221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1291059
Chuyện lạ: Giám đốc hãng phim... chỉ có một người
1
Article
null
Chuyện lạ: Giám đốc hãng phim... chỉ có một người
,

- Từ vị trí của một phụ nữ "thét ra lửa", Giám đốc Hãng phim truyện VN rồi Cục phó Cục Điện ảnh, lúc nghỉ hưu, về tiếp quản một hãng phim "mốc meo", bà đã "sốc" thực sự.

Làm giám đốc nhưng không có nhân viên, vậy mà các dự án phim tiền tỉ vẫn liên tục chảy về Hãng phim Hội điện ảnh (Hoda Film). Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tự nhận mình là người có tính khí đàn ông, việc gì đã quyết thì phải làm bằng được. Vậy mà cũng có lúc thấy... chán.

Giám đốc kiêm... nhân viên

Mô tả ảnh.
Tự nhận mình là tuýp người ưa hoạt động nên không quen ngồi không.

- Làm giám đốc một Hãng phim mà chỉ có một mình, không biết bà điều hành công việc kiểu gì?

- Trên thực tế Hãng phim Hội điện ảnh có hai người. Phó giám đốc Hãng phim là Chánh văn phòng Hội điện ảnh kiêm nhiệm, phòng hành chính tài vụ của hãng cũng do mọi người ở phòng hành chính tài vụ của Hội kiêm nhiệm, giúp đỡ. Vì thế rất đơn giản và gọn nhẹ. Nếu tôi không phụ trách Hãng này, ngồi ở đâu thì tôi vẫn phải bới việc ra mà làm.
Ví dụ như bây giờ tôi thành lập hãng phim tư nhân chẳng hạn, thứ nhất là tôi sẽ rủ bạn bè, những người giàu có góp vốn và thứ hai là tôi sẽ vẽ ra những dự án phim mà người ta không thể từ chối được (cười). Bây giờ ngoài các phim lớn, tôi vẫn nhận làm cả vài chục phút phim tài liệu mà các địa phương đặt hàng, nhờ cậy. Vì là hãng sản xuất phim nên cần nhận sản xuất tất cả từ phim lớn đến phim nhỏ, nếu phim đó có lợi cho xã hội, cho Hãng thì làm.
- Làm giám đốc, nhất là một hãng phim, đa phần sẽ thích cảm giác ra oai, thích có một ai đó dưới quyền mình để mà quát nạt, ngay cả khi người đó không hề có thực quyền. Khó hình dung cảm giác làm giám đốc một hãng phim... chẳng có ai thì sẽ thế nào?
- Tôi quát nạt chính mình (cười) .Ngoài vai trò giám đốc, tôi còn là một người sáng tác nữa. Tôi quan niệm mỗi công việc dù vui dù buồn, dù thành công hay thất bại cũng giống như một chuyến đi thực tế. Trước đây, khi còn là Giám đốc Hãng phim truyện VN, dưới trướng là 200 nhân viên, rất nhiều trong số đó là NSND, NSƯT, chỉ cần tôi nghĩ ra một ý tưởng gì đó, lệnh một cái là các phòng ban chạy răm rắp. Oai phết! Khi lên Cục phó Cục điện ảnh, mỗi khi mình góp phần ban hành một quyết định nào đó thì cũng ảnh hưởng đến cả ngành. Nhưng bây giờ về đây, Hãng phim hội điện ảnh VN này, hoàn cảnh thế nào thì mình phải chấp nhận thế ấy.
NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn làm phim "Đừng đốt" (phim do HODA Film sản xuất) lên bục nhận giải Cánh diều vàng 2010 từ Phó Chủ tịch nước.
- Có khi nào bà cảm thấy cái chức danh giám đốc của mình chỉ là "hữu danh vô thực" không? Vì với các ông bà giám đốc khác, họ sẽ có lương cao, có cả một đội quân dưới chướng để sai việc?
- Tôi không nghĩ thế. Tôi không chỉ có "hữu danh" mà cũng còn có cả công việc thực đấy chứ. Bằng chứng là sau 5 năm tôi cùng các nghệ sĩ trong ngành điện ảnh (những người cộng tác với Hoda Film) đã làm được một số bộ phim lớn. Về mặt tổ chức thì đúng như chị nói.
Nếu được Chủ tịch Hội cho quyền thì lẽ ra hãng phải được cơ cấu tổ chức đầy đủ như một cơ quan cấp 2 của Hội, phải được hưởng những chế độ, quyền hạn và trách nhiệm như các cơ quan cấp 2 khác. Hoda Film ít nhất cũng phải được hoạt động như mô hình của hãng phim Hội Nhà văn nhưng thật tiếc là không được, mọi việc đều phải dính vào văn phòng Hội.

Nhiều khi phó giám đốc và các "nhân viên" bận việc của Hội thế là việc của Hãng đành gác lại. Không có người, thật sự tôi đã phải làm việc gấp 3-4 người. Vừa phải viết, sửa chữa kịch bản phim để được thông qua, vừa là người đi gặp gỡ, thuyết phục để xin các cấp cho kinh phí, vừa lo tổ chức sản xuất, đi theo đoàn phim tới cả mấy tháng trời, rồi trông nom đốc thúc làm hậu kỳ. Tôi cũng phải tự thảo công văn, có khi còn phải tự mang công văn đi.

Nhiều người tham gia phim với mình chẳng cần biết đấy là đâu còn quát nạt, giận dỗi, bẻ hành bẻ tỏi khi Hãng chưa chiều theo ý muốn... Nhiều lúc thấy rất mệt. Nhiều lúc nghĩ cũng rất... chán, muốn bỏ hết để đi chơi cho sướng!

Mất chức không "sốc" bằng… về hưu

Mô tả ảnh.
Đảm nhiệm công việc của hãng phim từ A đến Z.

- Thời gian đầu, từ một người phụ nữ quyền lực trong ngành điện ảnh về làm giám đốc Hoda Film, bà có sốc không?

- Từ Hãng phim truyện VN về Cục điện ảnh là tôi đã "sốc" rồi. Đang làm giám đốc một hãng phim, "oai như cóc". Chẳng cần làm gì, chỉ cần đi đi lại lại trong hãng phim có tới 200 người ở cái thời mà người ta vẫn còn tôn trọng lãnh đạo đã làm cho mình cảm thấy "có giá" rồi.

Ví dụ như nếu tôi họp đến 12h vẫn chưa xong thì phòng hành chính rất lo tôi bị đói, cử người ra mua cơm (vì đi muộn sợ hết) rồi bưng lên phòng cho. Riêng sự chăm sóc thế làm mình rất cảm động.

Và rồi tôi bỏ hơn 200 con người ấy ở Hãng phim truyện VN lên Cục Điện ảnh chỉ để quản lý... hai người ở phòng Nghệ thuật. Khi còn ở Hãng, công việc sản xuất phim nhộn nhịp suốt ngày, liên tục phải giải quyết hết việc này tới việc kia, lúc lên Cục, chỉ toàn làm công việc bàn giấy, soạn công văn giấy tờ, cũng có lúc chán.

Chuẩn bị về hưu, tôi trúng ban chấp hành Hội điện ảnh VN và xin về quản Hãng phim Hội điện ảnh dù trước đó, Hoda Film hoạt động 10 năm nhưng chưa sản xuất phim gì. Trước đó, tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý nếu không trúng vào Ban chấp hành Hội điện ảnh VN, không về Hoda Film thì tôi cũng sẽ vẽ việc ra mà làm để không bị sốc. Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn một dàn máy vi tính thật tốt để nếu về hưu thì về nhà chuyên tâm công việc sáng tác.

Khi tiếp quản Hãng phim Hội điện ảnh tôi cũng chưa biết trụ sở hãng thế nào. Được người ta giao chìa khoá, tôi nhận căn phòng rộng 6m2, kê một chiếc đi văng đen xì cũ kỹ gọi là trụ sở của Hoda Film. Nhưng tôi thấy "hậu hưu" mà có được một chỗ như thế cũng là tốt lắm rồi.

Mô tả ảnh.
Niềm vui bên con cháu.

- "Hạ cánh" ở một nơi như thế trong khi trước đó đang là một người đàn bà quyền lực như vậy… bà có buồn không?

- Tôi cũng hiểu cái chức tước của mình cũng chỉ bé như cái mắt muỗi mà thôi. Cũng buồn chứ nhưng thời điểm sốc nhất là lúc mình nghỉ hưu. Chắc ai cũng thế thôi. Đó là thời điểm đánh dấu mình đã bước sang cái dốc bên kia của cuộc đời.

Việc hoàn thành trách nhiệm với xã hội và được quyền nghỉ ngơi cũng đồng nghĩa với suy nghĩ không ai cần đến mình nữa. Tâm trạng đó nặng nề hơn chuyện chức tước nhiều. Khi không còn nắm giữ chức vụ gì thì còn buồn vì chuyện nhân tình thế thái nữa.

- Đang quen với guồng công việc bận rộn từ sáng đến tối, những ngày đầu về hưu bà cảm thấy thế nào?

- Những ngày đầu mới nghỉ hưu tôi chưa lên Hãng phim thường xuyên như bây giờ, cùng lắm mỗi tuần chỉ tạt qua một lần vì đã có việc gì đâu. Tôi thuộc tuýp người ưa hoạt động nên không quen ngồi không. Ở nhà, rảnh tay, tôi bới việc ra để làm, mỗi ngày đặt mục tiêu quét dọn sắp xếp lại một phòng trong nhà, dành thời gian chăm sóc ông, chăm sóc cháu. Thời gian đó tôi cũng năng về quê thăm họ hàng hơn, ra vườn trồng rau, hái trái cây. Cũng thích!

Ngay cả bây giờ chiều nào tôi cũng dành thời gian đi chợ, về nhà nấu ăn cho chồng con. Tôi nhận thấy mình là người ôm đồm, toàn vác cái khổ vào người. Tôi thích gặp gỡ, đãi đằng bạn bè, làm được gì cho người khác là thấy vui. Tôi tính đàn ông ở chỗ đó. Là phụ nữ thật nhưng tôi chưa bao giờ lấy cái mác phụ nữ của mình để mong được nhận lại sự chăm sóc của người khác. Thế thì cũng chả có gì là may mắn, là sướng, là tự hào, đúng không?
  • Hạnh Phương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
Chiêm ngưỡng căn phòng triệu đô của các ngôi sao
Chiêm ngưỡng căn phòng triệu đô của các ngôi sao

Cùng People ghé thăm chốn riêng tư nhất của các ngôi sao nổi tiếng thế giới.

Triệu Vy lấy lại phong độ

"Én nhỏ" hào hứng tham gia buổi chụp hình bìa cho tạp chí ELLE số tháng 10.

Phạm Băng Băng gợi cảm từng centimet

Nữ diễn viên nổi tiếng của màn ảnh hoa ngữ khoe thân hình gợi cảm trong bộ đầm vai trần với những hoạ tiết y chang trên những bình gốm cổ Trung Hoa.

Lê Khanh làm duyên bên hiên nhà

(VietNamNet) - Đã rất lâu kể từ khi làm vợ đạo diễn Phạm Việt Thanh, NSND Lê Khanh mới sắm vai "người mẫu" trong bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Đức Hùng.

,
,
,