng những phim trường cho phù hợp, tránh sự xúc phạm, tuỳ tiện, vô văn hoá, thiếu ý thức, thiếu tôn trọng đối với những di sản văn hoá của tổ tiên”.
Nếu như trước đây đoàn làm phim dựng lên “bức tường” để ngăn du khách |
...thì nay du khách đã trở lại tham quan, chiêm bái mà không bị đoàn làm phim ngăn cản |
Chừng nào thủ phạm “tiếp tay” cho đoàn làm phim xâm phạm chốn tôn nghiêm chưa ra được đưa ra ánh sáng thì dư luận vẫn chưa yên, người dân còn bất bình. Còn ngay lúc này, đoàn làm phim đang nợ người dân Huế một lời xin lỗi!
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Tiến Thọ: "Phim về 1000 năm Thăng Long đã giao cho Hà Nội, còn Bộ chúng tôi chỉ quản lý nhà nước trên cơ sở duyệt phim, chất lượng phim và nội dung phim. Bộ VHTTDL không quản lý trực tiếp việc đoàn phim xin phép quay tại Huế. Hiện nay Bộ cũng đã kiểm tra và yêu cầu Cục Điện ảnh báo cáo tiến độ phim trong đầu tuần tới". Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Vì đây là bộ phim hướng về 1000 năm Thăng Long HN theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL và Ban chỉ đạo Quốc gia 1000 năm nên khi họ cần những bối cảnh ở Huế, về mặt chủ trương Uỷ ban tỉnh đã đồng ý cho đoàn làm phim lấy phim trường ở Huế để quay. Cụ thể thì hãng phim làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, nhưng theo tinh thần chỉ đạo của Uỷ ban thì sau khi hoàn thành các cảnh quay, đoàn làm phim phải trả lại nguyên trạng di tích ban đầu. Cụ thể sự việc đi đến đâu thì tôi cũng chưa biết vì hiện tại tôi đang đi công tác tại TP.HCM. Nhưng quan điểm của Tỉnh là tạo mọi điều kiện cho các đoàn làm phim vì phim lịch sử của chúng ta bây giờ còn ít lắm. Do vậy, khi làm một bộ phim lịch sử ở một thời điểm lịch sử như vậy thì phía Uỷ ban tỉnh hết sức tạo điều kiện, tuy nhiên phải tuân theo nguyên tắc là trả lại nguyên trạng di tích sau khi quay. Nếu làm xong mà không trả lại nguyên trạng di tích thì lúc đó tôi sẽ có ý kiến. Việc giám sát di tích trong quá trình quay chúng tôi đã giao cho Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế. Trong trường hợp họ không trả lại nguyên trạng di tích ban đầu thì chúng tôi sẽ có ý kiến, đã có pháp luật xử lý, có phải ai muốn làm gì thì làm đâu! Bích Hạnh (ghi) |
- Bài, ảnh: Nguyên Bình