Từ tháng 3 năm 2009, các nghệ nhân làng nghề thêu ren truyền thống với bề dày gần 800 năm ở thôn Văn Lâm, Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình cùng bắt tay thực hiện bức tranh thêu tay lớn nhất mang tên Cội xưa hướng về 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Đến nay, tác phẩm đã hoàn thành 90%, dự kiến đến hết tháng 5 sẽ hoàn chỉnh.
Khi hoàn thiện, đây sẽ là bức tranh thêu tay lớn nhất với kích thước 5,5 x 31m, trọng lượng phần vải của bức tranh nặng khoảng 1,2 tấn, diện tích phần tranh chính là 170,5m2. Bà Phạm Thị Hoài, giám đốc công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Cội Xưa, người chủ trì làm bức tranh cho biết, vì thêu tay khó khăn, mỗi mũi kim chỉ từ 5 đến 6mm nên trung bình mỗi ngày mỗi nghệ nhân chỉ thêu được diện tích bằng một bàn tay. Tính ra, tác phẩm khổng lồ này sử dụng tới 20.000 ngày công của 100 nghệ nhân.
Mô hình bức tranh thêu Cội xưa. |
Nội dung bức tranh gồm ba phần được bố trí từ trái qua phải nói về lịch sử cố đô Hoa Lư và các điểm mốc lịch sử quan trọng của đất nước ở thời vua Đinh, Tiền Lê, Lý. Phần I là sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt với hình ảnh vua Đinh phất cờ lau trên lưng trâu. Phần II là phong cảnh yên bình của cố đô Hoa Lư với hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Phần III là hình ảnh Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước khi quyết định rời kinh đô từ Hoa Lư lên Thăng Long.
Bên cạnh đó là hình ảnh các cô gái đội lễ lên những ngôi chùa trên núi, một đặc điểm của đất Ninh Bình, những chiếc cầu bắc qua sông nhưng cũng là biểu tượng gạch nối giữa cố đô và đất Thăng Long.
Hiện những người thực hiện bức tranh thêu ren khổng lồ này có nguyện vọng được trưng bày tác phẩm trong dịp Đại lễ như một tấm lòng của những người con đất cố đô với Thăng Long, Hà Nội.
-
Thu Huyền