Hoàng Cầm lại sắp bắt đầu một hành trình mới sau 15 giờ 11-5, khi xe tang rời nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội về khu A nghĩa trang Văn Điển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông đã lưu lại 5 ngày đêm sau hơi thở cuối, với chúng ta, những người yêu thơ và yêu mến ông. Và đây, 5 khúc tháng Năm cho người - mơ - không - năm - tháng.
1. “Một chiếc xe đen thăm thẳm phía chân trời”, câu thơ trong bài Cây tam cúc khiến tôi hơi hoảng sợ sau khi biết tin Hoàng Cầm tạ thế. Cái chết, đích cuối cùng không khác được, của sự sống, của tất cả chúng ta.
Nhà thơ Hoàng Cầm
Người ta hay nói: “Chết là hết”. Nhưng với những nghệ sĩ tài danh, những tài năng lớn gia sản vô giá mà họ để lại, sẽ kéo dài sức sống cho họ vượt quy luật sinh - lão - bệnh - tử hạn hẹp của kiếp người.
Về thơ tình ở Việt Nam thế kỉ XX, công chúng hay nhắc nhiều đến Xuân Diệu, thậm chí coi ông như Hoàng đế thơ tình. Tôi không thấy thế. Bởi thơ Xuân Diệu ảnh hưởng thơ lãng mạn Pháp quá nặng. Nhà thơ, dịch giả Dương Tường có nói: “Ông Verlaine ngủ với Lamartine đẻ ra Xuân Diệu”. Thơ chỉ thực sự bền giá trị và quyến rũ, khi nhà thơ sống một cách sáng tạo, thành thật như thơ của mình.
Hoàng Cầm là ông Hoàng của thơ tình yêu, tôi tin từ năm 8 tuổi đến 88 tuổi, ông chưa bao giờ ngừng yêu. Yêu một cách ngây thơ, đắm đuối, si tình, ngây thơ quá đỗi.
Hoàng Cầm thường viết ban đêm, viết về đêm. Sự cô độc đối diện với bản ngã. Trong bóng tối là đối thoại với âm bản. Hoàng Cầm là người mơ nguyên ủy. Ông từng viết trong “Vĩ thanh” (tập Về Kinh Bắc): “Tôi sớm có nỗi buồn cô đơn ngay từ năm lên sáu, lên bảy tuổi. Bẩm sinh chăng? Hay chính nỗi buồn của người con gái tài sắc lấy chồng từ năm 17 tuổi, mà phải sống cô đơn đến hơn 10 năm”. Người con gái tài sắc ấy là mẹ ông, cùng làng Bựu với mẹ thi hào Nguyễn Du.
Sáu, bảy tuổi cô đơn, lên tám, ông yêu chị Vinh để Lá diêu bông ám ảnh suốt đời. Quá nhạy cảm, đa cảm, thì cô đơn càng sâu, ngấu. Hoàng Cầm không chìm vào cô đơn, mà vượt lên, chế ngự và làm sáng rực nó, bởi những giấc mơ của mình bằng lãng mạn không cùng.
Hoàng Cầm để tất cả những giấc mơ chuyển động trên phối cảnh rất thực mà đẹp hơn hiện thực. Kinh Bắc quê hương là bối cảnh chính, là thiên đường của tình yêu, với hội hè, hẹn hò, đám cưới. Ký ức - hiện tại - tương lai được phổ quang cầu vồng lộng lẫy, của thiên nhiên của mớ bảy mớ ba, tạo nên một Kinh Bắc huyền thoại.
Nhà văn Pháp gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện, hiện là giảng viên đại học ở Pháp, sinh 4-1-1940 tại Cống Châu Giang Tây. Sau 20 năm tha hương, ông vẫn không nguôi nhớ quê mình, ông coi Vũ Di - ngọn núi của quê hương là cao nhất, là đáng chinh phục, để trở về (nhưng ngọn núi cao và khó vượt nhất, là ngọn núi trong lòng).
Còn Mạc Ngôn, thì lúc nào cũng ngợi ca vùng Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Cái gì đẹp, lạ, hấp dẫn nhất, ông cũng “đưa” về Cao Mật quê hương. Với Hoàng Cầm, Kinh Bắc đẹp nhất trên đời, nơi tượng hình và rạng rỡ văn minh sông Hồng, ngàn năm châu thổ kết tinh và toả sáng qua những phong tục truyền thống, cuộc thi tài, quan họ, tranh dân gian, trò chơi, bao cuộc yêu dở dang và vô bờ bến...
Yêu là động mạch chủ của sự sống Hoàng Cầm. Từ lúc là chú bé, ông đã yêu và muốn bao bọc để, âu yếm cho người mình yêu hạnh phúc. Người đàn ông đích thực che chở cho người yêu của mình, cũng là để được che chở.
“Tình yêu cao cả có mặt ở đâu, thì phép màu xuất hiện ở đó” (Willa Cather). Hoàng Cầm nương tựa vào tình yêu và coi nó là phép màu cho mình, những người đàn bà của mình, những giấc mơ ước thành hiện thực, được chờ đợi và hứa hẹn trong thơ. Bởi thế, Hoàng Cầm đã tạo ra một hiện thực khác với hiện thực nhìn thấy, đó là hiện thực nghệ thuật, hay là hiện thực của giấc mơ.
Bằng cảm giác mạnh và thường trực ám ảnh nhục cảm, Hoàng Cầm đã tạo không gian ân ái triền miên giữa đất trời, gắn với thiên nhiên, mãnh liệt, phóng túng. Thơ ông tràn ngập ái ân, gợi cảm, mang màu sắc tính dục, khi ẩn dụ, khi phơi mở, đầy nam tính táo bạo.
Yêu là lẽ sống, là thiết yếu, là nhu yếu phẩm của tinh thần. Bao nhiêu là yếm, váy, rừng trái vú bay… buông đầy thơ Hoàng Cầm. Trần Dần, một nhà thơ cách tân bậc nhất, gọi thơ Hoàng Cầm là tân cổ điển.
Thi ảnh của Hoàng Cầm rất Việt, cấu trúc thơ và ngôn ngữ không đột phá, song hơi thơ tráng niên, phong độ của nhân vật yêu trong thơ đã làm ông khác Thơ Mới. Trước hết, bởi yêu là sống, sống và viết, Hoàng Cầm rất thật, dám là mình.
Ông tự do là chính mình, không giấu che, vờ vĩnh, đội lốt, vay mượn. Ông cho mình quyền được thoả mãn, phá tung những cấm kỵ, rào chắn, biên giới, dù vẫn len lỏi mặc cảm, ẩn ức kéo dài. Để bừng bừng lửa yêu bằng cơn sốt ham muốn.
“Luồn tay ôm say/Giấc bay lay đỉnh núi/Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành/Đùi chảy búp dài thon nhún vội/Bàng hoàng tia chớp liêng nghiêng xanh” (Thi đánh đu), hay: “Bãi mía Sông Cầu reo đáy bát/ Ngửa mặt hứng mưa đồi cỏ ngát/ Nguôi dần cơn sốt bỏng môi hoa” (Thi ăn mía thổi cơm).
Còn nữa
Theo Vi Thùy Linh, Tiền Phong