- Tối qua, 9/6, một đại lễ cung đình xưa đã được phục dựng gần như "nguyên bản" mang tên Lễ tế Nam Giao với sự trang trọng, hoành tráng và vô cùng linh thiêng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Long trọng, hoành tráng
Lễ tế Nam Giao là lễ tế Trời, Đất và các vị thần linh ở nước ta. Thời phong kiến, đây là lễ tế quan trọng nhất và được tiến hành hoành tráng, trang trọng nhất. Đàn Nam Giao được xây dựng năm 1806 ở phía nam Kinh thành Huế. Đàn gồm 3 tầng: tầng trên hình tròn tượng trưng cho Trời, hai tầng dưới hình vuông tượng trưng cho Đất và Con người. Hàng năm, nhà Nguyễn đều tổ chức Lễ tế Nam Giao vào mùa xuân. Trong Lễ tế, có thể đích thân nhà vua hoặc ủy thác cho quan khâm mệnh đại thần làm chủ tế.
Đoàn ngự đạo rước nhà vua từ Trai Cung (phía tây bắc đàn tế) đi đến đàn chính.
Tại Festival Huế 2010, lễ gồm hai phần: Lễ rước Hoàng đế từ Trai Cung lên đàn tế và Lễ tế tại đàn tế.
Điểm mới và đặc biệt của lễ tế lần này là có 1.000 người tham gia với đầy đủ nghi trượng, cờ phướn cùng 1.000 chiếc đèn lồng thắp sáng quanh đàn tế, 1.000 bông sen trắng được dâng trên các án thờ... Những con số đặc biệt này hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, Phó ban tổ chức Festival Huế 2010 cho biết: “Đây là lễ tế Giao thật sự chứ không đơn thuần là một lễ hội trong Festival Huế. Vì thế, khi tiến hành lễ, toàn bộ lực lượng tham gia phải mặc lễ phục (áo dài, khăn đóng), kể cả hơn 500 phóng viên tại Festival Huế lần này. Xung quanh khu vực đàn tế, diễn viên đóng vai quân lính, ngự lâm quân đứng rất nghiêm trang; phụ nữ không được lên đàn tế. Khi nào lễ kết thúc, dân chúng mới được vào thắp hương”.
Mối giao cảm của đất trời và con người
Nhà vua và văn võ bá quan hành lễ trước đàn tế
Lễ tế bắt đầu, những ánh đèn chiếu chụm lên trời phát ra những tia sáng vàng rực, giống như linh khí trời đất tụ về đàn tế, như luồng giao cảm của trời đất và con người.
Đoàn ngự đạo rước nhà vua từ Trai Cung (phía tây bắc đàn tế) đi đến đàn chính. Đàn Nam Giao được trang hoàng với hương án, long liễn, ngự liễn, đèn lồng được tái thiết lại theo quy chuẩn nghiêm nghặt.
160 bô lão đến từ 8 làng xã có truyền thống văn hóa của tỉnh trực tiếp thực hiện các nghi lễ tế cúng tại 8 án thờ các vị Thần linh đặt tại 4 góc của tầng Phương đàn (đàn vuông, tượng trưng cho đất).
Phần chính của Lễ tế Nam Giao diễn ra tại Đàn thượng (đàn tròn, tượng trưng cho trời), nhà vua được các Cung đạo dẫn lên Thăng đàn bái vị. Tiếp đó là lễ Điện ngọc bạch (dâng ngọc và lụa), lễ Tấn trở (dâng các con sinh và thức ăn), Lễ sơ hiến tửu (dâng rượu lần đầu), Đọc chúc (nguyện cầu), Chung hiến tửu (dâng rượu lần cuối), Tống thần (tiễn các vị thần đi) với hàng trăm nghi tiết.
Trên Viên đàn, đầy đủ các án thờ trời, án thờ đất, án thờ các vua, chúa nhà Nguyễn, án thờ lịch đại đế vương (tất cả vua chúa các triều đại của VN) và án thờ các vị anh hùng có công với nước, xen kẽ là những cột trụ tròn có rồng cuốn uy nghiêm, đèn điện, hoa trái, hương trầm nghi ngút, ánh nến lung linh, mờ ảo.
Dâng lễ vật
Một phần lễ vật hiến tế
Đội quân binh nữ phục vụ lễ tế Nam Giao
Đội quân binh nam oai phong, tề chỉnh
Đại Đức Thích Trí Năng (chùa Hải Đức, TP.Huế) cho biết: “Đây là một lễ nghi tín ngưỡng thực sự, mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh vô cùng thiêng liêng, tế trời đất thực sự chứ không còn mang tính kịch, tính biểu diễn như trong lễ hội”.
Lễ kết thúc lúc 21 giờ 30, sau khi vua hồi loan, dân chúng xung quanh vào đàn cúng bái, tế lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ấm no, quốc thái dân an...
- Nguyên Bình