- Vẫn giọng kể trầm buồn ấy, Nhung cúi mặt xuống lí nhí: “Em vào đây (Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội II Yên Bài) từ đầu năm 2004. Ở đời có những nơi ta nên quay lại nhiều lần nhưng có những nơi ta không cho phép mình quay lại với thân phận như lần đầu đến”.
Một câu nói đầy ẩn ý, sau 2 năm cai nghiện, Nhung được ra khỏi trung tâm vào cuối năm 2005. Cái ước nguyện rút ví 500 ngàn đồng từ tiền tự kiếm để mua ít quà bánh gửi vào cho các bạn cùng phòng cũ, hậu tạ cán bộ đã dạy bảo, động viên mình cai nghiện, Nhung vẫn chưa làm được. Lúc ấy, cô sẽ thông báo cho cán bộ biết mình đã hòa nhập được với xã hội, có việc làm ổn định và sắp lấy chồng.
Nhưng cái ước mong tưởng chừng giản đơn ấy chỉ lóe lên trong óc Nhung thôi. Cuộc sống đời thường đã đưa đẩy cô ca sĩ ngày nào vào trung tâm lần 2 (năm 2008). Nhục nhã, đau đớn… là những tâm trạng khó lột tả của Nhung. Cô hận mình, hận làn khói nâu kia đã cướp đi tuổi thanh xuân, kéo phận gái chìm nổi với ma nâu.
Đoàn tụ trong nước mắt
Ngày Nhung trở về sau khi cai nghiện lần đầu vào mùa đông 2005, gia đình đón chào con gái cưng bằng một bữa cơm thân mật nhiều món ngon. Nhung là con út trong gia đình 5 anh chị em, bố mẹ rất nghiêm khắc trong việc giáo dục. Ông bà cũng biết con gái yêu đã về với một quyết tâm lớn là làm lại cuộc đời. Dù trong bữa cơm vẫn còn ánh mắt e ngại của anh chị nhưng Nhung vẫn tỏ ra lễ phép và biết lỗi.
Thông minh, có duyên ăn nói, những lợi thế đó sẽ giúp Nhung trở về cuộc sống với những thành công (Ảnh: ĐC)
Nhưng người nhà thông cảm cho Nhung bao nhiêu thì sự kỳ thị và soi mói của hàng xóm tăng lên bấy nhiêu. Họ không cho con cái chơi gần chị Nhung. Ở góc chợ, đầu làng đâu đó người ta đồn rằng Nhung bị HIV, sắp chết. Tất cả những tin đồn thất thiệt đó, Nhung cắn răng nuốt trọn từng ngày.
Nhung biết mình bất hiếu với bố mẹ, có lỗi với gia tộc và các anh chị trong nhà. 2 năm cai nghiện, Nhung đã rút ra được nhiều bài học nhưng lúc ấy Nhung vẫn nhìn đời mầu hồng. Cô chỉ nghĩ rằng mình dính vào một thứ thuốc mà thiên hạ cấm dùng, phải đi cai mới khỏi, và gia đình hổ thẹn với hàng xóm nên mới xảy ra chuyện nhiều người kỳ thị.
Ở cái tuổi 24, nghề nghiệp chưa có, người yêu bỏ đi lấy vợ khác, Nhung buồn thăm thẳm. Có còn ai bấu víu ngoài mấy người bạn cùng trang lứa. Những cuộc vui xuyên màn đêm dày lên.
Đối diện với sự trống trải Nhung lại nghĩ về người yêu cũ hơn. Một đêm hè oi bức, sau chầu nhậu túy lúy với bạn bè, Nhung nghĩ đời mình có lẽ kết thúc từ đây. Một con dao Thái sắc lẹm vung lên. Xoẹt. Máu bắn ra từ cổ tay. Nhung nhắm nghiền mắt, rồi từ từ gục xuống. Một lúc sau, người ta phát hiện ra đưa Nhung vào bệnh viện và cô may mắn thoát chết.
Tỉnh dậy, Nhung chẳng cảm thấy nỗi đau thể xác mà cô thấy có cục gì nghèn nghẹn trong cổ họng. Uất hận đấy, phải chăng là thế?
Nhung nghiện trở lại. Lúc này, Nhung thèm đi hát như thèm thuốc. Cô thiết kế cho mình chương trình trong ngày:. Sáng ngủ, chiều lấy thuốc, chập tối phê 2 tiếng để lấy sức tối còn đi hát ở những quán bia. Mỗi tối cô hát 4 bài được 100 ngàn và tất cả ném vào ma túy.
Giấc mơ nghệ thuật bây giờ được đánh đổi bằng những ca khúc rẻ tiền, đậm chất bia bọt, uốn éo thì nhiều, hát thì ít, cốt là để đấng mày râu vào quán càng nhiều. Và ở những nơi nhạy cảm như vậy, Nhung lọt vào tầm quan sát của những trinh sát phòng chống ma túy. Một đêm đói thuốc, Nhung lôi thuốc ra hít và bị bắt đưa lên trung tâm cai nghiện lần thứ 2.
Giấc mơ nghệ thuật dang dở
"Ở đời có những nơi ta nên quay lại nhiều lần nhưng có những nơi ta không cho phép mình quay lại với thân phận như lần đầu đến”. Nhung tâm sự rằng sẽ không có lần thứ 3 cô quay trở lại Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội Yên Bài II với tư cách một người nghiện ma túy.(Ảnh: ĐC)
Người cán bộ quản lý Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội Yên Bài II sững sờ khi nhìn thấy Nhung lần thứ 2 sau 3 năm. Anh kể: “Trước khi ra trung tâm hồi năm 2005, tôi có dặn Nhung, hãy mặc quần áo công sở đến thăm tôi chứ đừng mặc bộ quần áo màu xanh (đồng phục trung tâm) một lần nữa đấy nhé. Cố lên em, chúc em ra đời thành công”. Thế mà nay, Nhung lại quay về chốn mà cô không muốn vào.
Ở Trung tâm một thời gian, Nhung đã hoàn lại hồn người. Nhung được đánh giá là một học viên thông minh, được thầy cô tin tưởng và giao nhiều việc như tổ chức hội trại, tuyển chọn học viên hát tốt để tham gia đội văn nghệ của trung tâm và các hoạt động đoàn thể khác.
Khi được hỏi về tương lai, Nhung cười gượng gạo. Tôi hỏi: “Vì sao thế?”. Như muốn giãy bày điều gì tự sâu kín trong lòng, Nhung thổ lộ: “Đời em thế này còn gì nữa đâu. Cho đến bây giờ, khát khao nghệ thuật vẫn giày vò tâm can em. 7 năm nghiện – cai nghiện – rồi lại nghiện đã xóa sạch ước mơ của em rồi”.
Sự thật phũ phàng quá, 28 tuổi, Nhung đã tàn phá 2 cái lớn nhất, quý giá nhất cuộc đời là sức khỏe và khát vọng nghề nghiệp. Nhung bặm môi bảo rằng, dù sức khỏe không được như trước, ốm hom ốm hem đều đều nhưng những cơn vật với ma nâu không còn nữa. Nhưng giấc mơ nghệ thuật kia vẫn còn đó, chờ Nhung làm lại từ đầu. Cô không dám chắc người đời sẽ nhanh chóng quên đi quá khứ của mình, nhưng cô tin đến một ngày nào đó công chúng sẽ chấp nhận giọng hát của cô.
(Tên nhân vật chính đã được thay đổi)
-
Đức Chính