- “Sẽ tẩy chay”, “thiếu văn hóa”, “kiểm điểm nghiêm khắc” và “cần công khai xin lỗi” là 4 cụm từ lặp đi lặp lại nhiều lần trong hàng trăm phản hồi bạn đọc gửi về tòa soạn thông qua hệ thống feedback của VietNamNet xung quanh loạt bài về đoàn làm phim Thái sư Trần Thủ Độ đã xúc phạm chốn tôn nghiêm ở Lăng vua Minh Mạng (Huế).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Việc các cung nữ (diễn viên) nô đùa ở chốn tôn nghiêm khiến nhiều người bức xúc |
Tiếp theo đó là đòi hỏi những đơn vị cấp phép cho đoàn làm phim và bản thân đoàn làm phim cần có câu trả lời thỏa đáng cho những hành động này. Xử lý trách nhiệm những người có liên quan đến vụ việc nêu trên là đòi hỏi và bức xúc thứ ba của công luận.
Bạn đọc “Mr. Son” đưa ra ý kiến: “Để hiểu rõ vấn đề thì rất cần có ý kiến từ đoàn làm phim. Từ đầu tới giờ tôi vẫn chưa thấy đoàn làm phim lên tiếng. Nhà báo hãy lấy thêm thông tin từ đoàn làm phim để có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này".
Vậy đoàn làm phim ở đâu và vì sao đến giờ này vẫn im lặng trước sự phẫn nộ của công luận?
Theo chúng tôi được biết, sau khi “cao chạy xa bay” khỏi hiện trường Lăng vua Minh Mạng, đoàn làm phim đã trở về trường quay Cổ Loa (Hà Nội) để tiếp tục… làm phim. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với đạo diễn bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ, ông Đào Duy Phúc nhưng chỉ nhận được lời đáp: Lúc này ông Phúc chưa thể nói gì, và “đoàn làm phim sẽ trả lời”. “Sẽ”? Nhưng là bao giờ?
Việc đoàn làm phim tự tiện che chắn chỗ tham quan làm nhiều du khách khó chịu |
Độc giả Tôn Thất Việt Hùng kể lại mẩu chuyện “Hồi nhỏ (lớp 3) khi đi học về trời nóng, tôi bất cẩn cởi áo trước bàn thờ, thì được ba tôi mời vào và giảng cho một bài "biết tôn trọng tổ tiên", từ đó đến bây giờ 56 tuổi tôi vẫn nhớ những điều ba tôi dạy”, và ông đặt câu hỏi: “Vậy mà những người làm phim có học vấn, có văn hóa tại sao phải hành xử thiếu văn hóa như vậy?”
Theo bạn đọc Camellia Tran, các vị lãnh đạo những cơ quan quản lý di tích lấy lý do "tạo mọi điều kiện cho các đoàn làm phim vì phim lịch sử của chúng ta bây giờ còn ít lắm"; điều này thật tốt và ý nghĩa nếu tạo điều kiện bằng cách khuyến khích đoàn làm phim dựng trường quay mô phỏng để tác nghiệp thay vì xông vào nơi thờ phượng vua chúa để dựng cảnh! “Xin nhắc lại, điện thờ vua Minh Mạng không phải là một bức tường thành vô thưởng vô phạt để người ta có thể làm mọi điều mình muốn. Đó là chốn linh thiêng, không chỉ đối với gia tộc Nguyễn Phước mà còn đối với lịch sử Việt Nam.”
"Râu" ngoại cảnh thời Nguyễn "cắm cằm" bối cảnh thời Lý thật khó chấp nhận, nhưng ít nhất nó chưa xúc phạm đến di tích tâm linh |
Bạn đọc Lê Duy đưa ra nhận xét đáng để suy nghĩ: “Quay phim kiểu này là xúc phạm cả vua Minh Mạng lẫn vua Lý. Để có một tác phẩm văn hoá, trước hết những người làm ra nó phải tôn trọng văn hóa, sau đó họ phải là người có văn hóa.”
Tuy nhiên không phải không có những ý kiến “trái chiều”. Bạn đọc Minh Anh thừa nhận “nơi thờ cúng là nơi trang nghiêm, không phải ai muốn vào đó làm gì cũng được.” Nhưng trước khi lên án đoàn làm phim, “cũng phải hiểu và thông cảm cho cảnh làm phim "giật gấu vá vai" của phim ảnh nước nhà.
Bức xúc của con cháu họ Nguyễn là đúng, nhưng dù sao cũng nên tìm hiểu sâu xa ngọn nguồn và đừng vội kết tội cho đoàn phim. Bởi vì nước ta còn nghèo, đầu tư cho phim ảnh phải theo từng phân khúc, chứ có phải hô một tiếng là dọn dẹp rồi xây mới cái trường quay đầy đủ, yên tĩnh được ngay đâu?”
Chung dòng suy nghĩ này, bạn đọc Trần Phương “kết tội” tác giả loạt bài báo là “hơi quan trọng hóa vấn đề. Suy cho cùng tất cả các đền thờ lăng tẩm của nhà Nguyễn đều là công sức, mồ hôi, kể cả xương máu của ông cha ta ngày xưa và nhân dân ta ngày nay. Thiết nghĩ việc sử dụng các quần thể trên nhằm phục vụ cho lợi ích chung toàn xã hội mà không có gì sai sót là hoàn toàn chấp nhận được.”
Phòng ngủ dành cho vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu được dựng lên ở nơi thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu Hồ Thị Hoa là điều dư luận bức xúc nhất. |
Theo chúng tôi, việc tận dụng bối cảnh để có những thước phim hay và tiết kiệm khác hẳn với sự hà tiện tới mức tùy tiện. Bạn đọc Ha Thanh Hoa gọi đây là “là sự xúc phạm nghiêm trọng đến văn hoá Việt, thuần phong mĩ tục Việt, đạo đức truyền thống Việt, tín ngưỡng thiêng liêng ngàn đời của người Việt, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản...”
Bạn đọc không nêu tên ở địa chỉ ongcu@gmail.com nói: “Tôi đồng ý là hiện tại phim lịch sử Việt Nam còn rất ít, nội dung còn nghèo nàn, làm phim cũng là một cách giúp người Việt hiểu hơn về lịch sự nước nhà. Nhưng không thể tạo ra một vẻ đẹp văn hóa (bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ) mà mình nhẫn tâm chà đạp lên một nét đẹp văn hóa khác (văn hóa ứng xử). Để tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc nhưng đã vô tình ghi vào lịch sử hiện đại những điều phản cảm.”
Nói về trách nhiệm của các cơ quan cấp phép, bạn đọc ở địa chỉ vinh110@yahoo.com cho rằng: “đoàn làm phim đã nhận được quá nhiều ưu ái, đặc biệt là sự ưu ái đến mức "ngây thơ" và "vô trách nhiệm" của những cơ quan công quyền có liên quan của Thừa Thiên Huế.”
“Việc trả lại nguyên trạng di tích đó là điều bắt buộc phải làm không cần phải bàn cãi, nhưng còn việc chà đạp lên giá trị văn hóa và tinh thần của người Huế nói riêng và người dân cả nước nói chung liệu có không bị tổn thương hay không?” (bạn đọc Nguyễn Phước Thiện)
“Dù đoàn làm phim có dọn dẹp và trả lại nguyên trạng di tích ban đầu, thì quãng thời gian làm ô uế chốn linh thiêng trong lòng người dân, du khách không gì có thể khôi phục được” (bạn đọc Nguyen Anh).
Riêng bạn đọc Chánh Đức đưa ra một tình huống nguy hiểm hơn: “Nếu trong quá trình làm phim xảy ra cháy nổ, hư hỏng hiện vật, hiện trường thì sao?" (Khi ấy thì lấy cái gì để "trả lại nguyên trạng"?)
Di tích đã được trả lại nguyên trạng nhưng những giá trị văn hóa và tinh thần đã bị tổn thương. |
Nhiều ý kiến đòi hỏi phải “kiểm điểm nghiêm khắc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, kiểm điểm nghiêm khắc đoàn làm phim, bộ phim nếu tiếp tục làm nên xem xét lại quy trình thực hiện và tổ chức để tránh những tai nạn không hay như trên xảy ra” như bạn đọc Nguyễn Như Hoàng.
Không cực đoan như một số bạn đọc đòi “tẩy chay” bộ phim, độc giả Ha Thanh Hoa đưa ra đề nghị: “Nếu vẫn sử dụng các cảnh quay tại nơi thờ vua Minh Mạng thì ít nhất phải cắt bỏ những cảnh được dùng làm chỗ “ái ân” cho vua và hoàng hậu nhà Lý ra khỏi phim “Thái sư Trần Thủ Độ”. Và phải chính thức trả lời trước công luận về sự vi phạm nghiêm trọng này.”
Chúng tôi hy vọng những ý kiến tâm huyết và đầy tinh thần trách nhiệm của bạn đọc thấu đến tai các nhà quản lý và đoàn làm phim để sớm có câu trả lời thỏa đáng với công luận.
- Công Lý